Kỹ thuật chăm sóc nghé con theo mẹ
Hiện nay, chăn nuôi trâu sinh sản đang được các địa phương phát triển và nhân rộng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả chăn nuôi thì việc chăm sóc nghé con theo mẹ cần được triển khai đúng kỹ thuật. Ở nghé sơ sinh, dạ dày cũng đủ 4 túi như trâu, nhưng dạ múi khế chiếm gần 50% thể tích và là nơi tiêu hóa chính của nghé. Sữa bú từ vú mẹ không đi vào dạ cỏ mà được chuyển trực tiếp xuống dạ múi khế thông qua rãnh thực quản. Trong bốn tuần đầu sau khi sinh, tiêu hóa của nghé gần giống như ở gia súc dạ dày đơn, sau đó dạ dày phát triển dần và tiêu hoá 4 túi được hình thành. Nuôi dưỡng nghé non có ý nghĩa rất quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến năng suất chăn nuôi sau này. Chế độ nuôi dưỡng hợp lý nghé non thể hiện qua sự phát triển cơ thể một cách bình thường của nghé qua từng giai đoạn.
1. Chuồng trại
Luôn giữ sạch, khô và ấm, tránh gió lùa. Nếu chuồng trại ẩm ướt, bẩn dễ làm nghé con cảm lạnh và dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp. Vì vậy, cần chú ý giữ sạch nền chuồng, dọn dẹp phân, nước tiểu, che chắn chuồng trại tránh gió lùa, mưa dột, lót nền bằng rơm khô hoặc đệm lót có chế phẩm sinh học. Chuẩn bị sẵn rơm/vải khô cho nghé sơ sinh.
2. Dinh dưỡng
Khi mới sinh, nghé non còn yếu, cần phải chăm sóc ngay. Lau sạch toàn thân nghé bằng vải sạch hoặc rơm khô, cắt và sát trùng rốn bằng cồn i - ốt 5%, cân trọng lượng và ghi chép vào sổ. Sau đó đưa nghé sơ sinh vào ổ rơm/vải để giữ ấm.
Sau khi đẻ, cho nghé bú sữa mẹ ngay (trong vòng nửa giờ sau khi sinh), bú sữa đầu càng sớm và càng nhiều lần càng tốt, vì sữa đầu có nhiều protein, vitamin, khoáng hơn sữa thường. Đặc biệt là trong sữa đầu có Globulin, kháng thể giúp cho nghé có khả năng kháng bệnh. Trước khi cho nghé bú, cần vệ sinh chuồng trại, trâu mẹ phải được lau sạch bầu vú, hỗ trợ nghé bú ban đầu. Nghé được bú sữa đầu đầy đủ sẽ có sức đề kháng cao hơn và giảm tỉ lệ mắc bệnh đường tiêu hóa (giun đũa bê nghé, cầu trùng …) và đường hô hấp (viêm phổi, tụ huyết trùng…)
Nuôi nghé theo mẹ, trong tháng thứ nhất sau khi đẻ, cần chú ý cho nghé bú đủ lượng sữa mẹ cần thiết để đảm bảo sinh trưởng bình thường, nếu trâu mẹ không đủ sữa cho nghé phải cho thêm sữa bột pha với nước ấm.
Lượng sữa nuôi nghé hàng ngày có thể chia theo: tháng thứ nhất 4 - 5 lít/ ngày, tháng thứ hai 3 - 4 lít/ ngày; tháng thứ ba 2 - 3 lít/ngày; chia làm 3 - 4 lần/ ngày.
Sau 3 - 4 tuần tuổi, có thể tập cho nghé ăn thức ăn tinh và cỏ, sau 1 tháng có thể cho ăn tự do với lượng thích hợp. Cho nghé tập ăn làm quen dần, cứ 10 ngày điều chỉnh khẩu phần 1 lần cho thích hợp với sự phát triển của nghé và cho ăn đủ khẩu phần.
Cỏ khô là loại thức ăn cần thiết vì nó kích thích sự phát triển của dạ cỏ và hoàn thiện hệ vi sinh vật dạ cỏ. Có thể tập cho nghé ăn cỏ khô từ lúc 10 - 15 ngày bằng cách để cỏ khô chất lượng tốt vào xô treo trên cũi cho bê hoặc treo trên thành chuồng.
3. Chăm sóc
Tăng cường chăm sóc nghé con theo mẹ. Mùa lạnh chải lông hàng ngày và mỗi tuần tắm 1 lần vào lúc nắng ấm để tăng cường sự tuần hoàn và trao đổi chất giúp nghé sinh trưởng tốt. Mùa hè, tắm và chải lông hàng ngày.
Tăng cường vận động hàng ngày cho nghé, giúp nghé phát triến tốt. Nghé dưới 1 tháng tuổi cho vận động tại sân chơi hoặc ở bãi chăn gần chuồng, nghé 2 - 3 tháng tuổi cho vận động 2 - 4 giờ, nghé 4 - 6 tháng tuổi cho vận động 4 - 6 giờ/ ngày ở sân chơi hoặc bãi chăn gần chuồng nuôi.
Nghé nuôi theo mẹ có thể chăn thả cùng trâu mẹ, những tháng đầu thời gian chăn ngắn hơn.
Thường nghé được cai sữa lúc 4 - 5 tháng tuổi nếu nuôi tách mẹ hoặc sau đó nuôi theo đàn.
Định kỳ kiểm tra và diệt ve, chấy, rận trên cơ thể nghé, dùng bình phun tắm hoặc bắt ve, ruồi mòng trên thân da trâu, nghé.
Thực hiện tiêm phòng vắc - xin đầy đủ và tẩy ký sinh trùng định kỳ cho đàn vật nuôi.