SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số kỹ thuật cơ bản trong nuôi ong ngoại

[14/06/2023 10:34]

Nuôi ong lấy mật hiện tại đang là một hình thức chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nguồn thu nhập ổn định bởi 90 - 95% sản phẩm của con ong tạo ra như mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa…. đều có thể sử dụng và chế biến trong khi đó nuôi ong đầu tư ban đầu không cao, không đòi hỏi nhiều nhân lực. Hiện nay, nuôi ong ngoại (Apis Mellifera) lấy mật chiếm phần lớn trong tổng số đàn ong nuôi ở Việt Nam, sau đây là một số kỹ thuật cơ bản trong nuôi ong ngoại để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm thu được.

1. Lựa chọn các đàn ong giống

Đàn ong giống ngoại (đàn cơ bản) phải có nguồn gốc rõ ràng, ong chúa trẻ dưới 6 tháng tuổi, không mắc bệnh về ấu trùng và ve ký sinh, có 6 cầu, quân đông, bánh tổ mới, có trứng, ấu trùng, nhộng, đủ mật, phấn dự trữ.

2. Trại nuôi ong và cách bố trí đàn ong

- Chọn địa điểm đặt ong: điểm đặt ong mật là nơi có tối thiểu 50 đàn ong nội hoặc 100 đàn ong ngoại, khoảng cách tối thiểu giữa 2 điểm đặt ong nội là 1 km; giữa 2 điểm đặt ong ngoại là 2 km; giữa 2 điểm đặt ong nội với ong ngoại là 2 km. Về kỹ thuật, chọn nơi có nhiều cây nguồn mật, phấn tập trung, phù hợp với số lượng đàn ong. Chỗ đặt ong cần bằng phẳng, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không ngập lụt vào mùa mưa, xa bãi rác thải, kho thuốc bảo vệ thực vật, nơi sản xuất đường, bánh kẹo; thuận tiện đi lại, vận chuyển ong, vật tư và sản phẩm; tránh nơi có nhiều ao hồ, đầm lầy bao quanh.

- Bố trí đàn ong: Đặt đàn ong theo đường thẳng, cửa tổ quay về hướng đối diện với cửa tổ của hàng phía trước. Đặt đàn ong trên chân sắt hoặc gỗ cao khoảng 40 - 50 cm.

3. Kiểm tra đàn ong

- Kiểm tra bên ngoài: Quan sát hoạt động của đàn ong hàng ngày, phát hiện và xử lý kịp thời ong cướp mật, ong bò vẽ tấn công, ong ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật…

- Kiểm tra bên trong đàn ong: Định kỳ 2 - 3 lần/tháng/lần, số lần có thể nhiều hay ít hơn tùy thuộc mùa vụ và diễn biến của đàn ong. Đánh giá và ghi chép hiện trạng đàn ong về số cầu, số quân, mật, phấn, ong chúa, bệnh ký sinh; kết hợp loại bỏ ong đực, điều chỉnh số quân/cầu, vệ sinh đáy thùng, sắp xếp các cầu theo thứ tự (phấn, ấu trùng, trứng, nhộng và mật).

4. Kỹ thuật giới thiệu chúa

Nguyên tắc là giới thiệu chúa vào đàn ong mất chúa, đặt trực tiếp mũ chúa vào khoảng trống phía trên giữa 2 cầu hoặc cắm trên bánh tổ của đàn mất chúa.

Đối với chúa tơ: thả trực tiếp chúa tơ đang nở vào đàn mất chúa, chúa tơ đã nở phải giới thiệu như chúa đẻ. Đối với chúa đẻ: đặt lồng nhốt chúa lên mặt xà cầu, sau 24 giờ nếu một số ong thợ mớm cho ong chúa ăn thì tách cầu ra xa 8 - 10 cm; mở lồng cho chúa tự bò vào cầu, sau 15 - 20 phút, chúa không bị vây thì ổn định lại cầu, nếu chúa bị vây phải giới thiệu lại. Trường hợp nhiều ong thợ bu chặt quanh lồng thì nhốt chúa thêm 24 – 48 giờ nữa.

5. Nhập ong

Là mang đàn ong hoặc cầu ong (gồm cả bánh tổ và ong trưởng thành) đến sát nhập với đàn ong khác. Mùa vụ diễn ra trước khi ong qua đông vào tháng 1 - tháng 2 (ở miền Bắc) và ong qua hè tháng 7 - tháng 8 hàng năm.

Nguyên tắc: nhập đàn mất chúa vào đàn có chúa; đàn yếu vào đàn mạnh; nhập vào buổi tối; thao tác nhẹ nhàng.

6. Cho ong ăn thức ăn thay thế phấn hoa tự nhiên

Cho ong ăn khi đàn ong thiếu phấn nuôi ấu trùng. Làm thức ăn từ bột đậu tương (đã khử béo), phấn hoa khô, đường kính, men bia, sữa bột khử béo, có thể bổ sung thêm các Vitamin. Một số công thức phối trộn:

- Bột đậu tương (4 phần) + Phấn hoa khô (1 phần) + Đường kính (5 phần).

- Bột đậu tương (5 phần) + Phấn hoa khô (1 phần) + Đường kính (4 phần).

- Bột đậu tương (50%) + Sữa bột khử béo (20%) + Men bia (10%) + Phấn hoa khô (20%).

Trộn hỗn hợp ở dạng đậm đặc, nắm thành nắm nhỏ đặt lên mặt trên xà cầu hoặc đổ thức ăn lên mặt xà cầu. Số đợt cho ăn tùy thuộc điều kiện nguồn hoa, thời tiết đặt ong, mỗi đợt cách nhau 3 - 4 ngày.

Bản tin khuyến nông việt nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ