SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quy trình sản xuất cây cà phê giống sạch bệnh, chất lượng cao

[15/06/2023 20:47]

Cà phê là một cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh tế trên 40 năm tuỳ theo từng giống, điều kiện trồng chế độ chăm sóc và mục đích khai thác. Vì vậy để bảo đảm cho việc sản xuất kinh doanh thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc chọn giống cũng như kỹ thuật nhân giống thích hợp có tính quyết định. Hiện nay có 2 loại cà phê chè và giống cà phê vối. Đây là 2 loài mang những đặc điểm di truyền cũng như yêu cầu sinh lý, sinh thái hoàn toàn khác nhau.

Phần 1: Ươm cây giống

1. Thiết kế vườn ươm

1.1. Vị trí làm vườn ươm

Vườn ươm phải có nguồn nước sạch, thuận tiện cho việc vận chuyển và chăm sóc, có nền đất bằng phẳng, ổn định, độ dốc dưới 3 độ, khả năng thoát nước tốt, đảm bảo đủ nguồn nước tưới, không bị ô nhiễm hóa chất và nguồn bệnh.

Khu vực làm vườn ươm tương đối kín gió, có hàng rào bảo vệ, không nằm liền kề với vườn cà phê bị nhiễm sâu bệnh hại rễ nặng.

1.2. Thiết kế và xây dựng vườn ươm

a. Khung, giàn che

Xác định vị trí cọc giàn và phạm vi luống: Khoảng cách giữa các cột giàn 3 - 4 m hoặc 3 - 6 m tùy vào độ dài và chắt của cây gác giàn. Cột cao so với mặt đất khoảng 2 m và không được dựng trên lối đi giữa 2 luống, cột chôn sâu từ 0,2 - 0,4 m.

Luống ươm: Rộng 1,0 - 1,2 m, dài tùy thuộc vào vườn ươm nhưng không nên dài quá 25 m, độ cao mặt luống 10 - 20 cm, lối đi giữa 2 luống rộng 40 - 50 cm, khoảng cách từ luống đến vách che xung quanh rộng 0,8 - 1,0 m;

Giàn che: Vật liệu làm giàn và che lợp tùy điều kiện địa phương như: lưới nhựa công nghiệp... Độ che phủ ánh sáng từ 50 - 70%, tùy theo giai đoạn phát triển của cây cà phê con.

b. Hệ thống phụ trợ

Xung quanh vườn ươm có mương thoát nước, chống cháy.

Thiết kế hệ thống tưới (đối với những vườn ươm cố định): Sử dụng hệ thống ống dẫn chịu lực có đường kính 25 - 30 cm hoặc ống thép tráng kẽm đặt nổi, hệ thống ống tưới bằng chất liệu nhựa mềm gắn trên khung giàn che hoặc đặt ngầm trong luống ươm cây và sử dụng béc phun phù hợp với thiết kế.

c. Xử lý nền đất

Giải phóng mặt bằng, dọn sạch các tạp chất như đá, rác, rễ cây… tạo nền đất bằng phẳng. Xử lý nền đất bằng vôi bột hoặc thuốc xông hơi Dazomet (5 kg/100 m2) vào thời gian trước khi đặt bầu khoảng 2 tháng. Nền đất bị nhiễm tuyến trùng có thể rải cát, lót đá mịn dày ≥ 5 cm hoặc lót nilon đen mỏng, bạt để ngăn chặn sự xâm nhập của tuyến trùng.

2. Tiêu chuẩn bầu nuôi cây

2.1. Kích thước bầu

Kích thước phẳng của bầu ươm:

Cây 6 tháng tuổi, kích thước bầu 12 x 22 cm;

Cây 12 tháng tuổi, kích thước bầu 15 x 25 cm;

Cây 18 tháng tuổi, kích thước bầu 25 x 35 cm.

Túi bầu được đục 8 - 12 lỗ thoát nước (đường kính lỗ từ 0,4 - 0,5 cm) ở nửa dưới của bầu phân bố thành 2 hàng cách nhau từ 6 - 8 cm, khoảng cách 2 lỗ trên hàng từ 4 - 6 cm, hàng lỗ dưới cách đáy bầu không quá 2 cm.

2.2. Giá thể vào bầu

a. Nguồn đất

Sử dụng đất tại chỗ: Dọn sạch nền đất, cày xới đất ở độ sâu khoảng 10 - 15 cm, phay làm tơi đất, lên thành từng luống rộng từ 1,0 - 1,2 m.

Đất từ nguồn khác: Lấy đất mặt ở độ sâu 0 - 30 cm, đổ thành từng luống có chiều rộng từ 1,0 - 1,2 m. Không lấy đất ở các vườn cà phê bị nhiễm bệnh do tuyến trùng và nấm gây hại.

b. Xử lý đất trước khi vào bầu

Xử lý đất bằng nhiệt (phơi nắng): Dùng nilon trong chịu nhiệt để che phủ luống đất, các tấm nilon được giữ cố định tránh gió thổi bay. Đất ươm cây được vun thành từng luống với kích thước rộng 1,2 m, cao 0,6 m và chiều dài tùy thuộc vào địa hình, trung bình từ 15 - 20 m. Khoảng cách giữa các luống 0,4 m. Thời gian xử lý đất bằng nhiệt trung bình khoảng 3 - 4 tháng trước khi vào bầu và tập trung phơi ải đất vào những tháng mùa khô.

Xử lý đất bằng các chế phẩm sinh học: Sử dụng một trong các loại chế phẩm sinh học trừ tuyến trùng có thành phần như: Abamectin; Azadirachtin; Chitosan; Clinoptilolite; Cytokinin; Peacilomyces lilacinus; Tinh dầu quế; Trichoderma hazianum; Trichoderma konigii; Bột cây dã quỳ; Thuốc thảo mộc trừ tuyến trùng chứa hoạt chất Saponin…. Liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên nhãn bao bì. Biện pháp này cần thời gian xử lý đất khá dài từ 6 tháng đến 1 năm mới đạt hiệu quả.

Xử lý đất bằng biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc hóa học Copper Hydroxide hoặc xử lý xông hơi bằng Dazomet, liều lượng 5 kg trên 100 m2 đất..., xử lý đất 2 lần cách nhau từ 20 ngày đến 1 tháng trước khi vào bầu. Biện pháp này có tác dụng hạn chế tuyến trùng trong bầu đất rất hiệu quả, tuy nhiên cần phải có thời gian và không gian cách ly để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Kiểm tra mật độ tuyến trùng trong đất trước khi vào bầu. Trường hợp đất vào bầu còn bị nhiễm bệnh do tuyến trùng và nấm gây hại thì cần xử lý lại bằng các biện pháp nhiệt, sinh học đến khi đất không còn nguồn bệnh mới cho vào bầu.

2.3. Tỷ lệ phối trộn

- Hỗn hợp đất vào bầu gồm:

Đất tơi xốp, hàm lượng mùn > 3%, không lẫn rễ cây, đá sỏi, các vật lạ khác;

Phân chuồng hoai mục, tơi nhỏ;

Phân lân nung chảy hoặc super lân;

Trộn đều đất, phân theo tỷ lệ: 0,8 m3 đất + 0,2 m3 phân chuồng (4 : 1), mỗi m3 hỗn hợp đất, phân trộn thêm 5 kg lân nung chảy hoặc 5 kg super lân.

- Lượng đất, phân cần cho 1 ha vườn ươm:

Đất: 800 - 1.000 m3 (tùy thuộc vào kích cỡ bầu đất);

Phân chuồng hoai mục: 200 - 250 m3;

Lân nung chảy: 5.000 kg;

Yêu cầu hỗn hợp đất, phân được cho vào túi bầu: chặt, cân đối, thẳng đứng (2 góc đáy bầu chặt đất, lưng bầu không gãy khúc). Xếp bầu vào luống sao cho thẳng đứng, khít vào nhau và thẳng hàng. Trên luống xếp 12 - 14 cây/hàng tùy theo cỡ bầu, chiều rộng luống 1,0 - 1,2 m và khoảng cách giữa hai luống 0,4 m.

3. Xử lý hạt giống

Hạt giống dùng để tạo cây gốc ghép đạt tiêu chuẩn, có sức nảy mầm tốt.

Các yếu tố đảm bảo cho hạt giống nảy mầm: Đủ ẩm, nhiệt độ 40 – 420C, đủ ôxy cho hạt hô hấp và phải vệ sinh hạt sạch sẽ.

3.1. Phương pháp có bóc vỏ thóc

Phơi hạt giống dưới nắng dịu (tốt nhất là trước 10 giờ sáng) cho vỏ thóc hơi giòn, bóc hoặc xát vỏ thóc, loại bỏ hạt xấu (đen, nứt, xây xát, có lỗ mọt, hạt tam giác, hạt lõm), đem ngâm nước sạch 45 - 500C trong 14 - 16 giờ. Sau đó đem đãi sạch vỏ lụa, hạt thối, hạt mốc.

Đựng hạt giống đã xử lý vào bao lưới nhựa sạch và cho vào thúng đậy kín để giữ nhiệt. Hàng ngày đãi sạch nhớt, loại trừ vỏ lụa còn sót lại, nhặt bỏ hạt thối, mốc.

Sau 5 - 7 ngày hạt giống bắt đầu nhú rễ mầm, lựa những hạt đã nảy mầm đem gieo, không để mầm dài quá 0,5 mm.

3.2. Phương pháp không bóc vỏ thóc

Hạt giống được phơi 01 ngày trên bạt (hoặc trên nong nia), độ dày lớp hạt từ 3 - 5 cm, dưới ánh sáng trực tiếp và đảo liên tục 2 giờ/lần. Ngâm ngập nước lã sạch trong 24 giờ; sau 24 giờ tiến hành rửa chua cho hạt giống; và ủ trong thúng hay bao đay 2 - 3 ngày khi hạt đã trương đủ nước sẽ đem gieo, hàng ngày đưa ra rửa chua đãi rạch nhớt và tạp chất.

4. Gieo ươm hạt giống

4.1. Gieo trực tiếp vào bầu đất

Tưới bầu đất trước khi gieo 1 - 2 ngày, gieo hạt hướng đầu rễ quay xuống đất, mỗi bầu 1 hạt ở tâm bầu, lấp đất 3 - 4 mm, không gieo quá sâu. Các bầu ở hàng bìa luống gieo thêm 1 - 2 hạt dự phòng để dặm nếu có bầu không mọc hoặc cây non bị chết. Gieo xong dùng ô doa hoặc vòi sen tưới nước nhẹ để hạt gắn ổn định vào đất. Nếu có hạt trồi khỏi mặt đất phải phủ đất thêm.

4.2. Gieo trên luống để bứng cây con cấy vào bầu

- Luống gieo hạt: Trong vườn ươm có giàn che, tạo luống rộng 1,0 - 1,2 m, cao ít nhất 20 cm, chiều dài tùy lượng hạt giống cần gieo, mặt luống bằng phẳng. Đất để gieo hạt không quá khô, được sàng mịn và trộn với cát theo tỷ lệ giá thể là 20% cát + 80% đất trộn đất với cát để tạo độ tơi xốp giúp cho rễ dễ dàng đâm xuống và không bị cong, khi nhổ cây rễ sẽ ít bị tổn thương.

- Cách gieo hạt: Rải đều hạt vừa nhú mầm trên mặt luống, không để hạt chồng lên nhau, không có hạt quay đầu rễ lên trên. Dùng vật cứng, phẳng đè nhẹ hạt cho lún đều xuống đất. Phủ lớp đất mịn dày 3 - 5 mm, dùng lưới đen phủ kín, tưới đủ ẩm. Sau gieo khoảng 20 - 30 ngày kiểm tra thấy có hạt giống nẩy mầm đội đất thì dỡ lớp phủ ra. Hàng ngày tưới nước đủ ẩm. Lượng giống gieo 1kg/m2.

- Ra ngôi cây con: Cây con sau khi bung hai lá sò hoàn toàn thì tiến hành cắm vào bầu đất, cần loại bỏ cây có rễ cọc bị cong, rễ chùm, rễ bị đứt còn quá ngắn dưới 4 cm và những cây hoàn toàn không có rễ tơ. Cắt bớt đầu rễ cọc dài quá 10 cm. Dùng cọc nhọn đường kính 1 cm chọc lỗ sâu 10 - 12 cm, đưa cây con vào bầu sao cho rễ thẳng, nén chặt đất dọc chiều dài rễ. Tưới đẫm nước và giữ giàn che mát để cho ánh sáng lọt vào khoảng 20% trong 15 ngày đầu.

Phần 2: Chăm sóc cây con và chăm sóc cây ghép

I. Chăm sóc cây con (cây thực sinh và làm gốc ghép)

1. Tưới nước

Cây con trong vườn ươm phải được tưới nước đầy đủ theo nguyên tắc: Cây nhỏ tưới lượng nước ít và nhiều lần, cây lớn tưới lượng nước nhiều và ít lần. Việc định lượng và chu kỳ tưới nước còn tùy thuộc vào tình hình thời tiết, độ ẩm của đất trong bầu, biểu hiện sinh trưởng của cây con.

2. Bón phân

Khi cây con có cặp lá thật thứ nhất, bắt đầu tưới thúc các loại phân như sau:

- Tưới phân vô cơ: N - K (tỉ lệ nguyên chất 2:1, phân N dạng Urê) hòa nồng độ 0,1 - 0,15% khi cây con có 1 - 2 cặp lá thật, 0,2 - 0,3% khi cây con có trên 3 cặp lá thật, liều lượng 2 - 3 lít/m2. Chu kỳ tưới từ 15 - 20 ngày /lần.

Chú ý: Sau mỗi lần tưới thúc phân phải tưới lại bằng nước lã.

- Phun phân bón lá: ngoài việc tưới thúc phân, có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây con trong vườn ươm bằng các loại phân bón qua lá.

3. Điều chỉnh ánh sáng

Lượng ánh sáng tự nhiên đi qua giàn che ở các thời kỳ sinh của cây con như sau:

20 - 30%: Giai đoạn cây con có từ 1 cặp lá thật trở xuống;

40 - 60%: Giai đoạn cây 2 - 4 cặp lá thật;

80 - 100%: Giai đoạn cây trên 4 cặp lá thật.

4. Vệ sinh, phá váng, đảo bầu giãn cây

Thường xuyên nhổ sạch cỏ, dọn vệ sinh, nếu mặt đất trong bầu bị dí chặt, phải bóp quanh miệng bầu hoặc xới xáo nhẹ mặt bầu để phá váng.

Cây được 2 - 3 cặp lá tiến hành đảo bầu và phân loại cây con, trong quá trình phân loại kết hợp nhổ cỏ, bóp nhẹ miệng bầu để phá váng. Phân loại cây và xếp theo khu vực riêng để dể chăm sóc và cây con đồng đều hơn.

Cây được 4 - 5 cặp lá tiến hành đảo bầu và phân loại cây con và xếp giãn cây bằng cách xếp 2 hàng cây và bỏ khoảng trống 1 hàng ở giữa.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh, đặc biệt chú ý phòng trừ bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây hại, bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng và nấm gây hại.

- Bệnh lở cổ rễ

Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp gồm biện pháp canh tác, biện pháp sinh học và biện pháp hóa học.

+ Biện pháp canh tác

Không tưới quá ẩm, ngừng tưới thúc phân phân khi có bệnh;

Kiểm tra vườn thường xuyên, nhổ bỏ các cây bệnh nặng và đưa ra khỏi vườn ươm để tiêu hủy;

Thường xuyên khử trùng dụng cụ, vật liệu được sử dụng trong vườn ươm, đồ bảo hộ của người làm vườn ươm (giày, ủng...)

+ Biện pháp sinh học

Thuốc sinh học trừ nấm bệnh: Áp dụng để phòng bệnh, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Chaetomium cupreum; Trichoderma spp.; Trichoderma viride...  Định kỳ 1 tháng/lần, phương pháp xử lý theo hướng dẫn trên bao bì.

Thuốc hóa học trừ nấm bệnh: Áp dụng khi có cây bị bệnh, phun thuốc có chứa hoạt chất Copper hydroxide, Cuprous Oxide... Phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày, phương pháp xử lý theo khuyến cáo ghi trên nhãn bao bì.

- Bệnh vàng lá, thối rễ

+ Biện pháp canh tác: Áp dụng phòng trừ các biện pháp canh tác tương tự như bệnh lở cổ rễ.

+ Biện pháp sinh học:

Cần sử dụng kết hợp 1 loại thuốc sinh học trừ tuyến trùng kết hợp với 1 loại thuốc trừ nấm.

Thuốc sinh học trừ tuyến trùng: Sử dụng các loại chế phẩm sinh học trừ tuyến trùng như Abamectin; Azadirachtin; Chitosan; Clinoptilolite; Cytokinin; Peacilomyces lilacinus; Tinh dầu quế; Trichoderma hazianum; Trichoderma konigii... Tưới vào bầu đất, định kỳ 2 tháng/lần sau khi cắm cây vào bầu 2 tháng, phương pháp xử lý theo khuyến cáo ghi trên nhãn bao bì.

Thuốc sinh học trừ nấm bệnh: Sử dụng một trong các loại chế phẩm sinh học trừ nấm như Chaetomium cupreum; Trichoderma spp.; Trichoderma viride...  Phun và tưới vào bầu đất, định kỳ 2 tháng/lần sau khi cắm cây vào bầu 2 tháng, phương pháp xử lý theo khuyến cáo ghi trên nhãn bao bì.

+ Biện pháp hóa học

Áp dụng khi cây bị nhiễm bệnh ở mức nhẹ, cần sử dụng kết hợp 1 loại thuốc sinh học trừ tuyến trùng kết hợp với 1 loại thuốc trừ nấm.

Thuốc hóa học trừ tuyến trùng: Sử dụng một trong các loại thuốc có các hoạt chất như Abamectin + Thiamethoxam; Benfuracarb, …

Thuốc hóa học trừ nấm: Áp dụng khi có cây bị bệnh, phun thuốc có chứa hoạt chất Copper hydroxide, Cuprous Oxide...

Phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày, phương pháp xử lý theo khuyến cáo ghi trên nhãn bao bì. Xử lý định kỳ 2 tháng/lần cho đến khi xuất vườn.

6. Tiêu chuẩn cây con thực sinh xuất vườn

- Cây đạt 5 - 6 cặp lá;

- Chiều cao cây ≥ 30 cm.

- Đường kính gốc ≥ 3 mm ( đối với cà phê chè); ≥ 4 mm (đối với cà phê vối);

- Thân thẳng, thân lá không bị dị dạng, không bị sâu bệnh hại chính;

- Được huấn luyện dưới ánh nắng trực tiếp ít nhất 7 ngày trước khi trồng.

II.  Kỹ thuật ghép và chăm sóc cây ghép

1. Tiêu chuẩn cây gốc ghép

Sử dụng cây gốc ghép gieo từ hạt, cây được chăm sóc tốt và đạt các tiêu chuẩn như sau:

- Cây cà phê có 5 - 6 cặp lá;

- Đường kính gốc ≥ 4 mm;

- Lóng ngọn nơi ghép dài ít nhất 3 cm;

- Thân thẳng, thân lá không bị dị dạng, không bị sâu bệnh hại chính;

- Ngừng tưới phân thúc ít nhất 10 ngày trước khi ghép.

2. Tiêu chuẩn chồi ghép

- Chồi được cắt từ vườn nhân chồi của các cơ quan có thẩm quyền công nhận vườn đầu dòng. Nguồn giống cà phê đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép sản xuất, kinh doanh.

- Chồi ghép phải có chiều dài ít nhất là 7 cm, mang 1 cặp lá thật bánh tẻ và 1 đỉnh sinh trưởng nằm trong 2 lá non chưa xòe.

3. Thời vụ ghép

Có thể tiến hành ghép chồi trong vườn ươm quanh năm nhưng thời vụ ghép tốt nhất là từ tháng 2 - 5.

4. Phương pháp ghép

Ghép theo phương pháp ghép nêm nối ngọn. Các bước tiến hành như sau:

- Cắt bỏ ngọn thân gốc ghép, vết cắt cách nách lá bên dưới 3 - 4 cm, chẻ dọc giữa thân 2 cm;

- Cắt bỏ bớt 1/2 - 2/3 diện tích lá, cắt vát 2 phía của phần chân chồi ghép tạo thành vết nêm có độ dài tương ứng với vết chẻ trên gốc ghép;

- Đưa phần chân chồi ghép vào vết chẻ sao cho 2 lớp vỏ của gốc và chồi ghép áp chặt vào nhau;

- Dùng dây nilon tự hủy rộng 2 - 3 cm, quấn chặt và kín toàn bộ vết ghép; vòng ngoài cùng quấn từ dưới lên.

- Hạn chế mất nước của chồi ghép bằng hai cách sau:

+ Dùng túi nilon trong có kích thước từ 12 x 22 cm chụp kín phần chồi mới vừa ghép xong.

+ Làm khung bằng các thanh sắt hoặc tre, nứa uốn cong hình bán nguyệt cao 60 - 70 cm, dài và rộng tuỳ theo luống xếp bầu và dùng những tấm nhựa nilon trắng lớn trùm kín cả khung.

Chú ý: Dùng dao sắc vát thật phẳng 2 mặt của chồi ghép, thao tác nhanh. Không dùng chồi ghép già.

5. Chăm sóc cây ghép

Thực hiện các kỹ thuật chăm sóc như sau:

- Chăm sóc cây ghép: Đặt cây vừa mới ghép xong dưới giàn che có 20% ánh sáng tự nhiên đi qua. Sau ghép 25 - 30 ngày tháo túi nilon hoặc khung chụp ra. Thường xuyên cắt bỏ chồi vượt mọc từ phần thân gốc ghép.

Tuần đầu sau khi ghép, hàng ngày tưới nước đủ ẩm cho gốc ghép, sau đó việc định lượng và chu kỳ tưới tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, tình trạng độ ẩm của đất. Các chăm sóc khác tương tự như phần sản xuất cây thực sinh làm gốc ghép. Tỉ lệ cây ghép sống đạt yêu cầu trên 90%.

- Huấn luyện cây và phân loại cây ghép: Sau khi tháo chụp 1 tuần là có thể điều chỉnh giàn che để tăng dần ánh sáng. Dỡ giàn che hoàn toàn và ngừng tưới thúc trước khi trồng 10 - 15 ngày. Sau khi ghép 30 - 45 ngày tiến hành phân loại cây lần đầu để kịp thời chăm sóc những cây bị chèn ép hoặc có biểu hiện sinh trưởng chậm. Trước khi trồng cần phân loại kỹ những cây đạt tiêu chuẩn.

- Tiêu chuẩn cây ghép lúc đem trồng:

* Cây ghép 1 năm tuổi (10 - 12 tháng trong vườn ươm từ khi gieo hạt):

+ Chiều cao cây tính từ mặt bầu đến đỉnh sinh trưởng của chồi ghép: 20 - 30 cm (hoặc chồi ghép có chiều cao trên 10 cm).

+ Đường kính đo trên vết ghép 1 cm phải > 3,5 mm.

+ Chồi đựợc ghép tối thiểu phải đạt 60 ngày trước khi trồng.

+ Chồi ghép đã có ít nhất một cặp lá phát triển thuần thục.

+ Kích thước bầu đất: 12 x 22 cm đối với gốc ghép 6 tháng tuổi; 15 x 25 cm đối với gốc ghép cà phê vối hoặc cà phê mít 10 tháng tuổi.

* Cây ghép hai năm tuổi (20 - 22 tháng từ khi gieo hạt):

Cây trước khi đưa ra trồng phải đạt 1 - 2 cặp cành.

Cây ghép khi đem trồng phải thuần thục, đúng giống, vết ghép tiếp hợp tốt, không bị dị dạng, không nhiễm tuyến trùng và sâu bệnh hại chính, không có biểu hiện của sự thiếu hay rối loạn dinh dưỡng và không bị cong rễ. Cây đã được huấn luyện ánh sáng hoàn toàn trước khi trồng 10 - 15 ngày, bầu đất còn nguyên trong túi nhựa PE, đúng qui cách và có tem nhãn để truy xuất nguồn gốc.

Bản tin khuyến nông Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ