Thực hành tự chăm sóc ở người bệnh có lỗ mở thông đường tiêu hóa tại bệnh viện Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thanh Trúc, Ngô Thị Dung, Nguyễn Hồng Thiệp, Bùi Thành Phú, Trần Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Cát Tường, Lê Thị Kim Chi - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ người bệnh thực hành đúng tự chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hoá; Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến việc thực hành đúng chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hóa.
Người bệnh có lỗ mở thông đường tiêu hoá sẽ phải thay đổi lối sống và học cách chăm sóc lỗ mở thông của họ. Thiếu kỹ năng tự chăm sóc làm tăng tỷ lệ biến chứng ở người bệnh có lỗ mở thông đường tiêu hoá sau khi xuất viện. Nghiên cứu của Hanem và cộng sự (2019) cho thấy 57% người bệnh gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc khi có lỗ mở thông. Việc đánh giá khả năng tự chăm sóc lỗ thông của người bệnh là rất quan trọng để đưa ra những giải pháp cụ thể trong việc hướng dẫn người bệnh cách tự chăm sóc. Đây cũng là nhu cầu cấp thiết của người bệnh có lỗ mở thông đường tiêu hóa. Nhằm bước đầu đánh giá việc thực hành và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến thực hành tự chăm sóc ở người bệnh có lỗ mở thông đường tiêu hoá, làm cơ sở xây dựng các giải pháp hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh, nghiên cứu:“Thực hành tự chăm sóc ở người bệnh có lỗ mở thông đường tiêu hoá tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ” được thực hiện với mục tiêu: Xác định tỷ lệ người bệnh thực hành đúng tự chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hoá. Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến việc thực hành chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hóa.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu: Người bệnh có lỗ mở thông đường tiêu hoá đang điều trị tại Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2022.
- Tiêu chuẩn chọn mẫu: Người bệnh sau mổ có lỗ mở thông đường tiêu hoá chuẩn bị xuất viện. Có khả năng nghe và trả lời câu hỏi hoặc điền vào bảng câu hỏi. Có thể tự thực hiện kỹ thuật chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hóa.
- Tiêu chuẩn loại trừ: Người bệnh trong trong giai đoạn nặng không thể tự chăm sóc và người bệnh hạn chế vận động hoặc hạn chế nghe nói.
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.
- Cỡ mẫu: Được tính theo công thức:
- Phương pháp thu thập số liệu: Các thông tin chung được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp người bệnh. Đánh giá thực hành tự chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hoá của người bệnh bằng cách quan sát người bệnh trong quá trình tự chăm sóc.
- Phương pháp xử lý và phân tích số liệu: Sử dụng phần mềm thống kê SPSS 20.0, thống kê tần số, tỉ lệ thực hành đúng tự chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hoá; dùng phép kiểm Chi bình phương để xác định mối liên quan giữa việc thực hành đúng với tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp và nguồn thông tin hướng dẫn tự chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hóa.
Nghiên cứu đã được thông qua hội đồng y đức theo quyết định số 2510/ĐHYDCT ngày 22/12/2021.
Kết quả nghiên cứu 45,9% người bệnh thực hành đúng chăm sóc lỗ mở thông đường tiêu hóa. Trình độ học vấn, nghề nghiệp và sự hướng dẫn của điều dưỡng là các yếu tố được tìm thấy có liên quan đến việc thực hành đúng của người bệnh.
Qua khảo sát, có 45,9% người bệnh thực hành đúng việc chăm sóc lỗ mở thông. Việc thực hành chăm sóc còn hạn chế trong một số bước như quan sát, đánh giá (55,4%), rửa niêm mạc (58,1%), chăm sóc da (50%), quản lý chất tiết (47,3%) và xử lý rác (36,5%). Trình độ học vấn, nghề nghiệp và sự hướng dẫn của điều dưỡng là các yếu tố được tìm thấy có liên quan đến việc thực hành đúng chăm sóc lỗ mở thông của người bệnh. Cần có kế hoạch cải tiến trong việc hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc lỗ mở thông nhằm tăng khả năng tự chăm sóc cho người bệnh.
Tạp chí Y dược học Cần Thơ – số 59/2023