Tỷ lệ nhiễm và một số yếu tố liên quan đến nhiễm giun móc/mỏ (Ancylostoma duodenale/Necator americanus) ở học sinh tiểu học tại xã Ea pô, Huyện Cư Jut, Tỉnh Đắk Nông
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Văn Thủy - Trung tâm Y tế huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, Hoàng Thị Minh Trang, Ngô Văn Phương, Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ nhiễm và một số yếu tố liên quan đến nhiễm giun móc/mỏ ở học sinh tiểu học tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, năm 2021.
Trên thế giới, tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ vẫn còn và phổ biến ở các nước như Thái Lan, Indonesia, Ethiopia và Việt Nam. Tại Việt Nam, giun móc/mỏ có sự phân bố khắp cả nước và tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ khác nhau theo từng khu vực. Ở trẻ em, tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ được báo cáo khá cao tại tỉnh Tây Ninh với 41,6% . Báo cáo của Vũ Văn Thái và Nguyễn Thị Nguyệt thực hiện tại thành phố Hà Tĩnh cho tỷ lệ nhiễm giun móc ở học sinh tiểu học là 4,9% . Tại tỉnh tỉnh Phú Yên, Trần Duy Thuần và Nguyễn Đỗ Nguyên cho biết tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ ở học sinh tiểu học là 20,0% và yếu tố đi chân đất là yếu tố làm tăng khả năng nhiễm giun móc/mỏ ở trẻ . Tại tỉnh Đắk Lắk, nghiên cứu của Nguyễn Châu Thành được thực hiện tại huyện Krông Pắk và nghiên cứu của Phan Văn Trọng và cộng sự (cs) tại huyện Cư Mgar cho biết tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ ở học sinh tiểu học lần lượt là là 19,5% và 13,0% . Huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông – là một tỉnh nằm trong khu vực Tây Nguyên, có đặc điểm khí hậu nóng ẩm, điều kiện kinh tế tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp, điều.
Đối tượng nghiên cứu: Học sinh tiểu học thuộc xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
- Tiêu chuẩn chọn mẫu: Học sinh đang học tại các trường tiểu học thuộc xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông và được người thân đồng ý cho tham gia nghiên cứu.
- Tiêu chuẩn loại trừ: Học sinh có uống thuốc tẩy giun trong vòng 6 tháng trước thời gian lấy mẫu; học sinh vắng mặt trong thời gian lấy mẫu.
Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn bằng phương pháp ngẫu nhiên hệ thống. Đầu tiên, danh sách học sinh tại hai trường tiểu học sẽ được thu thập và các học sinh sẽ được đánh số bắt đầu từ 1 tới 884 theo thứ tự từ lớp 1 đến lớp 5 của hết trường này mới đến trường khác. Với tổng số học sinh tại hai trường là 884, khoảng cách mẫu K = 884:384 = 2,3. Bốc chọn ngẫu nhiên học sinh đầu tiên có số thứ tự i (giữa 1 và 884), học sinh thứ 2 sẽ có số thứ tự là i + 2 và các học sinh tiếp theo (n) sẽ có số thứ tự là i + 2(n-1).
- Nội dung nghiên cứu: Kỹ thuật xét nghiệm phân Kato được sử dụng để xác định tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏở học sinh tiểu học tại địa điểm nghiên cứu.Sử dụng bộ câu hỏi phỏng vấn để thu thập một số thông tin về nhân khẩu học, thông tin về cha mẹ học sinh và thói quen sinh hoạt nhằm xác định yếu tố liên quan đến nhiễm giun móc/mỏ tại địa điểm nghiên cứu.
Mẫu phân được xét nghiệm tại phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Y tế huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.Số liệu được phân tích sử dụng phần mềm thống kê R 4.0.0. Phân tích thống kê mô tả được sử dụng để tính toán tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ và phân tích hồi quy logistic đa biến được sử dụng để xác định các yếu tố liên quan đến nhiễm giun móc/mỏ.
Qua xét nghiệm 440 học sinh tiểu học, tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ là 12,7% (Khoảng tin cậy (KTC) 95%: 9,8% – 16,2%). Kết quả phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy các yếu tố gồm giới tính và rửa tay trước khi ăn là các yếu tố liên quan đến nhiễm giun móc/mỏ ở học sinh tiểu học tại địa điểm nghiên cứu.
Qua các kết quả nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ học sinh tiểu học tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, năm 2021 chúng tôi rút ra được một số kết luận sau: Tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ ở học sinh tiểu học tại địa điểm nghiên cứu là 12,7%; Các yếu tố gồm giới tính và rửa tay trước khi ăn là các yếu tố liên quan đến nhiễm giun móc/mỏ ở học sinh tiểu học ở địa điểm nghiên cứu.
Tạp chí Y dược học Cần Thơ – số 59/2023