Đặc điểm lăm sàng và cận lâm sàng viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ
Nghiên cứu do tác giả La Gia Thúy Vy, Trần Quang Khải, Phạm Minh Quân, Trần Thụy Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hồng An, Nguyễn Việt Nhựt Minh, Trần Thị Thanh Thư, Trương Quốc Hữu - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nghiên cứu nhằm mô tả các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả dịch não tủy của trẻ sơ sinh mắc viêm màng não mủ nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Trong những năm qua, nghiên cứu về viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ không nhiều, các dữ liệu đã cũ cần được cập nhật. Do đó, nghiên cứu được thưch hiện với 2 mục tiêu: Mô tả các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng trẻ sơ sinh mắc viêm não mủ tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Mô tả đặc điểm dịch não tủy lấy từ trẻ sơ sinh mắc viêm màng não mủ tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Viêm màng não mủ là một trong những bệnh nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương nghiêm trọng. Đặc biệt đối với lứa tuổi sơ sinh, các triệu chứng lâm sàng không điển hình và thường bị chồng lắp với bệnh cảnh của nhiễm trùng huyết. Theo tổ chức Liên Hợp Quốc, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não mủ chiếm từ 3,7%-6,8%. Việc chẩn đoán bệnh khó khăn đòi hỏi cần dựa vào cả lâm sàng và cận lâm sàng. Trong đó, dịch não tuỷ đóng vai trò quan trọng và có tính chất quyết định trong việc chẩn đoán. Cần tiến hành chọc dò dịch não tuỷ sớm ngay khi khám lâm sàng có nghi ngờ viêm màng não mủ.
Đối tượng nghiên cứu:
Báo cáo loạt ca. Chúng tôi đã tiến hành thu thập số liệu và phân tích từ 32 trẻ được chẩn đoán viêm màng não mủ (VMNM) từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022 tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
- Tiêu chuẩn chọn mẫu: Trẻ sơ sinh (<28 ngày tuổi) được chẩn đoán VMNM dựa trên triệu chứng lâm sàng và kết quả của dịch não tủy (DNT) có từ một tiêu chí phù hợp với VMNM như: tế bào tăng hoặc protein tăng hoặc glucose giảm (tế bào ≥ 20 tế bào/mm3; protein: >100mg/dL với trẻ đủ tháng hoặc >125mg/dL với trẻ non tháng; nồng độ glucose DNT: <30mg/dL với trẻ đủ tháng hoặc <20mg/dL với trẻ non tháng).
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Báo cáo loạt ca.
- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện.
- Nội dung nghiên cứu: Tiến hành thu thập số liệu theo 2 mục tiêu gồm: Hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng gồm công thức máu, glucose máu, CRP máu (C protein reaction); tiến hành chọc dò DNT và ghi nhận kết quả.
Các số liệu nghiên cứu thu thập được sẽ được nhập và xử lý kết quả theo phương pháp thống kê y học bằng phần mềm SPSS 18.0. Thống kê mô tả: các biến định tính được trình bày dạng tần suất (tỷ lệ phần trăm); các biến định lượng có phân phối chuẩn được trình bày dưới dạng trung bình, các biến định lượng không phân phối chuẩn được trình bày dưới dạng trung vị.
Kết quả nghiên cứu đặc điểm lâm sàng: triệu chứng xuất hiện nhiều nhất là sốt với53,1%. Triệu chứng vàng da, hô hấp, co giật được ghi nhận nhiều ở nhóm nhiễm trùng sơ sinh sớm. Triệu chứng sốt, khò khè và các triệu chứng tiêu hóa gặp nhiều ở nhóm nhiễm trùng sơ sinh muộn. Đặc điểm cận lâm sàng: 12,5% trường hợp giảm bạch cầu và 28,1% tăng bạch cầu. Có 40,6% trường hợp tăng CRP. Đặc điểm dịch não tủy: nồng độ protein dịch não tủy trung bình là 107,2mg/dL và có 46,9% trường hợp tăng nồng độ protein; tế bào dịch não tủy có trung vị là 20 tế bào/mm3 và 56,3% trường hợp tăng tế bào dịch não tủy; nồng độ glucose dịch não tủy có trung vị là 50,4mg/dL và 3,2% trường hợp có nồng độ glucose giảm; cấy dịch não tủy: 100% âm tính.
Sốt là triệu chứng gặp nhiều nhất ở trẻ sơ sinh mắc VMNM, và đa số xuất hiện ở nhóm NTSS muộn. Ngoài ra, nhóm NTSS sớm được ghi nhận xuất hiện nhiều hơn về các triệu chứng vàng da, co giật. Về đặc điểm DNT, thay đổi số lượng tế bào trong DNT chiếm tỷ lệ cao nhất trong 3 thành phần công thức DNT. Tỷ lệ giảm nồng độ glucose DNT chiếm tỷ lệ thấp nhất. Việc dùng kháng sinh trước khi chọc dò DNT sẽ ảnh hưởng đến kết quả nuôi cấy DNT.
Tạp chí Y dược học Cần Thơ – số 59/2023