SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả điều trị chấn thương ngực kín tại Bệnh viện Đa Khoa Thành Phố Càn Thơ

[16/06/2023 12:55]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Đoàn Ngọc Tuân, Đinh Thị Tú Trinh, Võ Hoàng Nhuận, Nguyễn Hải Tâm, Đào Trọng Nghĩa, Lý Trí Hào, Liêu Vĩnh Đạt -rường Đại học Y Dược Cần Thơ nghiên cứu đặc điểm thương tổn và đánh giá kết quả điều trị của bệnh nhân chấn thương ngực kín.

Chấn thương ngực kín là nguyên nhân gây tử vong phổ biến, chấn thương ngực chiếm 25-35% các trường hợp tử vong liên quan chấn thương và có thể để lại những di chứng nặng nề. Nguyên nhân thường gặp nhất trong chấn thương ngực kín là tai nạn giao thông (70,60%), tai nạn sinh hoạt và tai nạn lao động ít gặp hơn với tỷ lệ lần lượt là 23,50% và 5,90% [1], [2]. Do tai nạn giao thông là nguyên nhân thường gặp nên chấn thương ngực kín thường nằm trong bệnh cảnh đa chấn thương với các tổn thương rất đa dạng, thường gặp nhất là gãy xương sườn (33,30%), dập phổi (15%), tràn khí máu màng phổi (10%), mảng sườn di động (7%), chấn thương tim hoặc đường dẫn khí lớn (5%) và có thể phối hợp với các chấn thương khác: sọ não, bụng, tứ chi .Do thương tổn phức tạp trong bệnh cảnh đa chấn thương nên việc chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn, thường dựa vào cơ chế chấn thương, thăm khám lâm sàng ghi nhận các triệu chứng: đau ngực, biến dạng lồng ngực, hội chứng ba giảm và cận lâm sàng có vai trò quan trọng giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị .  Việc  tiếp cận, thăm khám ban đầu trong cấp cứu chấn thương nói chung và chấn thương ngực kín nói riêng là bước rất quan trọng để phát hiện, đánh giá và xử lý các tình trạng khẩn cấp gây rối loạn nặng nề hô hấp- tuần hoàn có thể sẽ gây tử vong nhanh chóng Mặc dù tỷ lệ tử vong cao, nhưng nếu tiếp cận xử lý ban đầu đúng đắn thì có thể cứu sống bệnh nhân và quản lý điều trị chấn thương ngực kín chỉ có khoảng 10% cần phẫu thuật, điều trị nội khoa bảo tồn là chủ yếu. Chấn thương ngực kín là vấn đề nghiêm trọng và việc nghiên cứu thương tổn, kết quả điều trị giúp cung cấp các số liệu và nâng cao hiệu quả điều trị nhưng có rất ít nghiên cứu mới về vấn đề này. Do đó đề tài “Kết quả điều trị chấn thương ngực kín tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ” được thực hiện với mục tiêu: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị chấn thương ngực kín tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ.

Đối tượng nghiên cứu:Tất cả bệnh nhân chấn thương ngực kín được chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ.

 Phương pháp nghiên cứu

- Thiết kế nghiên cứu: Mô tả hàng loạt ca tiến cứu.

- Cỡ mẫu: Lấy trọn mẫu.

- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện.

- Nội dung nghiên cứu:

+ Các đặc điểm chung: Tuổi, giới, nguyên nhân chấn thương.

+ Các đặc điểm lâm sàng:

Triệu chứng cơ năng: Đau ngực, khó thở, ho ra máu.

Triệu chứng thực thể: Tràn khí dưới da, hô hấp đảo nghịch trong mảng sườn di động, hội chứng ba giảm, tam chứng Galliard, tam chứng Beck.

+ Các đặc điểm thương tổn trong chấn thương ngực kín (dựa vào cơ chế chấn thương, đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng):Vị trí thương tổn.

Các thương tổn thành ngực: Gãy xương sườn, đụng giập thành ngực.

Các thương tổn phổi - màng phổi: Tràn khí - tràn máu các mức độ, dập phổi.

Các thương tổn cơ quan khác: Tim, mạch máu, khí quản, cơ hoành,…

+ Tổn thương các cơ quan phối hợp: Chấn  thương sọ não, chấn thương hàm mặt,

chấn thương vùng cổ, chấn thương bụng, gãy xương chi trên, gãy xương chi dưới, chấn thương cột sống.

+ Kết quả điều trị:

Phương pháp điều trị chấn thương ngực: Bảo tồn, phẫu thuật dẫn lưu, phẫu thuật mở ngực.

Đánh giá kết quả điều trị:

Đánh giá kết quả từng phương pháp (kết quả tốt, kết quả chưa giải quyết triệt để, kết quả tử vong): Điều trị nội khoa bảo tồn: Chưa triệt để khi giảm đau không hiệu quả, chuyển sang phương pháp điều trị khác; Dẫn lưu màng phổi: Biến chứng đặt ống dẫn lưu, máu đông màng phổi, viêm mủ màng phổi hoặc chuyển sang phương pháp điều trị khác; Phẫu thuật: Biến chứng sau mổ.

Đánh giá kết quả chung (kết quả tốt, kết quả chưa giải quyết triệt để, kết quả tử vong):

Chưa giải quyết triệt để khi có biến chứng trong quá trình điều trị, di chứng sau xuất viện.

Thời gian nằm viện.

- Phương xử lý số liệu:

+ Xử lý số liệu bằng phần mềm Stata 16.0.

+  Các  test  kiểm  định:  Kiểm  định  Fisher  exact,  Kiểm  định  Wilcoxon  rank-sum (Mann-Whitney).

+ p< 0,05 sự khác biệt được xem là có ý nghĩa thống kê.

Kết quả nghiên cứu bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 52,80, nam giới chiếm 71,25%, nguyên nhân chủ yếu là  do tai nạn giao thông 66,25%; đặc điểm lâm sàng đau ngực chiếm 97,59%. Gãy xương sườn thường gặp nhất (91,57%), tổn thương phổi - màng phổi chiếm 53,01%, trong đó: tràn máu màng phổi (37,35%), dập phổi (16,87%), tràn khí  -  máu màng phổi (12,05%), tràn khí màng phổi đơn thuần 2,40%. Có 82/83 bệnh nhân được điều trị tốt (98,80%), 1 trường hợp viêm mủ màng phổi (1,20%), trung vị thời gian nằm viện là 6 ngày. Có sự khác biệt về thương tổn dập phổi (p=0,035), tràn khí - máu màng phổi (p=0,021), trung vị thời gian nằm viện (p=0,002) và không có sự khác biệt về mức độ tràn máu màng phổi (p=0,698) ở hai nhóm gãy 1-3 xương sườn và >3 xương sườn. Có sự khác biệt về trung vị thời gian nằm viện giữa 2 nhóm có và không có dẫn lưu màng phổi (p=0,007).

Nguyên nhân thường gặp nhất là tai nạn giao thông, đau ngực là triệu chứng chủ yếu, gãy xương sườn là thương tổn thường gặp nhất. Gãy nhiều xương sườn làm tăng nguy cơ tổn thương phổi - màng phổi và thời gian nằm viện.

Tạp chí Y dược học Cần Thơ – số 59/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ