SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu trên Bệnh nhân đáí tháo đường type 2 nhóm tuổi từ 18-60 đang điều trị ngoại trú tại Thành Phố Cần thơ.

[16/06/2023 13:03]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Huỳnh Hà Xuyên, Nguyễn Phạm Trúc Thanh, Nguyễn Duy Khương, Thái Thị Ngọc Thúy - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nghiên cứu nhằm Xác định tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu trên bệnh nhân đái tháo đường type 2. Xác định mối liên quan giữa trầm cảm và rối loạn lo âu trên bệnh nhân ĐTĐ type 2.

Đái tháo đường type 2 (ĐTĐ type 2) là bệnh chuyển hóa đặt ra thách thức nghiêm trọng cho chính phủ và xã hội. Trong bản cập nhật của IDF World Atlas of Diabetes, dữ liệu được thu thập từ 220 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2015 cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 79 là khoảng 8,8%, tương ứng với khoảng 415 triệu người và ước tính cho 2040 là hơn 600 triệu người hay cứ  10 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc bệnh [1]. Đái tháo đường có mối liên hệ với các rối loạn tâm lý, trầm cảm và rối loạn lo âu là hai trong rất nhiều những mối liên quan thường gặp. Tỷ lệ đau khổ ở những người mắc bệnh ĐTĐ type 2 nói chung là 36%, trong khi đó, tỷlệ trầm cảm phổ biến ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 là từ 17,8 đến 39% và tỷ lệ lo lắng trên bệnh nhân ĐTĐ type 2 được tìm thấy là 40%. Trầm cảm xuất hiện ở bệnh nhân ĐTĐ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng lên cả thể chất và tâm thần của người bệnh. Chính vì thế, việc xây dựng một chiến lược tầm soát các rối loạn tâm thần ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 là cần thiết. Do đó, nghiên cứu “Khảo sát tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 nhóm tuổi từ 18 – 60 đang điều trị ngoại trú tại Thành phố Cần Thơ” được thực hiện với 2 mục tiêu: Xác định tỷ  lệ  trầm cảm và rối loạn lo âu trên bệnh nhân ĐTĐ type 2.  Xác định mối liên quan giữa trầm cảm và rối loạn lo âu trên bệnh nhân ĐTĐ type2.

Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện với 91 bệnh nhân ĐTĐ type 2 trên nhóm từ 18 – 60 tuổi được chẩn đoán và điều trị  ngoại trú trên 3 tháng tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Bệnh viện Tim Mạch thành phố Cần Thơ.

Phương pháp nghiên cứu: cắt ngang trên 91 bệnh nhân ĐTĐ type 2 từ 18 - 60 tuổi điều trị ngoại trú ≥ 3 tháng tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Bệnh viện Tim Mạch thành phố Cần Thơ. Người tham gia hoàn thành bảng câu hỏi PHQ – 9 và GAD -7 để  sàng lọc trầm cảm và rối loạn lo âu.

Kết quả nghiên cứu: Phần lớn đối tượng nghiên cứu là nữ (60,4%). Tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu trên bệnh nhân ĐTĐ type 2 lần lượt là 37,4% và 33%. Mối liên quan giữa trầm cảm và rối loạn lo âu p < 0,001, OR = 1,2, CI = 95%, trong đó, rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu chiếm 24,2%; trầm cảm đơn thuần là 13,3% và rối loạn lo âu đơn thuần là 8,8%.

Tóm lại, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm và lo âu cao trong một mẫu lớn người dân thành phố Cần Thơ mắc bệnh ĐTĐ type 2. Tồn tại mối tương quan giữa trầm cảm và rối loạn lo âu ở bệnh nhân ĐTĐ type 2. Cần sàng lọc các triệu chứng trầm cảm và lo âu bằng các chẩn đoán tâm thần để ngăn ngừa và kiểm soát các triệu chứng này ở bệnh nhân ĐTĐ type 2.

Tạp chí Y dược học Cần Thơ – số 59/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ