Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mụn trứng cá tại bệnh viện Da liễu Thành phố Cần Thơ năm 2021
Nghiên cứu do nhóm tác giả Đỗ Thị Ngọc Nhi, Phan Minh Thy, Nguyễn Đỗ Hải Ngọc, Trần Phi Tuấn Kiệt, Lê Vy Yến Phượng, Lạc Thị Kim Ngân, Huỳnh Văn Bá - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mụn trứng cá tại Bệnh viện Da Liễu Thành phố Cần Thơ năm 2021.
Mụn trứng cá là một bệnh rất thường gặp, chiếm tỷ lệ 80 - 85% ở người trưởng thành. Bệnh có thể khởi phát từ thời niên thiếu đến tuổi trưởng thành, có khi kéo dài đến độ tuổi 35 - 44. Ở nước ta có rất nhiều đề tài nghiên cứu về mụn trứng cá, theo Nguyễn Thị Giao Hạ (2011), tỷ lệ mắc mụn trứng của sinh viên là 90,2%, tỷ lệ nam (91,3%) mắc cao hơn nữ (88,8%). Trong đó, mụn trứng cá ở nữ là do thói quen sử dụng mỹ phẩm, chu kỳ kinh nguyệt và nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt thói quen sử dụng sữa rửa mặt, sử dụng mỹ phẩm ở nam và nữ. Nghiên cứu về mụn trứng cá và các yếu tố liên quan sẽ giúp cho các bác sĩ có thêm thông tin về bệnh để can thiệp, nâng sao sự hiểu biết và hướng dẫn người bệnh những biện pháp chăm sóc, bảo vệ làn da hữu hiệu và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đề tài được thực hiện với mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mụn trứng cá tại Bệnh viện Da Liễu Thành phố Cần Thơ năm 2021.
Đối tượng nghiên cứu: Tất cả bệnh nhân mụn trứng cá đến khám tại Bệnh viện Da Liễu Thành phố Cần Thơ từ tháng 6/2021 đến 12/2021.
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. - Cỡ mẫu nghiên cứu: Áp dụng công thức ước lượng một tỷ lệ với mức tin cậy 95%, sai số cho phép 9% và tỷ lệ p=0,825, cỡ mẫu ước tính được là 35 bệnh nhân.
- Nội dung nghiên cứu Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu: Tuổi, giới tính, địa chỉ, trình độ học vấn. Đặc điểm lâm sàng của đối tượng nghiên cứu: Tuổi khởi phát, thời gian mắc bệnh, tình trạng da, dạng sang thương, vị trí của thương tổn. Đặc điểm các yếu tố liên quan đến đối tượng nghiên cứu: Nhân trắc học, tiền sử gia đình, căng thẳng, thức khuya, thói quen nặn mụn, dùng sửa rửa mặt, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ bơ sữa, đường; thói quen uống nước.
- Phương pháp phân tích và xử lý số liệu Số liệu được nhập, phân tích và xử lý bằng phần mềm SPSS 18.0.
Kết quả, dưới 19 tuổi chiếm tỷ lệ là 88,6%, độ tuổi từ 19 đến 25 tuổi 11,4%. Tình trạng da nhờn chiếm tỷ lệ cao nhất 45,7%, da nhạy cảm với 28,6%, da thường có tỷ lệ 14,3% và da khô với 11,4%. Vị trí chiếm tỷ lệ cao nhất là mặt 100%, lưng 51,4%, ngực 31,4% và chi 8,6%. Bệnh nhân có thói quen thức khuya, mức độ rất nặng có tỷ lệ là 21,4%, mức độ trung bình là 21,4%. Bệnh nhân sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ bơ sữa, đường >2 lần/tuần, mức độ trung bình có tỷ lệ là 69,2%, mức độ rất nặng là 7,7%
Qua nghiên cứu 35 bệnh nhân mụn trứng cá đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da Liễu Cần Thơ từ tháng 06/2021 đến tháng 12/2021, chúng tôi xin rút ra một số kết luận như sau: nam giới và nữ giới chiếm tỷ lệ lần lượt là 62,9% và 37,1%. Tình trạng da nhờn, da nhạy cảm, da thường, da khô chiếm tỷ lệ lần lượt là 45,7%. 28,6%, 14,3%, 11,4%. Tất cả bệnh nhân đều có mụn trứng cá ở mặt. Tỷ lệ bệnh nhân thức khuya bị mụn trứng cá chiếm 40%. Bệnh ăn có thói quen sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ bơ sữa, đường > 2 lần/tuần có mức độ trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất 69,2%.
Tạp chí Y dược học cần Thơ số 59/2023