Triệu chứng, đặc điểm phát sinh, gây hại của một số sâu, bệnh chính trên cây chanh leo
Chanh leo và sản phẩm của nó là mặt hàng xuất khẩu được nhiều thị trường đón nhận. Mặc dù là cây trồng mới nhưng chanh leo hiện nay đã và đang được phát triển mạnh ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên, chanh leo là cây trồng dễ bị các loại dịch hại tấn công, vì vậy, bài viết nhằm cung cấp những thông tin về triệu chứng, đặc điểm phát sinh, gây hại của một số sâu, bệnh chính trên cây chanh leo để tham khảo.
I. Nhóm bệnh hại do vi rút
1. Triệu chứng
- Triệu chứng bệnh virus trên chanh leo rất đa dạng với nhiều dạng biểu hiện khác nhau gồm:
+ Trên ngọn: Quăn và chùn ngọn.
+ Trên lá: khảm vàng trên lá non; lá già, lá nhăn nheo, phồng rộp.
+ Trên quả: quả nhỏ, vỏ quả hóa bần, quả biến dạng, vỏ quả chuyển màu từ màu xanh sang màu trắng.
- Các triệu chứng bệnh do virus gây ra rất khó phát hiện ở giai đoạn cây mới nhiễm bệnh, thường dễ nhẫm lẫn với các triệu chứng do côn trùng gây ra hoặc triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng.
2. Nguyên nhân:
Do 6 loài virus gây bệnh thuộc 3 chi:
a. Chi Potyvirus gồm: East Asian Passiflora virus- EAPV; Passionfruit Vietnam virus-PVNV; Telosma mosaic virus – TelMV.
b. Chi Begomovirus gồm: Papaya leaf curl virus-PaLCV; Euphorbia leaf curl virus-EuLCV.
c. Chi Cumcumovirus gồm: Cumcumber mosaic virus – CMV.
3. Khả năng lan truyền bệnh
- Bệnh virus lan truyền qua 3 con đường chính: Nhân giống vô tính, môi giới truyền bệnh (rệp muội, bọ phấn) và dụng cụ cắt tỉa. Riêng virus CMV có thể lan truyền qua hạt giống.
East Asian Passiflora virus (EAPV): Do rệp muội truyền virus gây bệnh phổ biến là các loài: Aphis gossypii, Myzus persicae, Aphis fabae (truyền không bền vững). Cây ký chủ là chanh leo, dây nhãn lồng, rau muối, đậu cove,...
Passionfruit Vietnam virus (PVNV): Do rệp muội truyền virus gây bệnh phổ biến là các loài: Aphis gossypii, Myzus persicae (truyền không bền vững). Cây ký chủ là chanh leo, dây nhãn lồng, rau muối,....
Telosma mosaic virus (TelMV): Do rệp muội truyền virus gây bệnh phổ biến là các loài: Aphis gossypii, Myzus persicae (truyền không bền vững).
Euphorbia leaf curl virus (EuLCV): Do bọ phấn trắng (rầy phấn trắng) Bemisia tabaci) truyền virus gây bệnh (bền vững tuần hoàn). Cây ký chủ gồm đu đủ, trạng nguyên, thuốc lá, chanh leo,...
Papaya leaf curl virus (PaLCV): Do bọ phấn Bemisia tabaci truyền virus gây bệnh (truyền bền vững). Cây ký chủ gồm đu đủ, thuốc lá, chanh leo,...
Cumcumber mosaic virus (CMV): Do rệp muội truyền virus gây bệnh, phổ biến là các loài: Aphis gossypii, Myzus persicae …(truyền không bền vững, có thể truyền qua hạt giống). Cây ký chủ gồm chanh leo, dây nhãn lồng, rau muối, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, cà tím, ớt,....
II. Nhóm bệnh hại do nấm
1. Bệnh đốm nâu (Alternaria alternata; Alternaria passiflorae)
a. Triệu chứng
Trên lá: Vết bệnh có màu nâu đỏ, đốm tròn đều, xung quanh vết bệnh có màu nâu sậm, có vòng đồng tâm, kích thước vết bệnh từ 1 - 10 mm. Khi bệnh gây hại nặng nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm rách lá. Trên bề mặt vết bệnh xuất hiện lớp nấm đen không rõ rệt.
Trên quả: Bệnh thường tấn công gây hại ở bất kỳ vị trí nào trên quả. Vết bệnh là những đốm tròn có màu nâu đỏ. Vết bệnh lõm xuống, chính giữa vết bệnh già có một lớp nấm màu đen phát triển, kích thước vết bệnh lớn từ 1 - 3 cm. Khi bệnh gây hại nặng nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm hỏng và rụng quả.
b. Nguyên nhân
Bệnh do nấm Alternaria alternata và Alternaria passiflorae. gây ra. Lớp nấm đen trên bề mặt vết bệnh là cành bào tử phân sinh và bào tử phân sinh của nấm. Nấm gây bệnh có phổ ký chủ hẹp, chủ yếu hại trên chanh leo.
c. Đặc điểm phát sinh gây hại
Bệnh phát sinh nhiều vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9, cao điểm gây hại vào tháng 8 - là thời điểm mưa nhiều, cây và quả đang phát triển mạnh. Nấm phát triển thuận lợi trong điều kiện ẩm ướt, mưa nhiều, nhiệt độ khoảng 20 – 280C, ẩm độ cao trên 85% và ở những vườn có mật độ trồng dày. Nấm xâm nhập vào cây qua vết thương cơ giới, vết gây hại của côn trùng và qua khí khổng mặt dưới lá. Nấm tồn tại trên tàn dư lá bệnh. Bào tử nấm lan truyền nhờ gió, nước mưa, nước tưới, côn trùng, dụng cụ và con người qua quá trình chăm sóc cây.
2. Bệnh thối thân, thối quả (Phytophthora nicotianae)
a. Triệu chứng
Trên quả: Vết bệnh thường xuất hiện từ phần dưới của quả, ban đầu là đốm nhỏ màu nâu nhạt hay đậm sau nhanh chóng lan rộng và hình thành các vòng đồng tâm trong có màu nâu đậm, ngoài màu nâu sáng, ranh giới vết bệnh rõ rang. Bệnh nặng hơn trong điều kiện ẩm ướt, cây trồng dày và không được cắt tỉa, khi đó quả bị thối hoàn toàn và trên bề mặt có lớp nấm trắng hơi nhầy.
Trên lá: Vết bệnh xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên lá, kích thước vết bệnh rất lớn và thường có màu xanh xám, giữa mô bệnh và mô khỏe không rõ ràng, bệnh thường phát triển rất nhanh và lan xuống cả cành, cả dây và quả.
Trên thân: Bệnh gây thối thân, thối rễ, bệnh nặng làm cây chết.
b. Nguyên nhân
Bệnh do nấm Phytophthora nicotianae gây ra
c. Đặc điểm phát sinh gây hại
Bệnh gây hại chủ yếu vào các tháng mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 9), cao điểm gây hại vào tháng 8. Đây là thời điểm điều kiện thời tiết có mưa nhiều nên bệnh phát sinh và lây lan nhanh. Bệnh phát triển mạnh trên những vườn chanh leo có mật độ trồng dày, không được cắt tỉa và vệ sinh sạch sẽ, thoát nước kém.
3. Bệnh thối gốc, phình thân (Fusarium solani)
a. Triệu chứng
Biểu hiện của bệnh chủ yếu ở phần gốc thân. Triệu chứng đầu tiên thường là phần gốc thân bị phình to. Trên bề mặt chỗ bị phình thường có các vết hằn màu đậm. Cắt ngang cả phần vỏ chứa phloem và phần lõi chứa mạch xylem bị thâm nâu. Thông thường, phần vỏ bị thâm nâu sẽ tương ứng với chỗ vết hằn màu đậm khi quan sát từ bên ngoài. Phần thân bị phình về sau sẽ nứt vỡ theo chiều dọc, mô bị thối hỏng hoàn toàn và trên bề mặt có lớp nấm trắng và nhiều các chấm màu đỏ.
b. Nguyên nhân
Bệnh do Fusarium solani gây ra thường hình thành lớp nấm trắng trên bề mặt, về sau có các hạt nhỏ màu nâu đỏ (quả thể) của nấm trên vết bệnh.
c. Đặc điểm phát sinh gây hại
Bệnh phát sinh gây hại trên những vườn chanh leo ứ đọng nước, thoát nước kém. Bệnh có xu hướng tăng mạnh sau khi kết thúc chu kỳ thu hoạch quả năm đầu, để lưu gốc năm sau. Hiện tượng phình thân xuất hiện cả trên thân chính và các cành cấp 1. Phần thân phình to khác thường so phần thân không bị bệnh trên cùng một cây. Có những thân khi thân phình to quá mức dẫn tới hiện tượng nứt thân và nhiều nấm hoại sinh tấn công, dẫn tới cây bị chết.
4. Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides)
a. Triệu chứng
Bệnh gây hại trên lá, thân cành và quả.
Trên lá: Vết bệnh ban đầu là những đốm tròn có màu nâu nhỏ, kích thước từ 2-3 mm, bề mặt ướt dạng dầu, xung quanh vết bệnh có viền màu xanh xám. Sau đó, vết bệnh phát triển thành vết lớn màu nâu đậm, hình hơi tròn hoặc không định hình, có kích thước > 1 cm. Ở điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao, các vết bệnh có thể phát triển lên cả cuống lá, các vết bệnh có thể liên kết làm cả mảng lá bị chết, và có thể làm rụng lá.
Trên thân, cành: Vết bệnh là các vết đốm màu nâu đậm, đường kính 4-6 mm, phát triển thành các vết bệnh giống như bị loét. Bệnh nặng có thể gây chết ngọn và tàn lụi cây, gây rụng hoa và quả sớm.
Trên quả: Vết bệnh ban đầu chỉ biểu hiện ở trên bề mặt quả, có màu nâu nhạt, về sau lõm xuống, có màu xám nhạt hoặc nâu đậm. Vết bệnh có thể phát triển > 1cm và ăn sâu vào phần trong của quả. Khi quả chín, các vết bệnh liên kết với nhau, có màu xám nhạt và ướt dạng dầu, vỏ quả trở nên mỏng.
Ở điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ cao, trên bề mặt vết bệnh (lá, thân, quả) hình thành nhiều khối bào tử nấm màu nâu hồng nhạt.
b. Nguyên nhân
Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides. gây ra. Khối bào tử nấm hình thành trên vết bệnh chính là đĩa cành (acevuli) của nấm. Nấm có phổ ký chủ rộng, gây hại trên hàng trăm loại cây trồng khác nhau.
c. Đặc điểm phát sinh gây hại
Nấm Colletotrichum gloeosporioides phát triển, lây lan nhanh và gây bệnh mạnh trong điều kiện nhiệt độ từ 28-300C, ẩm độ cao, vườn bón nhiều đạm, mật độ trồng dày. Bào tử phát tán nhờ mưa gió và côn trùng. Nấm tồn tại trên giống, tàn dư cây bệnh và trên các cây ký chủ khác.
Khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, bệnh gây hại từ tháng 4 – 11 hàng năm, cao điểm vào các tháng 6, 7, 8. Khu vực Tây Nguyên bệnh gây hại quanh năm, cao điểm vào các tháng 8, 9, 10.
Bên cạnh nhiệt độ và ẩm độ cao, nhìn chung, bệnh sẽ phát triển mạnh khi cây chanh leo sinh trưởng trong điều kiện dinh dưỡng kém.
III. Nhóm côn trùng, nhện và ruồi gây hại
1. Rệp muội (Aphis gossypii, Myzus persicae)
a. Triệu chứng
Rệp tập trung gây hại tại các chồi, lá non ở mặt dưới lá, chúng chích hút chồi non làm chồi biến dạng, lá cong queo còi cọc, nhạt màu, sau đó chuyển màu vàng và bị xoăn lại do rệp chích hút nhựa làm cho lá bị khô vàng. Chất bài tiết của rệp muội là môi trường cho nấm bồ hóng đen phát triển, bám đen cả cành lá và vỏ quả làm giảm sự quang hợp của lá, giảm giá trị quả. Là tác nhân truyền một số virus nguy hiểm trên cây chanh leo.
b. Điều kiện phát sinh và gây hại
Rệp phát triển và gây hại trên hầu hết các vùng trồng và có mặt trong suốt vụ chanh leo. Rệp thường xuất hiện sớm ngay từ đầu vụ, phát sinh gây hại mạnh khi có nhiệt độ cao, ẩm độ thấp (các tháng trước và sau mùa mưa) mật độ rệp thường thấp và giảm dần trong các tháng mùa mưa do mưa lớn, ngoài ra còn bị khống chế bởi các loài thiên địch.
2. Bọ phấn trắng - rầy phấn trắng (Bemisia tabaci)
a. Triệu chứng
Chúng chích hút nhựa cây ở ngọn và lá non làm chết mô cây dẫn đến lá vàng, xoăn lá, gây ảnh hưởng năng suất rất lớn. Bọ phấn bài tiết tạo môi trường cho nấm muội đen phát triển làm giảm quang hợp của cây. Bọ phấn là môi giới truyền các bệnh virus gây bệnh khảm xoăn lá.
b. Điều kiện phát sinh và gây hại
Cả ấu trùng và thành trùng thường sống và gây hại ở mặt dưới lá, hoạt động vào sáng sớm và chiều mát. Vào mùa nắng, thời tiết khô hanh, ẩm độ thấp (< 80 %), nhiệt độ cao (> 26 – 270C) là điều kiện thích hợp nhất để bọ phấn trắng phát triển và gây hại. Những vườn không được vệ sinh tốt, thường xuyên sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ rộng, phun định kỳ, phun nhiều lần là những yếu tố gây bộc phát bọ phấn trắng.
3. Bọ trĩ (Thrips sp.)
a. Triệu chứng gây hại
Bọ trĩ chích hút chồi lá, hoa và quả non. Gây xoăn và biến dạng lá, hoa và quả. Kìm hãm sinh trưởng, làm rụng hoa, gây mất năng suất và chất lượng quả.
b. Điều kiện phát sinh và gây hại
Cả trưởng thành và ấu trùng đều gây hại trên cây vào sáng sớm và chiều mát. Khi trời nắng gắt chúng thường chui vào mặt dưới của lá. Bọ trĩ thường tập trung ở mặt dưới lá non, bên trong hoa và quả non. Bọ trĩ trưởng thành hoạt động rất linh hoạt, khi bị khua động thì lẩn tránh rất nhanh. Chúng tập trung ở mặt trước và mặt dưới lá. Bọ trĩ có kiểu miệng dũa hút nên chúng dùng hàm dưới để dũa rách biểu bì rồi cắm vòi vào hút chất dinh dưỡng trong lá, đặc biệt lá non, làm cho cây sinh trưởng kém, cằn cỗi, khô héo. Gây thiệt hại lớn vào mùa khô, phát tán nhờ gió, phát triển mạnh khi trời ấm và có mưa rào.
4. Bọ xít
Các loài bọ xít gây hại trên chanh leo, gồm: Bọ xít gai (Cletus punctiger Dallas.), bọ xít xanh (Nezara viridula L.), bọ xít càng to (Leptoglossus australis Fabricius.),…
a. Triệu chứng gây hại
Bọ xít gây hại bằng cách chích hút vào lá, hoa, ngọn non và quả non làm hỏng ngọn non, quả lốm đốm, nếu gây hại nặng làm cho quả rụng.
b. Quy luật phát sinh gây hại
Trên chanh leo bọ xít xuất hiện nhiều vào những tháng đầu mùa hè tháng 5, cao điểm gây hại tháng 6 - 8. Đây là thời điểm chanh leo phát triển mạnh, nhiều lứa quả được hình thành. Bọ xít có xu tính với ánh sáng và thường gây hại lúc trời mát trong ngày, khi trời nắng to, nhiệt độ cao chúng ẩn ở dưới mặt lá. Chúng bay từ cây này sang cây khác, vùng này sang vùng khác để gây hại. Tuy nhiên, mặc dù bọ xít là nhóm đối tượng xuất hiện phổ biến trên chanh leo nhưng lại có mật độ rất thấp nên mức độ của chúng không đáng kể. Trong trường hợp bọ xít xuất hiện với mật độ cao mới cần phòng trừ.
5. Nhện nhỏ
Nhện nhỏ gây hại trên chanh leo có 2 loài là nhện đỏ (Tetranychus sp.) và nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus Banks). Chúng có kích thước rất nhỏ bé, khó nhìn thấy bằng mắt thường mà phải quan sát dưới kính lúp hoặc kính có độ phóng độ lớn. Quan sát dưới mặt lá thấy chúng xuất hiện nhiều pha phát dục bao gồm cả trứng ấu trùng và trưởng thành. Cả ấu trùng và trưởng thành đều sống tập trung ở mặt dưới phiến lá của những lá non (búp non) đang chuyển dần sang giai đoạn bánh tẻ.
a. Triệu chứng gây hại
Nhện nhỏ gây hại bằng cách hút dịch mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ, nếu nhện có mật độ cao sẽ làm lá bị xoăn lại, lá mau rụng và chậm ra lá non mới. Gặp điều kiện thuận lợi nhện sinh sản rất nhanh, làm cho từng mảng lớn của lá bị vàng, khô, thậm chí toàn bộ lá bị khô cháy và rụng. Nhện gây hại làm hoa bị thui chột không đậu quả được, quả non bị hại lốm đốm vàng và có thể bị rụng, gây thiệt hại lớn.
b. Quy luật phát sinh gây hại
Nhện nhỏ thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng, chủ yếu vào các tháng 5-8 hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa. Mật độ nhện giảm dần vào các tháng hoặc những khoảng thời gian có lượng mưa lớn do bị rửa trôi.
6. Ruồi đục quả (Bactrocera sp.)
Đã xác định có 2 loài ruồi gây hại trên chanh leo là các loài Bactrocera dorsalis Hendel và Bactrocera correcta Bezzi, loài gây hại chủ yếu là loài B. dorsalis Hendel.
a. Triệu chứng
Khi bị ruồi đục quả gây hại, quả non bị hại nhăn nheo và rụng sớm, trên quả đã lớn xung quanh vết hại hơi lõm xuống, vị trí vết hại vỏ quả cứng màu xám trắng, chính giữa vết hại có chấm màu đen. Vết thương do ruồi đục sẽ làm giảm giá trị thương phẩm của quả.
b. Quy luật phát sinh gây hại
Ruồi đục quả bắt đầu xuất hiện khi chanh leo hình thành quả, quả càng to mật độ ruồi xuất hiện càng nhiều, đặc biệt cao điểm xuất hiện khi quả bước sang giai đoạn chín. Ruồi xuất hiện nhiều vào tháng 7, 8 đây là thời điểm quả chín gối lứa liên tục.