SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá kỹ thuật sinh ống mầm trong định danh nấm Candida albicans bằng các môi trường khác nhau

[16/06/2023 15:52]

Nghiên cứu nhằm khảo sát đánh giá thử nghiệm sinh ống mầm trong định danh nấm Candida albicans trên một số môi trường theo thời gian thử nghiệm khác nhau. Đánh giá khả năng định danh Candida albicans bằng thử nghiệm sinh ống mầm của các môi trường kể trên.

Candida là nấm men gây bệnh phổ biến với các thể bệnh da dạng có thể là bệnh nấm niêm mạc (viêm âm đạo, viêm niêm mạc miệng lưỡi), bệnh ở da và móng, đến các thể bệnh xâm lấn như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng huyết do nấm.Vi nấm này được đánh giá là tác nhân gây nhiễm trùng huyết phổ biến trong nhóm 5 tác nhân vi sinh vật phổ biến nhất. Ước tính tỷ lệ tử vong do nấm Candida xâm lấn là 40-55%. Bên cạnh đó việc điều trị các nhiễm trùng do tác nhân vi nấm thường gặp nhiều khó khăn do thời gian kéo dài, chi phí lớn. Do đó, vấn đề định danh loài nhanh chóng là một vấn đề quan trọng trong việc xác định chính xác tác nhân gây bệnh, định hướng điều trị để có thể điều trị thành công, giảm thiểu chi phí và tác hại cho người bệnh. Trong các loài thuộc giống nấm này, Candida albicans (C. albicans) là loài gây bệnh phổ biến nhất với tỷ lệ phân lập từ 50-80% tùy theo nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay ghi nhận sự tăng lên của các loài C. non albicans gây bệnh  Bên cạnh đó vấn đề kháng thuốc của C. non albicans cũng được đánh giá quan trọng ở Việt Nam. Từ những vấn đề này cho thấy việc định danh loài nhanh chóng, các kỹ thuật đơn giản có thể áp dụng rộng rãi có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Để định danh loài từ môi trường nuôi cấy có thể thực hiện một số kỹ thuật như test sinh ống mầm, thử nghiệm đồng hóa đường, cấy chuyển trên các môi trường sinh màu, kỹ thuật sinh học phân tử . Trong đó thử nghiệm sinh ống mầm được đánh giá là thử nghiệm được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia khác nhau do thời gian thử nghiệm nhanh chóng, giá thành rẻ, dễ thực hiện, và có thể giúp phân biệt C. albicans và C. dubliniensis với các loài Candida spp. khác. Thử nghiệm này thường thực hiện với huyết thanh, tuy nhiên một số môi trường khác cũng được đề cập đến như môi trường tim óc hầm, huyết thanh ngựa, pepton 1%, lòng trắng trứng, môi trường trypticase soy cũng được nghiên cứu do huyết thanh là môi trường có nguy cơ nhiễm các tác nhân lây truyền qua đường máu như HIV, HBV,  Về thời gian thực hiện thử nghiệm, các mốc thời gian được đề cập từ 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ. Trong đó mốc thời gian 2 giờ thường được đánh giá là có ý nghĩa trong định danh. Bên cạnh đó mốc 3 giờ cũng được đề cập đến và thông thường khuyến cáo không để quá 3 giờ vì sau 3 giờ một số loài C. non albicans khác cũng có khả năng sinh ống mầm . Xuất phát từ thực tế là chưa nghiên cứu nào ở Việt Nam đánh giá khả năng sinh ống mầm trên các môi trường khác nhau của các chủng C. albicans phân lập từ Việt Nam. Vì vậy thử nghiệm sinh ống mầm thực hiện trên các chủng C. albicans phân lập được từ Việt Nam và khảo sát giá trị định danh theo các mốc thời gian khác nhau, trên các môi trường khác nhau để có thể đề xuất quy trình xét nghiệm phù hợp có ý nghĩa thực tế. Từ các vấn đề đặt ra trên, chúng tôi đề xuất đề tài: “Đánh giá kỹ thuật sinh ống mầm trong định danh Candida albicans bằng các môi trường khác nhau” nhằm các mục tiêu sau: 1. Khảo sát thử nghiệm sinh ống mầm trong định danh nấm Candida albicans trên một số môi trường (huyết thanh, lòng đỏ trứng gà, lòng trắng trứng gà, huyết thanh nhau thai bò, tim óc hầm lỏng, pepton 1%) theo thời gian thử nghiệm khác nhau. 2. Đánh giá khả năng định danh Candida albicans bằng thử nghiệm sinh ống mầm của các môi trường kể trên.

Đối tượng nghiên cứu: 36 chủng nấm C. albicans và 10 chủng nấm C. tropicalis đã được phân lập, định danh bằng kỹ thuật khối phổ MALDI-TOF MAS từ bệnh nhân trước đó và được lưu giữ tại Bộ môn Ký sinh trùng.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu phòng thí nghiệm thực hiện trên 36 chủng C. albicans và 10 chủng nấm C. tropicalis được lưu trữ tại bộ môn Ký sinh trùng. Thử nghiệm sinh ống mầm được thực hiện trên các môi trường huyết thanh , 1% pepton, BHI lỏng, lòng trắng trứng, lòng đỏ trứng và huyết thanh nhau thai bò, kết quả của thử nghiệm được đánh giá sau 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ.

Kết quả nghiên cứu C. albicans có tỷ lệ sinh ống mầm cao nhất sau 3 giờ nuôi cấy trên các môi trường. Tỷ lệ ống mầm dương tính của C. albicans trên các môi trường huyết thanh, 1% pepton, BHI lỏng, lòng trắng trứng, lòng đỏ trứng và huyết thanh nhau thai bò lần lượt là 91,67%, 58,33%, 25%, 33,33%, 91,67%, và 100%. Độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán dương tính, giá trị dự đoán âm tính của thử nghiệm sinh ống mầm trên môi trường huyết thanh và lòng đỏ trứng lần lượt là 91,67%, 100%, 100%, 76,92%

Qua nghiên cứu về giá trị định danh C. albicans bằng thử nghiệm sinh ống mầm thực hiện trên của một số môi trường bao gồm huyết thanh, 1% pepton, BHI lỏng, lòng trắng trứng, lòng đỏ trứng và huyết thanh nhau thai bò, với thử nghiệm được đánh giá sau 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ. Kết quả cho thấy C. albicans có tỷ lệ sinh ống mầm cao nhất sau 3 giờ nuôi cấy trên các môi trường. Với mốc thời gian 3 giờ, tỷ lệ ống mầm dương tính của C. albicans trên các môi trường huyết thanh, 1% pepton, BHI lỏng, lòng trắng trứng, lòng đỏ trứng và huyết thanh nhau thai bò lần lượt là 91,67%, 58,33%, 25%, 33,33%, 91,67%, và 100% .

Tạp chí y - dược học
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ