SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiểm hoạ từ cốc giấy khi đựng đồ nóng

[20/06/2023 15:04]

Những chiếc cốc giấy dùng một lần tưởng chừng thân thiện với môi trường hơn so với cốc nhựa, trên thực tế, chúng không có lợi cho sức khỏe do bên trong cũng được tráng nhựa.

Nếu không muốn chất độc từ thành phần nhựa trong cốc giấy thôi ra, các chuyên gia khuyến cáo không dùng loại cốc này đựng đồ uống trên 40 độ C.

Tim Gray, Chuyên gia Tâm lý học, Tối ưu hóa Sức khỏe trích dẫn một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở Kharagpur, trong đó họ đổ nước nóng vào cốc giấy để xem điều gì sẽ xảy ra.

"Họ phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với chất lỏng nóng trong 15 phút khiến cốc giấy dùng một lần được tráng nhựa giải phóng 25.000 hạt vi nhựa, các ion có hại và kim loại nặng vào chất lỏng. Họ tìm thấy các ion như florua, clorua, nitrat, sunfat và các kim loại nặng độc hại như như chì, crom, cadmium và asen trong các mẫu nước".

Không dùng cốc giấy đựng đồ uống trên 40 độ C

Giải thích về sự nguy hiểm của việc uống cà phê trong cốc dùng một lần, Tim Gray cho biết: "Việc tiêu thụ hạt vi nhựa và kim loại nặng ngoài lượng cà phê mang đi hàng ngày có thể khiến bạn có nguy cơ mất cân bằng nội tiết tố, mắc các vấn đề về sinh sản, đường ruột, ung thư và các vấn đề thần kinh".

Theo Gray, nghiên cứu không tìm thấy hạt nhựa nào trong cốc giấy đựng nước ở nhiệt độ phòng, do đó uống nước lạnh bằng cốc giấy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. "Để tránh tiêu thụ nhiều hạt vi nhựa với đồ uống nóng mang đi, hãy đầu tư một chiếc cốc thủy tinh hoặc silicon có thể tái sử dụng. Đó là cách tốt hơn cho sức khỏe của bạn và cho hành tinh này".

Theo kỹ sư Nguyễn Kim Huệ, Viện Công nghiệp Giấy và Xenlulô, có hai loại giấy chính dùng làm cốc, đĩa giấy dùng một lần, đó là giấy có tráng lớp nhựa chống nước bên ngoài và giấy keo bền nước.

Giấy có tráng nhựa chống thấm thường được sản xuất bằng công nghệ phun nhũ tương lớp nhựa mỏng lên giấy, sau đó chuyển qua quá trình đóng rắn hay gia nhiệt để lớp giấy và nhựa gắn liền vào nhau. Vì thế, mặc dù lớp giấy của loại cốc này có thể kém bền nhưng do có nhựa bao bên ngoài nên có thể chịu được nước.

Có nhiều loại nhựa được dùng làm lớp bao phủ này. Các nước tiên tiến chủ yếu dùng nhựa PE, trong khi đó, theo kỹ sư Huệ, ở Việt Nam loại nhựa chủ yếu được sử dụng là PVC. Cơ sở sản xuất nào dùng lớp nhựa và keo tốt, quy trình gia công đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì khi sử dụng, cốc sẽ ít có nguy cơ bị bong, sun nhựa và thôi các hóa chất này ra. Trong trường hợp ngược lại, nguy cơ chất keo, nhựa và bột giấy trộn bị thôi, bục ra và lẫn vào thực phẩm sẽ khá lớn, nhất là trong điều kiện nhiệt độ cao.

Một số loại cốc được làm từ giấy có trộn phụ gia chống thấm nước. Loại giấy này được sản xuất trên công nghệ sử dụng keo chứa melamin, ure hoặc phenol, là phụ gia chống thấm mạnh. Các chất này có các mạch sợi ngang, vòng, cong... ngăn được nước. Vì thế, bột giấy sẽ không tan trong điều kiện bình thường như nhiệt độ nước nóng khoảng 40 - 70 độ C.

Một vấn đề khác đó là cốc, đĩa sau khi dùng một lần trông vẫn còn rất mới nên không ít người cất đi để dùng thêm một vài lần sau, dẫn đến nguy cơ nhiễm hóa chất nguyên liệu của cốc đĩa giấy. Vì dùng đi dùng lại, bột giấy và các chất keo, nhựa, hóa chất thôi ra sẽ lẫn vào đồ ăn, đồ uống. Cốc giấy để lâu bị ẩm mốc cũng chính là ổ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh.

moitruongvadothi.vn (nhahuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ