Robot tí hon lấy cảm hứng từ tê tê có thể cầm máu bên trong cơ thể người
Trong công nghệ sinh học mới nhất lấy ý tưởng từ những điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên, một robot kim loại tí hon mềm, dẻo có thể cuộn tròn như con tê tê để điều hướng hiệu quả bên trong cơ thể con người.
Các nhà khoa học từ Viện Hệ thống Thông minh Max Planck ở Stuttgart đã xem xét thiết kế của loài động vật có vú duy nhất có vảy, lấy cảm hứng từ khả năng di chuyển uyển chuyển của loài vật này nhờ các lớp vảy keratin lồng vào nhau và cuộn mình lại thành một quả bóng khi cần thiết.
Do nhà nghiên cứu Metin Sitti dẫn đầu, nhóm đã thiết kế một millirobot dài 2 cm (0,8 in), rộng 1 cm (0,4 in), có các vảy xếp chồng lên nhau có thể di chuyển, lăn và tỏa nhiệt theo yêu cầu. Nó có một lớp polyme mềm được đính các hạt từ tính và một lớp trên cùng cứng có các vảy chồng lên nhau làm bằng nhôm.
Khi robot tiếp xúc với từ trường tần số thấp, các nhà nghiên cứu có thể điều khiển nó để cuộn lại và di chuyển xung quanh. Khi cuộn lại, thiết bị có thể vận chuyển các hạt như thuốc đến vị trí mục tiêu trong cơ thể.
Robot tí hon có thể lăn xử lý vết thương bên trong cơ thể.
Sau đó, khi tiếp xúc với từ trường tần số cao, nó có thể nóng lên tới hơn 70°C (158°F). Ở nhiệt độ này, nó có thể được sử dụng để điều trị chảy máu trong, loại bỏ mô khối u và điều trị huyết khối.
Đây không phải lần đầu các nhà khoa học phát triển các loại robot có thiên hướng thiên nhiên, trước đó, đã có những thiết bị lấy cảm hứng từ sâu bướm hay mô phỏng theo cá mút đá. Rõ ràng có thể thấy sự đa dạng cũng như sáng tạo trong quá trình phát triển các thiết bị chữa trị bệnh cho con người mà không quá cầu kì và phức tạp. Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, robot mini được ví giống tê tê có thể di chuyển qua mô mềm mà không làm hỏng mô, sau đó ngăn máu chảy bằng cách đắp lên chỗ chảy máu và được làm nóng.