Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Bộ KH&CN đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN).
Ảnh minh họa
Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), Luật Xử lý VPHC, các Luật chuyên ngành có liên quan và tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi trong quá trình xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý VPHC, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu để bảo đảm công tác xử lý, xử phạt VPHC đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên cơ sở Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN.
Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 với một số quy định sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung tương ứng tại Nghị định số 99/2013/NĐCP (như sửa đổi, bổ sung về quy định cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN liên quan đến tên miền; thay đổi quyền của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh về quyền yêu cầu cơ quan nhà nước tiến hành xử lý; phân tách khái niệm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân hành nghề, tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN).
Ngoài ra, một số quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP hiện hành chưa thống nhất với quy định tại Nghị định số /2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về SHCN, bảo vệ quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về SHTT vừa được Chính phủ ban hành.
Đồng thời, thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như sau: (i) Một số quy định mô tả hành vi vi phạm về SHCN đã được quy định tại Luật SHTT, tuy nhiên chưa quy định chế tài xử phạt tại Nghị định xử phạt (hành vi chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN không thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản); (ii) Một số hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định xử phạt tuy nhiên không được quy định tại Luật SHTT (hành vi quá cảnh); (iii) Đồng thời, một số quy định về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm cụ thể trong nhiều trường hợp còn chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình áp dụng; (iv) Ngoài ra, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần bổ sung, quy định rõ ràng hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc áp dụng, một số thuật ngữ cần điều chỉnh để thống nhất với Luật Sở hữu trí tuệ.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN đang có hiệu lực hiện nay để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Luật SHTT và giải quyết yêu cầu đặt ra từ thực tiễn là cần thiết.
Mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo
Mục đích xây dựng dự thảo nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lớn trong thực tiễn, góp phần bảo đảm hiệu lực, 3 hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về SHCN nói riêng và SHTT nói chung.
Về quan điểm chỉ đạo, việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP phải bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật SHTT, Luật Xử lý VPHC hiện hành, cũng như các văn bản luật khác điều chỉnh quan hệ phát sinh trong lĩnh vực SHCN. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trực tiếp đến những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN;
Tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm dân chủ trong xử lý VPHC; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước;
Bảo đảm tính phù hợp các quy định pháp luật về xử phạt VPHC với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP liên quan chặt chẽ đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam thành viên, do đó yêu cầu này cũng được xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định.