SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Việt Nam: Những khó khăn và kiến nghị cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh hiện nay

[10/07/2023 10:14]

Nâng cao năng suất lao động không chỉ là nhu cầu của doanh nghiệp mà còn là yêu cầu quan trọng của mỗi quốc gia. Một quốc gia có năng suất lao động lớn là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cao. Chính vì vậy, Việt Nam luôn coi trọng năng suất lao động, coi đây là một trong những yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, gần đây năng suất lao động ở Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại, đặt ra không ít thách thức cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Những thách thức trong quá trình nâng cao năng suất lao động quốc gia

Thứ nhất, mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tuy nhiên so với nhu cầu sử dụng lao động thực tế, người lao động còn thiếu cả về mặt kỹ thuật và kỹ năng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2022 lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp nghề trở lên ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%.

Thứ hai, năng suất lao động ngành công nghiệp tăng chậm, phát triển công nghiệp mới theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu, dẫn tới thiếu bền vững.

Thứ ba, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, năng lực đầu tư và hấp thụ công nghệ chưa cao.

Thứ tư, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nghẽn” về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Kiến nghị thúc đẩy năng suất quốc gia

Một là, phát triển phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp với bối cảnh mới: Việt Nam cần phát triển phong trào cải thiện năng suất quốc gia mạnh mẽ hơn và tái cấu trúc lại nội dung của các chương trình năng suất phù hợp với các giai đoạn phát triển: “Nhận thức về năng suất - Hỗ trợ cải tiến năng suất - Tự nhận thức - Tự đầu tư cải tiến năng suất”.

Hai là, tạo điều kiện về nguồn lực và chính sách thúc đẩy năng suất ở các ngành, lĩnh vực:  so với các nước phát triển, tỷ trọng vốn đầu tư cho nghiên cứu phát triển, công nghệ thông tin, công nghệ cao của Việt Nam tương đối thấp.

Ba là, nâng cao năng lực thực thi của các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo: Các cơ quan chức năng cần kiện toàn các tổ chức tư vấn về năng suất, lựa chọn và tăng cường đầu tư năng lực của các tổ chức tư vấn đạt yêu cầu tiêu chuẩn. Tăng cường hợp tác quốc tế để đào tạo, cung cấp/phát triển và khuyến khích các chuyên gia năng suất có năng lực, kiến thức sâu rộng học hỏi, cập nhật nhằm phát triển các giải pháp cải tiến năng suất để xây dựng các thể chế hiệu quả và phát triển nguồn nhân lực trong nước.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả TS Nguyễn Thị Lê Hoa - Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Tạp chí KH&CN Việt Nam số 6 năm 2023 (trang 35-37)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ