SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của loại và liều lượng phân kali đến sự sinh trưởng và năng suất giống tỏi Phan Rang (Allium sativumL.)

[13/07/2023 09:46]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Văn Khang, Huỳnh Đạt, Bùi Minh Trí, Phan Hải Văn và Phạm Văn Hiền thuộc Sở Khoa học và Công Nghệ Ninh Thuận và Khoa Nông Học, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.

Tỏi (Allium sativumL.) là một gia vị thông dụng ở Việt Nam và trên thế giới, nhất là các nước Châu Á. Ngoài ra, tỏi còn có thể sử dụng như một loại thuốc dân gian dùng để sát trùng vết thương ngoài da hay ngâm rượu giúp chống chứng viêm phổi và các bệnh về đường ruột, chữa các vết cắn của rắn, bò cạp, chữa các bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch, trong đó có dịch cúm. Tỏi được cho là có tính chất kháng sinh và tăng khả năng phòng ngừa ung thư, chống huyết áp cao, mỡ máu ở con người (Do, 2003). Tại Việt Nam có nhiều vùng trồng tỏi nổi tiếng như: Lý Sơn, Phan Rang, Bắc Giang. Tỏi Phan Rang được trồng trên vùng đất cát, cường độ nắng và gió cao tạo nên tép tỏi nhỏ, săn chắc. Tỏi Phan Rang có chất lượng rất tốt, chứa hàm lượng allicin, glucogen, aliin, fitonxcid, các vitamin và các nguyên tố vi lượng cao. Tỏi được sử dụng làm gia vị trong chế biến món ăn, làm nước chấm, ngâm rượu tỏi hay làm tỏi đen. Để có được năng suất, chất lượng tốt, ngoài chọn giống cần phải áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác tốt như mật độ trồng, bón phân, nước tưới, phòng trừ sâu, bệnh hại, trong đó bón phân là việc không thể thiếu. Phân bón làm tăng năng suất cây trồng, cũng như chất lượng nông sản đối với các loại cây trồng. Đối với tỏi, bộ phận thu hoạch chủ yếu là củ tỏi, vì vậy kali là yếu tố rất quan trọng quyết định năng suất và chất lượng của tỏi. Kali có vai trò điều chỉnh dòng vận chuyển các chất hữu cơ trong mạch libe, điều chỉnh các chất hữu cơ tích lũy về các cơ quan thu hoạch của cây bao gồm củ, làm khối lượng củ tăng, tăng hàm lượng các hoạt chất có giá trị trong trong sản phẩm, tăng năng suất kinh tế và phẩm chất nông sản (Castellanos & ctv., 2002; Hoang, 2006). Theo Nguyen (2012), nhu cầu kali của tỏi nằm trong khoảng 125 - 180 kg K2O/ha cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, nông dân nhiều vùng trồng tỏi tại Phan Rang thường chỉ bón theo kinh nghiệm, chưa quan tâm chọn loại và liều lượng phân kali phù hợp để canh tác đạt hiệu quả cao. Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát ảnh hưởng của loại và liều lượng phân kali đến sự sinh trưởng và năng suất giống tỏi Phan Rang (Allium sativumL. nhằm xác định được loại phân và liều lượng kali thích hợp bón cho cây tỏi Phan Rang mang lại năng suất cao.

Thí nghiệm 2 yếu tố, bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 8 nghiệm thức, 3 lần lặp lại, với yếu tố A là 2 loại phân kali thương phẩm (KCl, K2SO4) và yếu tố B là 4 liều lượng phân kali (110 kg/ha, 140 kg/ha, 170 kg/ha, 200 kg/ha). Kết quả đã ghi nhận cây tỏi được bón 200 kg K2SO4/ha gia tăng chiều cao cây đạt 51,8 cm. Đường kính củ (24,7 mm), số tép/củ (12,3), khối lượng củ (4,83 g) và tỉ lệ khô/tươi (92%) và năng suất củ là 1,36 kg/100 chậu đạt cao nhất ở cây tỏi được bón 200 kg K2SO4/ha.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 4 (2022)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ