SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sử dụng tảo cô đặc Thalassiosira sp. trong ấu trùng nghêu Bến Tre

[13/07/2023 10:11]

Nghiên cứu: “Sử dụng tảo cô đặc Thalassiosira sp. Trong ấu trùng nghêu Bến Tre “ do nhóm tác giả: Hồ Hồng Nhung, Lại Thị Minh Lê, Trần Văn Nhiên, Nguyễn Hữu Thanh - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.

Hình minh họa

Nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata) là loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao, thị trường xuất khẩu lớn được Hội đồng quản lý biển quốc tế (Marine Stewward Councel) cấp chứng nhận đạt tiêu chí MSC. Tuy nhiên, vấn đề sản xuất giống nhân tạo và ương nuôi loài nghêu này vẫn còn nhiều khó khăn. Vì tỷ lệ sống còn thấp, phụ thuộc nhiều vào thức ăn tự nhiên. Vi tảo là thức ăn chủ yếu được sử dụng cho tất cả các giai đoạn tăng trưởng của động vật thân mềm hai mảnh. Kích thước tảo tối đa ấu trùng lọc được liên quan đến kích thước cơ thể ấu trùng (LoraVilchis & Maeda-Martinex, 1977). Theo Helm và ctv., (2004), chế độ ăn thích hợp cho việc ương ấu trùng chữ D - veliger và giai đoạn đầu (chiều dài vỏ < 125 µm) của các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ là kết hợp một trong các loài tảo silic: Chaetoceros calcitrans, Thalassiosira sp. ( cho ấu trùng > 55µm) hoặc Chaetoceros muelleri (cho ấu trùng >90µm) với Isochrysis galbana hoặc Pavlova lutheri với tỷ lệ bằng nhau theo số lượng tế bào. Theo Laing, Lees và ctv., (2004), có 5 loài tảo silic (C. calcitrans, C.muelleri, C.ceratosporum, Thalassiosira sp. và Skeletonema costatum) đều chứa hàm lượng PUFA cao phù hợp với ấu trùng nhuyễn thể. Hai loài có giá trị dinh dưỡng cao nhất là C.calcitrans và Thalassiosira sp. He và Wei (1984) nghiên cứu thức ăn và tập tính ăn của ấu trùng nghêu Nhật hay còn gọi là Nghêu Manila (Venerupis philippinarum, Ruditapes philippinarum) cho thấy chúng thích ăn tảo silic đơn bào sống đáy. Chế độ ăn có sự phối trộn hỗn hợp các loại tảo có lợi, hai hoặc ba loài có giá trị dinh dưỡng cao, trong đó có một loài tảo silic có kích thước phù hợp góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng và phát triển của ấu trùng so với chế độ cho ăn một loài. Thalassiosira sp. là loài tảo khuê đơn bào, có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là các acid béo không no đa nối đôi với hàm lượng DHA và EPA đạt 7,2 mg/ml (Li, 1979 & Pratoomyot, 2005). Trong điều kiện nuôi nhân tạo, Thalassiosira sp. có tốc độ sinh trưởng nhanh, thích ứng tốt với sự thay đổi của môi trường như: pH, ánh sáng, nhiệt độ (Brown, 1996). Việc nuôi sinh khối loài vi tảo này để đa dạng nguồn thức ăn tự nhiên cho sản xuất giống thủy sản là rất cần thiết. Theo Coutteu và Sorgeloos (1992), sản xuất sinh khối vi tảo cho động vật nuôi trồng thủy sản rất tốn kém, có thể chiếm 20 – 50% tổng chi phí sản xuất của trại giống. Hiện nay, các trại sản xuất giống nhuyễn thể ở nước ta, chủ yếu nuôi tảo theo các phương pháp truyền thống không đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn cho ấu trùng vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trang thiết bị, diện tích trại và trình độ kỹ thuật. Hiện tượng tảo tàn lụi đồng loạt vẫn thường xuyên xảy ra mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Việc có thể thay thế tảo tươi bằng sản phẩm tảo cô đặc trong ương ấu trùng nhuyễn thể có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thức ăn, nâng cao chất lượng và tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng nhuyễn thể và đặc biệt là loài nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata).

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng bổ sung sản phẩm tảo cô đặc Thalassiosira sp. thay thế vi tảo tươi Thalassiosira sp. và Chaetoceros sp. lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata) giai đoạn trôi nổi.

Ấu trùng được ương trong các bể composite hình trụ, dung tích 150 lít. Thức ăn mỗi nghiệm thức là hỗn hợp của ba loài vi tảo Nannochloropsis oculata, Isochrysis galbana kết hợp với Chaetoceros sp. hoặc Thalasssiora sp. Vi tảo Thalassiosira sp. cô đặc ở dạng nhão hoặc lỏng đậm đặc là sản phẩm khoa học của đề tài. Hai thông số kích thước và tỷ lệ sống được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của thức ăn lên sự phát triển của ấu trùng. Kích thước trung bình của ấu trùng nghêu sau 10 ngày tuổi khi cho ăn bằng tảo tươi Thalassiosira sp. (194,67±9,51 µm) và Chaetoceros sp. (195,70±11,15 µm) khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tuy nhiên, kích thước trung bình ở nghiệm thức tảo Thalassiosira sp. dạng lỏng (214,58±11,18 µm ) và dạng nhão (201,54±10,01 µm) cao khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0.05) so với tảo tươi Thalassiosira sp. và Chaetoceros sp. Ở nghiệm thức tảo tươi Chaetoceros sp. (52,4±2,91%) đạt tỷ lệ sống cao nhất và khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức tảo Thalassiosira sp. dạng nhão (50,7±2,05%) và dạng lỏng (47,8 ±2,28%). Tảo cô đặc Thalassiosira sp. có thể làm thức ăn bổ sung thay thế vi tảo tươi tương ứng trong ương ấu trùng nghêu giai đoạn trôi nổi.

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 14/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ