Luồng là loại tre to, không gai, lá nhỏ, mọc cụm thưa, thân ngầm dạng củ. Thân cây thẳng, tròn đều, cao tới 20 m, đường kính 10-20 cm. Luồng được sử dụng rất rộng rãi như vật liệu xây dựng, làm ván ghép thanh, đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan xuất khẩu, làm nguyên liệu giấy, dăm…
1. Điều kiện gây trồng
- Địa hình: Cây thích hợp trồng ở vùng có độ cao dưới 700-800 m so với mực nước biển trong đó đất bằng hoặc chân đồi, đồi núi thấp, sườn thoải hoặc yên ngựa. Độ dốc dưới 10-15 độ. Hiện nay luồng được trồng nhiều ở Bắc Trung Bộ.
- Khí hậu: Thích hợp nơi có nhiệt độ trung bình 23-240C, lượng mưa 1.600-2.000 mm, ít chịu được gió bão.
- Đất đai: Tầng đất dày trung bình, ẩm, thành phần cơ giới trung bình, mùn còn khá, pH: 4,5-6. Mọc tốt trên đất phù sa, đất bồi tụ chân đồi, đất đỏ vàng trên poocphia, phiến mica, macma kiềm.
- Thực bì: Rừng gỗ thứ sinh nghèo kiệt, rừng tre nứa tự nhiên, trảng cây cao, cây bụi chịu hạn.
2. Nguồn giống
Chọn cây mẹ 10-14 tháng tuổi, thân xanh thẫm hoặc lá mạ, phát triển đầy đủ cành lá, không lấy giống trên cây ra hoa. Có thể dùng gốc, hom thân, hom chét, hom cành để làm giống. Giống gốc, thân có thể được trồng trực tiếp, còn lại đều tạo giống qua vườn ươm.
3. Tạo cây con
a. Tạo giống từ gốc cây mẹ
Chọn cây mẹ tuổi còn trẻ (tuổi từ 1 - 2 năm), dùng dao sắc chặt bớt phần ngọn cây, bớt lại đoạn cách gốc từ 40 - 50 cm. Dùng mai hay thuổng xỉa đứt hệ rễ xung quanh gốc cây định đánh, sau đó đánh đúng phần tiếp giáp giữa gốc thân ngầm với gốc cây mẹ, dùng lực đẩy cây đã đánh vào phía cây mẹ. Khi đánh xong nếu gốc nào có rễ bờm dài phải dùng dao sắc cắt bớt chỉ chừa lại 2 cm (khi đánh và vận chuyển cây con không được làm dập mắt hoặc xước bầu gốc trồng.
Gốc sau khi đào cần trồng rừng ngay, nếu phải vận chuyển đi xa có thể hồ rễ bằng cách nhúng gốc vào trong bùn ao loãng để giảm sự thoát hơi nước của rễ.
Nhân giống bằng gốc ưu điểm tỷ lệ sống cao, cây con không cần ươm trong vườn ươm nhưng hệ số nhân giống thấp, tốn công đào đánh gốc, tốn công vận chuyển.
b. Tạo cây bằng hom cành
Chọn cành có đường kính lớn hơn 1 cm, cành bẹ mo đã rụng, không còn vết trắng, rễ khí sinh sắp chuyển sang màu xám, vàng sáng. Cành dạng đùi gà nhẵn, có vành rễ khí sinh. Dùng dao sắc, chặt sát phần thân và gốc cành, tránh làm dập đùi gà. Cành lấy dài 35-40 cm (2-3 lóng) kể từ gốc cành. Có thể giâm cành trong mùn cưa, cát ẩm và trong bầu ươm.
Giâm cành trong mùn cưa (1 kg mùn/1 lít nước lã) hoặc cát ẩm (1 kg cát khô/0,5 lít nước). Cành xếp nghiêng 600, cứ một lớp cành một lớp cát hoặc mùn cưa dày 20 cm. Trong 15 ngày đầu giữ độ ẩm của mùn cưa hoặc cát 85-90%, những ngày sau giảm xuống chút ít. Cành ủ 20-23 ngày có rễ cám, đem ươm ở vườn ươm.
- Vườn ươm ở nơi đất thịt hoặc thịt nhẹ. Nền vườn cao thì không lên luống mà ươm theo rạch. Bón lót 3-4 kg phân chuồng/m2. Rạch sâu 10 cm, cành cách cành 20 cm, rạch cách rạch 50 cm. Đặt cành nghiêng 60 độ, hai mắt cua ở 2 phía thành rạch. Dùng đất nhỏ nén chặt phần đùi gà sau đó tưới ẩm, ủ rơm rạ kín mặt luống.
- Giâm cành trong bầu nuôi cây ươm:
Thành phần ruột bầu gồm: đất thịt nhẹ + 15% phân chuồng hoai.
Vỏ bầu bằng Polyêtylen thủng đáy, đường kính 12-13 cm, cao 18-20 cm. Cho hỗn hợp đất phân vào bầu đến chiều cao 1/3 bầu, lèn chặt, đặt cành vào bầu cho đất đầy, lèn chặt, tưới ẩm rồi tiếp tục cho hỗn hợp đất phân đầy bầu. Bầu đặt cách nhau 15 cm trên luống, phủ kín đất đến sát chiều cao bầu.
- Chăm sóc cây ươm
Giữ ẩm đều cho đất, làm cỏ thường xuyên, bón thúc 2 lần với hỗn hợp (30g urê + 25g supe lân + 10g sunfat kali) pha tưới cho 2 m chiều dài rạch. Bón lần thứ nhất sau khi ươm 20 ngày, lần thứ hai sau 50 ngày. Tưới đủ ẩm thường xuyên, che 40-50% ánh sáng sau 45-50 ngày dỡ dần dàn che.
4. Tiêu chuẩn cây trồng
Giống gốc, giống chét có ít nhất 1-2 chồi ngủ khỏe mạnh.
Giống cành, tối thiểu phải có một thế hệ măng mắt cua.
Luồng thích hợp ở những nơi có độ dốc dưới 300; mọc tốt ở nơi đất còn tính chất đất rừng, đất dày, màu mỡ, nhất là đất ven đồi, ven suối, ven sông,..; phát triển trên đá mắc-ma kiềm, poocphia, ba-zan, độ sâu tầng đất, đất ẩm thoát nước, pH = 3,8 - 7. Thảm thực bì là cây bụi cây gỗ. Không trồng luồng trên đất ngập úng, đất mặn, đất phèn, đất đã bị đá ong hoá.
5. Gây trồng và chăm sóc
a. Thời vụ trồng:
Trồng vào đầu mùa mưa cho đến trước khi kết thúc mùa mưa 1 tháng.
Miền Bắc có 2 vụ trồng chính là vụ xuân (tháng 1-3) và vụ thu (tháng 8-10). Trồng vào ngày râm mát, đất đủ ẩm.
b. Xử lý thực bì:
Thực bì là trảng cỏ, cây bụi thì phát quang 2 m2 nơi cuốc hố trồng. Mật độ 300 bụi/ha, cự ly 6 x 6 (m).
Thực bì là rừng gỗ thứ sinh, tre nứa hỗn giao hoặc thuần loài thì phát rộng 2 m, rạch cách rạch 10 - 12 m theo hướng Đông Tây hay đường đồng mức. Mật độ 150-200 bụi/ha.
c. Đào hố:
Hố đào kích thước 50x50x50 (cm) trước vụ trồng ít nhất 1 tháng, đào xong phải lấp lại để giữ ẩm.
d. Phương thức và mật độ trồng:
- Trồng rừng toàn diện:
Trồng rừng thuần loài để sản xuất nguyên vật liệu: mật độ 200 khóm/ha, cự ly 10x5 m.
Trồng rừng hỗn loài theo băng áp dụng cho rừng phòng hộ: mật độ 125 khóm/ha, cự ly 16x5 m.
Trồng rừng hỗn loài theo hàng áp dụng cho rừng sản xuất và rừng phòng hộ: mật độ trồng 375 cây/ha, trong đó có 125 khóm luồng/ha + 125 cây keo tai tượng/ha + 125 cây gỗ bản địa/ha (cự ly luồng 16x5 m, keo tai tượng 16x5 m, cây gỗ bản địa 16x5 m).
- Trồng rừng cục bộ: Có 3 dạng trồng rừng cục bộ
Trồng luồng bao đồi: Trồng luồng theo hàng ở dưới chân đồi, khóm cách khóm 4 m bao quanh diện tích rừng khoanh nuôi, rừng làm giàu hoặc rừng đã trồng cây lá rộng bản địa lâu năm.
Trồng luồng theo đám: Trồng ở lỗ trống trong rừng khoanh nuôi cây lá rộng, cự ly trồng là 7x7 m. Không trồng dưới tán rừng.
Trồng luồng phân tán: Trồng trong vườn hộ, ven đường, kênh mương, sông suối.
e. Làm đất, bón phân:
Cuốc hố kích thước 60 x 60 x 50 cm, xong trước khi trồng một tháng. Lấp đất 2/3 hố, trộn đều đất trong hố với một trong các loại phân: 8- 10 kg phân chuồng hoai hoặc 1-2 kg phân vi sinh hoặc 0,5-1 kg phân NPK.
g. Gây trồng:
Bứng giống ở vườn ươm không được để vỡ bầu đất, cắt bớt phần ngọn mới ra, để lại 50-60 cm. Vận chuyển đi xa phải có bện bầu bằng rơm rạ, bẹ chuối, nilon,..., không để vỡ bầu đất hoặc cây héo.
Nếu chưa trồng được ngay phải tập kết nơi râm mát, phủ một lớp đất mỏng và tưới giữ ẩm. Khơi đất giữa hố lên, đặt cây giống ngay ngắn vào giữa hố, lấp đất xung quanh và lèn chặt.
h. Chăm sóc, nuôi dưỡng:
Trồng dặm kết hợp với chăm sóc lần thứ nhất.
Chăm sóc: Chăm sóc 5 năm đầu, mỗi năm chăm sóc 3 lần vào tháng 2-3, tháng 7-8 và tháng 10-11. Tiến hành phát dây leo cây bụi, cuốc xới quanh gốc sâu 10-15 cm theo hình vành khuyên rộng 0,5 m đối với năm thứ nhất, rộng 1m đối với năm thứ 2-5, đối với cây gỗ vun xới quanh gốc rộng 1-1,2 m. Đến tháng 7-8 phát dây leo cây bụi quanh gốc.
Bón thúc: Bón phân vào tháng 2-3 kết hợp với lần chăm sóc đầu từ năm thứ 2 đến năm thứ 5. Lượng bón từ 0,5-1 kg phân NPK đối với luồng; 0,05-0,1 kg/lần đối với cây gỗ bản địa; bón theo rạch vòng quanh gốc từ năm thứ 2-5, mỗi năm một lần.
Chặt vệ sinh: Khi rừng đạt 4 tuổi, chặt những cây ở tuổi 4, cây bị bệnh, gãy ngọn và toàn bộ keo tai tượng. Ở Miền Bắc tiến hành chặt vệ sinh vào cuối mùa khô từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Chặt sát gốc, dọn sạch cành nhánh sau chặt vệ sinh.
i. Phòng trừ sâu bệnh:
Bệnh chổi xể: chặt bỏ những cây bị bệnh đem ra xa đốt, phun thuốc Boócđô 1% vào gốc với lượng 2-3 lít/ búi.
Sâu vòi voi hại măng: cuốc xung quanh gốc theo hình vành khuyên tất cả các bụi luồng trong lâm phần, cuốc rộng 1 m, sâu 20-25 cm kết hợp với lần chăm sóc vào tháng 10-11.
k. Phòng chống lửa rừng và bảo vệ rừng:
Dọn sạch cành nhánh sau khi chặt vệ sinh hoặc khai thác rừng. Ngăn chặn mọi hành động phá hoại của người và gia súc.