Kết quả cải thiện chất lượng giống cá Rô Phi đỏ qua 3 thế hệ chọn lọc
Nghiên cứu: “Kết quả cải thiện chất lượng giống cá Rô Phi đỏ qua 3 thế hệ chọn lọc” do nhóm tác giả: Phạm Đăng Khoa ,Lê Trung Đỉnh , Nguyễn Thanh Tiền , Nguyễn Thanh Vũ , Nguyễn Thị Đang - Trung tâm Quốc Gia Giống Thủy Sản Nước Ngọt Nam Bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Ảnh minh họa
Cá rô phi là tên gọi chung của nhiều loài cá thuộc họ Cichlidae, được chia làm ba nhóm chính là Tilapia, Sarotherodon và Oreochromis dựa trên tập tính sinh sản và nuôi giữ con (Beveridge và McAndrew, 2000). Trong số này, cá rô phi đỏ (Oreochromis spp.) được nuôi phổ biến nhất trên toàn thế giới (FAO, 2016). Ở Việt Nam, cá rô phi đỏ hiện được nuôi phổ biến tại Nam Bộ. Tuy nhiên, công tác quản lý cá bố mẹ và cá giống chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng cá giống suy giảm. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của nghề nuôi do cá lớn chậm, tỉ lệ sống thấp dẫn đến gia tăng hệ số thức ăn và phát sinh các chi phí khác như hóa chất xử lý môi trường, thuốc trị bệnh trong quá trình nuôi. Do đó, sản xuất con giống có chất lượng cao đang là một yêu cầu bức thiết của nghề nuôi. Nghề nuôi cá rô phi đỏ tại Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi con giống có chất lượng, cụ thể là tăng trưởng nhanh, màu sắc đỏ đẹp và tỉ lệ sống cao. Nhu cầu này có thể được giải quyết bằng chọn giống dài hạn. Chọn giống dựa trên lý thuyết di truyền số lượng đã được chứng minh là cách thức khoa học và có hiệu quả nhằm nâng cao các tính trạng mong muốn trên vật nuôi. Ngoài ra, kết quả của chọn giống còn được tích lũy và duy trì qua từng thế hệ, do đó chất lượng con giống được ổn định và gia tăng theo thời gian. Chương trình chọn giống cá rô phi đỏ tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II áp dụng phương pháp GIFT do Trung tâm Nghề cá Thế giới đề xuất (WorldFish Center, 2004). Theo đó, các cá thể có giá trị chọn giống ước tính (Estimated Breeding Value, EBV) cao nhất được chọn làm cá bố mẹ cho thế hệ sau. Cá bố mẹ được ghép phối theo tỉ lệ 1 đực: 2 cái và theo nguyên tắc hạn chế cận huyết để sản xuất các gia đình thế hệ kế tiếp. Cá con của từng gia đình được ương nuôi riêng rẽ. Khi cá con đạt kích cỡ khoảng 5 g trở lên, đại diện ngẫu nhiên của các gia đình được đánh dấu từ (Passive Integrated Transpondertag, PIT tag) và thả nuôi chung trong cùng một môi trường để đánh giá tăng trưởng. Sự khác biệt về ngày tuổi và việc ương nuôi riêng rẽ các gia đình thường gây ra ảnh hưởng không mong muốn của môi trường ương riêng rẽ các gia đình1 (environmental effect common to full-sibs, gọi tắt là c2 ). Hệ số di truyền (heritability, h2 ) được định nghĩa là tỉ số giữa phương sai của giá trị di truyền cộng gộp (additive genetic variance, ) và phương sai kiểu hình đo đạc được của tính trạng chọn lọc (phenotypic variance, ). Tính trạng có hệ số di truyền cao đồng nghĩa với việc kiểu hình được đo đạc ước đoán tốt cho kiểu gen của tính trạng đó, và ngược lại (Falconer và Mackay, 1996). Tương quan di truyền (genetic correlation, rg ) cho biết mối tương quan kiểu gen của hai tính trạng quan tâm. Tương quan di truyền thuận (rg >0) ngụ ý nếu chọn lọc một tính trạng thì tính trạng còn lại sẽ thay đổi theo cùng một hướng, tức là tính trạng thứ hai có thể được chọn lọc một cách gián tiếp thông qua chọn lọc trực tiếp tính trạng đầu tiên.
Nghiên cứu này đã chọn lọc và nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ từ thế hệ G1 (nước mặn =317 cá cái + 95 cá đực, nước ngọt = 390 cá cái + 119 cá đực), G2 (812 cá cái + 251 cá đực) và G3 (706 cá cái + 374 cá đực) và sản xuất tổng cộng 483 gia đình. Đối với tính trạng tăng trưởng, hệ số di truyền (h2 ) nằm ở mức trung bình khá (0,22 – 0,29), gần như tương đương ở G2 (0,19 ± 0,09) và G3 (0,22 ± 0,09), sau đó tăng lên ở G4 (0,29 ± 0,10). Ảnh hưởng của môi trường ương nuôi riêng rẽ (c2 ) không vượt quá 10% phương sai kiểu hình (0,07 – 0,10), ở G2 là 0,10 ± 0,03, G3 là 0,08 ± 0,04 và G4 là 0,07 ± 0,03). Đối với tính trạng màu sắc, hệ số di truyền (h2 ) của ở mức khá, duy trì ổn định qua 3 thế hệ chọn giống và tương tự cho cả 2 mô hình logit và probit (0,27 – 0,33) và đều khác biệt có ý nghĩa so với zero. Hệ số di truyền ở mức khá cho phép nhận định chọn lọc sẽ giúp cải thiện tính trạng màu sắc trong những thế hệ tiếp theo. Hiệu quả chọn lọc của 3 thế hệ rô phi đỏ chọn giống G2 , G3 và G4 dao động từ 17,6 đến 49,8 g (giá trị tuyệt đối) hoặc 5,4 đến 14,2% (giá trị phần trăm). Sau 3 thế hệ chọn lọc (từ G2 đến G4 ) thì hiệu quả chọn lọc tăng hơn 24% so với ban đầu.
Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017