SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thử nghiệm IN VITRO đối với kháng sinh thích hợp trong phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính

[13/07/2023 14:22]

Nghiên cứu: “Thử nghiệm IN VITRO đối với kháng sinh thích hợp trong phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính” do nhóm tác giả: Nguyễn Diễm Thư, Lê Hồng Phước, Võ Hồng Phượng, Phạm Võ Ngọc Ánh- Trung tâm Quan trắc Môi trường & Bệnh Thủy sản Nam Bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.

Ảnh minh họa

Vibrio parahaemolyticus mang gen độc, tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) hay hội chứng chết sớm (EMS), đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể trong các trang trại nuôi tôm. Bệnh thường xảy ra khoảng 8 ngày sau khi thả giống, phát triển một cách nhanh chóng và gây chết nghiêm trọng trong 20 đến 30 ngày nuôi đầu (Han et al., 2015). Triệu chứng lâm sàng tôm bệnh bao gồm tăng trưởng chậm, ruột rỗng hoặc ruột bị đứt đoạn, bơi xoắn ốc, lỏng vỏ, màu sắc nhợt nhạt. Tôm bệnh cũng cho thấy các dấu hiệu gan bất thường như gan teo, nhỏ, gan sưng, màu đen hoặc nhạt màu (Lightner et al., 2013; Zorriehzahra & Banaederakhshan, 2015). Tần suất nhiễm bệnh thường xảy ra nhiều hơn trong hệ thống nuôi tôm thâm canh nên thường đòi hỏi việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh. Sử dụng kháng sinh không đúng liều lượng trong phòng trị bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản được cho là có liên quan dẫn đến sự kháng thuốc của vi khuẩn (Elmahdi et al., 2016). Các nghiên cứu về nồng độ sử dụng thuốc kháng sinh cho tôm nuôi trong phòng trị vi khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND còn rất hạn chế ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Nghiên cứu này sàng lọc danh mục kháng sinh thử nghiệm nhằm xác định nồng độ ức chế tối thiểu-MIC và nồng độ ức chế 50% (IC50) và 90% (IC90) của V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND phân lập được từ các mẫu tôm bệnh tại Việt Nam làm cơ sở cho các nghiên cứu thử nghiệm cho việc phòng trị loại bệnh này trên tôm.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) gây ra bởi vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus đã gây thiệt hại kinh tế đáng kể trong nghề nuôi tôm tại Việt Nam. Nghiên cứu trước cho thấy V. parahaemolyticus kháng với nhiều loại kháng sinh do việc lạm dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản. Các nghiên cứu về nồng độ sử dụng thuốc kháng sinh cho tôm nuôi trong phòng trị vi khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND còn rất hạn chế ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu này là sàng lọc danh mục kháng sinh thử nghiệm nhằm xác định nồng độ ức chế tối thiểu - MIC và nồng độ ức chế 50% (IC50) và 90% (IC90) của V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND phân lập được từ các mẫu tôm bệnh tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện qua 7 chủng V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND gồm 5 chủng phân lập trên tôm bệnh AHPND tại ao nuôi miền Nam và 2 chủng trên tôm bệnh tại miền Bắc với 6 loại kháng sinh. Kết quả cho thấy nồng độ MIC của 7 chủng V. parahaemolyticus với Norfloxacin ≤ 0,25-1 mg/l, Ciprofloxacin ≤ 0,25-1 mg/l, Doxycycline 1-32 mg/l, Gentamicin 4-16 mg/l, Tetracycline 1-128 mg/l và Oxytetracycline 1 - ≥ 128 mg/l. IC50 của Norfloxacin, Ciprofloxacin, Doxycyclin, Gentamicin và Tetracycline lần lượt là 0,32, 0,36, 1,46, 9,33 và 1,75 µg/ml. IC90 lần lượt là 0,76, 0,71, 22,80, 11,40 và 97,92 µg/ml.

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ