Sự hiện diện của WSSV, Vibrio parahaemolyticus gây AHPND và EHP trên tôm giống và tôm nuôi theo mô hình QC/QCCT vùng chuyên tôm nước lợ ở ĐBSCL năm 2017
Nghiên cứu: “Sự hiện diện của WSSV, Vibrio parahaemolyticus gây AHPND và EHP trên tôm giống và tôm nuôi theo mô hình QC/QCCT vùng chuyên tôm nước lợ ở ĐBSCL năm 2017” do nhóm tác giả: Nguyễn Hồng Lộc , Lê Hồng Phước- Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghề nuôi tôm nước lợ đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế và góp phần xóa đói giảm nghèo của nhiều quốc gia. Tuy nhiên năng suất nuôi chưa thật sự ổn định, ngoài sự biến đổi khí hậu thì sự bùng phát dịch bệnh xảy ra hằng năm đã làm giảm sản lượng và quy mô nuôi. Trong đó, bệnh đốm trắng do WSSV (White Spot Syndrome Virus) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease: AHPND) do Vibrio parahaemolyticus gây ra là phổ biến nhất. Bệnh đốm trắng được phát hiện và gây thiệt lại lớn trên tôm nuôi ở Trung Quốc năm 1992 sau đó lây lan sang các Nam Mỹ và Châu Á. Từ năm 1995 đến nay hầu như năm nào bệnh đốm trắng cũng có xuất hiện trên tôm nuôi ở nước ta. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu tìm giải pháp phòng bệnh đốm trắng nhưng hiện nay vẫn chưa có một giải pháp cụ thể cho bệnh này ngoài các biện pháp tổng hợp như an toàn sinh học, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Song song đó, kể từ năm 2010 đến nay bệnh hoại tử gan tụy cấp tính liên tục xuất hiện và gây thiệt hại lớn cho các mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh. Cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều mắc phải bệnh này với tỷ lệ chết cao. Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là những nước phải đối phó với bệnh nguy hiểm này. Tôm nuôi thường chết sớm trong khoảng từ 10-45 ngày sau khi thả nuôi (Flegel., 2012; Lightner, 2012; Prachumwat và ctv., 2012). Tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 100% trong vài ngày hoặc kéo dài hơn.Ngoài những tác nhân gây bệnh trên tôm như vi rút, vi khuẩn, một trong những loài kí sinh trùng là vi bào tử trùng cũng đã được ghi nhận ở Thái Lan trong những năm gần đây. Chayaburakul và ctv., 2004 đã phát hiện bệnh chậm lớn ở tôm sú nuôi với tác nhân là một chủng vi bào tử ký sinh ở gan tụy. Bệnh đã gây thiệt hại gần 300 triệu USD cho nghề nuôi tôm ở Thái Lan năm 2002. Năm 2009, trên tôm sú nuôi ở Thái Lan phát hiện một vi bào tử trùng mới có tên là Entorocytozoon hepatopenaei (EHP) nhưng chưa được người nuôi chú ý và đến năm 2011 bệnh trở nên trầm trọng hơn ở những trang trại nuôi trên 5 năm và gần biển (Panakorn, 2012). Ở Việt Nam, EHP cũng đã bắt đầu được ghi nhận xuất hiện trên cả tôm sú và tôm thẻ nuôi. Hiện tại người nuôi áp dụng nhiều giải pháp khác nhau như diệt khuẩn, sử dụng kháng sinh, chế phẩm vi sinh, chất kháng khuẩn nhưng hiệu quả mang lại chưa ổn định. Trước tình hình trên, việc đánh giá tình trạng nhiễm các mầm bệnh quan trọng được nêu trên là rất cần thiết và ý nghĩa cho việc thống kê, cảnh báo cũng như đề xuất các giải pháp phòng và quản lý các dịch bệnh này. Do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu “Sự hiện diện của các tác nhân gây bệnh WSSV, Vibrio parahaemolyticus và vi bào tử trùng EHP trên tôm giống và tôm nuôi theo mô hình QC/QCCT vùng chuyên tôm nước lợ ĐBSCL”
Nghiên cứu được thực hiện trên 876 mẫu tôm giống thu tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu và ĐBSCL và 141 mẫu nuôi theo mô hình QC/QCCT được thu tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2017. Kết quả kiểm tra một số mầm bệnh nguy hiểm như WSSV, Vibrio parahaemolyticus gây AHPND và EHP bằng phương pháp PCR cho thấy trên tôm giống tỷ lệ nhiễm Vibrio parahaemolyticus trong mùa khô là 1,63% và trong mùa mưa là 3,11%; tỷ lệ nhiễm WSSV trong mùa khô là 1,17% và mùa mưa là 0,67% và tỷ lệ nhiễm EHP trong mùa khô là 1,4% và trong mùa mưa là 4%. Trên tôm nuôi, tỷ lệ nhiễm WSSV trong mùa khô là 8,06% và mùa mưa là 2,53%; tỷ lệ nhiễm V. parahaemolyticus gây AHPND trong mùa khô là 6,45% và mùa mưa là 2,53%; tỷ lệ nhiễm EHP trong mùa khô là 4,87% và mùa mưa là 10,73%. So với năm 2015 và 2016 thì tỷ lệ nhiễm V. parahaemolyticus trên tôm giống trong năm 2017 cao hơn (2,42% trong năm 2016; 0,2% trong năm 2015). Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm WSSV trong năm 2017 thấp hơn (1,7% trong năm 2016; 3,4% trong năm 2015). Đối với EHP ghi nhận tỷ lệ nhiễm trong năm 2017 giảm khoảng 3-4 lần so với năm 2015 và 2016.
Đối với mẫu tôm giống tỷ lệ nhiễm Vibrio parahaemolyticus trong mùa khô là 1,63% và trong mùa mưa là 3,11%. Tỷ lệ nhiễm WSSV trong mùa khô là 1,17% và mùa mưa là 0,67%. Đối với vi bào tử trùng ghi nhận tỷ lệ nhiễm trong mùa khô là 1,4% và trong mùa mưa là 4%. Tỷ lệ nhiễm các mầm bệnh trên 141 tôm nuôi QC/QCCT thu tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang trong năm 2017 như sau: tỉ lệ nhiễm WSSV trong mùa khô là 8,06% và mùa mưa là 2,53%; tỉ lệ nhiễm V. parahaemolyticus gây AHPND trong mùa khô là 6,45% và mùa mưa là 2,53%; tỉ lệ nhiễm EHP trong mùa khô là 4,87% và mùa mưa là 10,73%. So với năm 2015 và 2016 thì tỷ lệ nhiễm V. parahaemolyticus trên tôm giống trong năm 2017 cao hơn (2,42% trong năm 2016; 0,2% trong năm 2015). Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm WSSV trong năm 2017 thấp hơn (1,7% trong năm 2016; 3,4% trong năm 2015). Đối với EHP ghi nhận tỷ lệ nhiễm trong năm 2017 giảm khoảng 3-4 lần so với năm 2015 và 2016.
Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017