Xác định một số nấm gây bệnh trên trứng cá Bá Chủ (Pterapogon kauderni) trong quá trình ấp bằng phương pháp PCR và SEM
Nhiên cứu: “Xác định một số nấm gây bệnh trên trứng cá Bá Chủ (Pterapogon kauderni) trong quá trình ấp bằng phương pháp PCR và SEM” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thủy Tiên- Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Võ Minh Sơn- Phòng Sinh học Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II; Lê Quỳnh Loan, Nguyễn Hoàng Dũng , Hoàng Quốc Khánh- Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa
Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển cá cảnh do thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú và đa dạng, đặc biệt phù hợp cho sự sinh sản và phát triển các loài cá cảnh. Tuy nhiên, hầu hết các loài cá biển được đánh bắt ngoài tự nhiên bằng hóa chất đã dẫn đến nhiều loài cá có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong sách đỏ. Cá Bá chủ (Pterapogon kauderni) thuộc họ cá Sơn Apogonidae, tuy nhiên về di truyền loài cá này tiến hoá một nhánh khác và có tên khoa học riêng biệt (Cites, 2007) và là loài cá này phân bố ở đảo Banggai, Indonesia (Vagelli, 2007). Với màu sắc đẹp và dễ nuôi nên cá Bá Chủ hiện đang được người chơi cá cảnh trên thế giới ưa chuộng. Cá Bá chủ hiện đang khai thác quá mức ngoài tự nhiên và được liệt vào danh sách đỏ của tổ chức IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources). Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình sinh sản trong bể, nấm bệnh là một trong những tác nhân gây hư hỏng trứng cá làm tỉ lệ trứng nở giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình sản xuất. Do vậy, việc xác định chủng nấm gây bệnh trên trứng cá Bá Chủ nhằm tìm ra biện pháp khắc phục mang tính cấp thiết. Hiện nay, cá Bá Chủ được ưa chuộng và đã xuất đi nhiều nước thuộc Châu Âu, Mỹ và Châu Á với mục đích phục vụ cho người chơi cá cảnh. Do nhu cầu tiêu thụ loài cá này càng tăng trên thế giới. Ở Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển cá cảnh do có khí hậu nhiệt đới phù hợp cùng với nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú và đa dạng trên hệ thống kênh, sông và hơn 3.000 km bờ biển trải dài là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển nghề cá cảnh, đặc biệt phù hợp cho sự sinh sản và phát triển các loài cá cảnh nhiệt đới. Người chơi cá cảnh ở nước ta đang có xu hướng chuyển dần sang chơi các loài cá cảnh biển do chúng có nhiều màu sắc đẹp, đa dạng về thành phần loài. Cá Bá Chủ là loài có giá trị kinh tế cao, chúng có màu sắc đẹp và dễ nuôi nên đang được người chơi cá cảnh ngày càng ưa chuộng. Điều này sẽ giúp gia tăng số lượng và giá trị của cá nhân nuôi sinh sản nhân tạo và làm giảm áp lực cho nguồn cá tự nhiên, đồng thời đem lại nguồn lợi to lớn cho nghề nuôi trồng cá cảnh của nước ta. Trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu về bệnh nấm ở động vật thủy sản như một số loài nấm bất toàn thuộc các giống như Fusarium, Acremonium, Plectosporium, Ochroconis, Phoma, Exophiala và nhóm nấm thủy mi như Saprolegnia, Achlya, Leptolegnia và Aphanomyces là tác nhân gây bệnh chính ở động vật thủy sản. Trong đó các bệnh chủ yếu trong thủy sản như bệnh nấm Thủy Mi (Saprolegnia, Aphanomyces và Achlya) (Yanong, 2003), bệnh do nấm Lagenidium (Đỗ Thị Hòa và ctv., 2004), bệnh nấm Haliphthoros và Plectosporium (Đặng Thị Hoàng Oanh và ctv., 2005) và bệnh do nấm Fusarium (Khoa và ctv., 2004). Riêng cá Bá Chủ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996 và được xem là một loài cá có khả năng kháng bệnh rất tốt. Tuy nhiên, từ năm 2002-2003 đến nay có một số báo cáo từ những người nuôi cá cảnh về những cái chết đột ngột của cá Bá chủ được đánh bắt từ tự nhiên. Triệu chứng bệnh được ghi nhận như sau: chúng trở nên biếng ăn, thái độ thờ ơ bất bình thường, màu sắc trở nên đen sậm hơn một cách rõ ràng và sau một vài ngày, cá chết (Vagelli, 2011). Đến năm 2005, virus thuộc loài Megalocytivirus (thuộc họ Iridoviridae) được phát hiện là nguyên nhân gây bệnh cho P. kauderni (Weber et al., 2009). Iridovirus gây bệnh cho cá Bá chủ (BCIV) có liên quan gần gũi với virus gây bệnh hoại tử lá lách và thận (ISKNV) và loài Megalocytivirus này cũng gây bệnh cho cá vền biển đỏ, cá vền đá, cá đù vàng lớn và cá Mú chấm cam (Weber et al., 2009). Loài Megalocytivirus là một trong những loài virus gây bệnh nguy hiểm nhất với tỉ lệ gây chết lên đến 100%. Chúng được ghi nhận là tác nhân gây bệnh trên một số loài cá biển và cá nước ngọt kể cả cá cảnh được xuất khẩu từ vùng biển Nam Trung Quốc và một vài nước Đông Nam Á (Wang et al., 2007). Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu về sự nhiễm nấm bệnh trên trứng trong giai đoạn ấp trứng. Vì vậy trong nghiên cứu này nhằm xác định nấm gây hỏng trứng trong quá trình ấp trứng của cá Bá Chủ hiện nay
Nghiên cứu này tập trung phân lập và định danh chủng nấm từ mẫu bệnh phẩm thu nhận từ 4 mẫu trứng cá Bá Chủ (Pterapogon kauderni) bị hỏng trong quá trình ấp trứng và xác định sự tái nhiễm lại nấm với mẫu trứng cá thông qua kĩ thuật SEM (Scanning Electron Microscope). Kết quả hình thái học của khuẩn lạc, khuẩn ty và bào tử cho thấy có 3 chủng nấm sợi (M1, M1.1 và M4.1). Chủng M1.1 có khả năng thuộc chi Fusarium, chủng M1 thuộc chi Lecanicillium và chủng M4.1 thuộc chi Neurospora.
Kết quả thu nhận bộ gene DNA và nhân bản vùng bảo tồn ITS của 3 chủng M1.1, M1 và M4.1 cùng với so sánh các dữ liệu gene của các chủng trên ngân hàng gene NCBI cho thấy chủng M1.1 có mức độ tương đồng với loài Fusarium incarnatum là 100%, chủng M1 có mức độ tương đồng với loài Lecanicillium tenuipes là 100% và tương tự chủng M4.1 với loài Neurospora crassa là 99%. Cảm nhiễm của 3 chủng nấm trên với trứng cá Bá Chủ thông qua kỹ thuật hình ảnh SEM ghi nhận chỉ có chủng Neurospora crassa có khả năng xâm nhiễm vào trứng cá Bá Chủ gây hỏng trứng trong quá trình ấp. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy nấm Neurospora crassa có khả năng gây bệnh và làm hỏng trứng cá Bá Chủ.
Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017