Đánh giá tình hình sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Nghiên cứu: “Đánh giá tình hình sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long” do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Đức Minh, Võ Minh Sơn, Trịnh Quang Sơn, Phan Văn Tráng , Đỗ Thị Phượng- Phòng Sinh học Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Ảnh minh họa
Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, chiếm 4-5% GDP, 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu. Thủy sản Việt Nam đứng thứ ba thế giới về nuôi trồng, đứng thứ tư về xuất khẩu, với 165 thị trường ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 10 năm gần đây, ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng đã và đang phát triển mạnh mẽ. Nói riêng về con tôm, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu tôm và đứng thứ ba thế giới về sản lượng tôm nuôi nước lợ. Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 đạt hơn 6,726 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,076 triệu tấn, tăng 1,7%; sản lượng nuôi trồng 3,605 triệu tấn, tăng 3,3%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha, tỉ trọng sản lượng nuôi trồng chiếm 54,2% tổng sản lượng. Trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) đạt 700.000 ha, đạt 100,72% kế hoạch; sản lượng nuôi tôm ước 650.000 tấn, tăng 3,17% so với năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015. Năm 2016 Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3% (Tạp chí Thủy sản Việt Nam số 249 + 250 (tháng 1/2017). Tuy nhiên, ngành nuôi tôm công nghiệp của nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và chi phí tăng cao như thức ăn, hóa chất. Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh đang tăng nhanh trong những năm gần đây, chủ yếu là thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease, AHPND) và bệnh do virus đốm trắng (White Spot Syndrome Virus, WSSV), tôm bị bệnh từng ngày tiếp tục lan rộng và tiếp tục gia tăng về diện tích nuôi. Nguyên nhân của dịch bệnh là do thời tiết biến đổi, nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước, nhiệt độ tăng và độ mặn cao làm tôm bị suy yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh; công tác giám sát, chẩn đoán bệnh chưa được tăng cường một cách hiệu quả; các yếu tố đầu vào như tôm giống, hóa chất dùng xử lý cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học chất lượng không đảm bảo… Theo báo cáo của Cục Thú Y (2016), trong 8 tháng đầu năm 2016 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 55.356 ha (tăng 38,87% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại là 12.719 ha, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến là 30.658 ha, còn lại là 12.205 ha nuôi kết hợp. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là 7.948 ha (giảm 46,92% so với cùng kỳ năm 2015). Tính đến cuối tháng 8/2016, bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) xảy ra tại 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng diện tích bị bệnh AHPND là 4.512 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ bị bệnh là 2.872 ha, tôm sú bị bệnh là 1.640 ha. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 3.830 ha, quảng canh và quảng canh cải tiến là 516 ha. Trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng lan rộng và gây nhiều thiệt hại cho nghề nuôi tôm của nước ta, cùng với tình trạng đa kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, việc sử dụng chế phẩm vi sinh đã và đang là một trong những giải pháp thay thế cho việc sử dụng hóa chất, kháng sinh và là yếu tố quyết định đến sự thành công đối với ngành tôm và góp phần đưa ngành tôm phát triển một cách bền vững. Phương pháp trị liệu sinh học bằng vi sinh vật có lợi (probiotics) đang được đánh giá cao và trở thành công cụ phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, thông qua khả năng cải thiện môi trường nước và ức chế vi sinh vật gây bệnh. Ở Việt Nam, hiện nay có khoảng trên 200 thương hiệu chế phẩm vi sinh đang lưu hành trên thị trường, tuy nhiên đa số các chế phẩm này có nguồn gốc ngoại nhập có giá thành rất cao, hoặc sản xuất trong nước nhưng chưa rõ nguồn gốc. Ngoài ra, việc sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nghề nuôi tôm, vẫn chưa được giám sát về thành phần chủng loại, chưa được đánh giá một cách chặt chẽ về hiệu quả sử dụng và hiệu quả kinh tế của các loại chế phẩm vi sinh có nguồn gốc khác nhau. Bên cạnh đó, người nuôi tôm thường có khá ít kiến thức về công dụng và hiệu quả của từng nhóm hợp chất, nhất là chế phẩm vi sinh, về cơ chế tác động của chúng sau khi được đưa vào môi trường ao nuôi, đa số trường hợp là sử dụng theo kinh nghiệm hoặc phó mặc cho sự may rủi. Điều này có thể ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả kinh tế của sản phẩm và thu nhập của người nuôi tôm. Trước tình hình nói trên, nghiên cứu “Đánh giá tình hình sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện nhằm hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trong việc đánh giá lại về các chủng loại cũng như cách sử dụng đối với các chế phẩm vi sinh (CPVS) đang phổ biến ở các mô hình nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay. Từ đó đề xuất được một số giải pháp quản lý cho việc sử dụng CPVS hiệu quả trong nuôi tôm.
Nghiên cứu được tiến hành thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp trên 93 hộ nuôi tôm ở 3 tỉnh đại diện cho 3 mô hình nuôi tôm ở ĐBSCL: Cà Mau (mô hình QCCT và tôm lúa), Bến Tre và Bạc Liêu (mô hình BTC/TC). Kết quả khảo sát cho thấy đa số các hộ được phỏng vấn đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng chế phẩm vi sinh (CPVS) trong nuôi tôm. Đa số các hộ đánh giá việc sử dụng CPVS có hiệu quả tốt. Các dòng CPVS sử dụng trong nuôi tôm bao gồm CPVS xử lý chất hữu cơ, CPVS xử lý khí độc ở đáy ao, CPVS đối kháng Vibrio gây bệnh, CPVS bổ sung vào thức ăn. Đặc biệt hai dòng CPVS xử lý khí độc và đối kháng Vibrio được sử dụng nhiều hơn bởi các hộ nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh.
Kết quả khảo sát các mối tương quan cho thấy, mối tương quan giữa hình thức nuôi (mức độ thâm canh) và mức độ đầu tư cho CPVS là mối tương quan chặt chẽ và có ý nghĩa về mặt thống kê (P = 0,001). Bên cạnh đó, mối tương quan giữa năng suất nuôi và mức độ đầu tư cho CPVS là không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05). Điều này cho thấy CPVS không phải là yếu tố quyết định đến năng suất nuôi. Việc sử dụng CPVS cần được kết hợp với các yếu tố khác (chất lượng con giống, kỹ thuật nuôi, quản lý môi trường và bệnh) nhằm đảm bảo cho sự thành công của một vụ nuôi tôm.
Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017