Đánh giá chất lượng nguyên liệu có nguồn gốc đậu nành sử dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản
Nghiên cứu: “Đánh giá chất lượng nguyên liệu có nguồn gốc đậu nành sử dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản” do nhóm tác giả: Nguyễn Quốc Cường, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Nguyện- Trung Tâm Công nghệ Thức ăn và sau Thu hoạch Thủy sản, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Ảnh minh họa
Bột cá là nguồn cung cấp protein không thể thiếu trong thành phần thức ăn thủy sản và quyết định đến chất lượng viên thức ăn. Bột cá được xem là nguyên liệu chủ yếu và là yếu tố giữ vai trò then chốt cho chất lượng thức ăn nuôi tôm. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản thì việc sử dụng bột cá cũng tăng theo. Do nguồn cung trong nước không đáp ứng về chất lượng lẫn sản lượng nên phần lớn bột cá được nhập khẩu từ các nước Peru và Chile (hai nhà xuất khẩu chính). Tuy nhiên, giá thành nguyên liệu bột cá liên tục tăng gấp 2,5 lần trong vòng 10 năm qua (2005-2015) và không có chiều hướng giảm trong tương lai (FAO, 2016). Do đó, việc phát triển, nghiên cứu các loại nguyên liệu thay thế dồi dào, rẻ tiền là ưu tiên hàng đầu không chỉ của nhà sản xuất mà còn là mối quan tâm của người nuôi trồng. Nguồn cung cấp protein thực vật thay thế bột cá quan trọng là những hạt có dầu như đậu nành, đậu phộng, hạt bông vải, … Nhóm protein thực vật hiện nay được sử dụng nhiều trong thức ăn thuỷ sản với mục đích thay thế nguồn protein bột cá, nhằm giảm giá thành thức ăn. Một trong số protein thực vật đang được nghiên cứu nhiều nhất là nguyên liệu đậu nành và ứng dụng của protein đậu nành trong chăn nuôi thủy sản. Các nghiên cứu trong và ngoài nước chủ yếu xem xét khả năng tăng trưởng, cũng như hiệu quả của việc sử dụng nguyên liệu đậu nành phối trộn trong thức ăn thủy sản. Như với đối tượng cá lóc (Channa striata), Trần Thị Thanh Hiền và ctv., (2014) nghiên cứu thay thế bột cá bằng bột đậu nành với tỉ lệ 40% cho kết quả tỉ lệ sống và tăng trưởng không có sự khác biệt so với bột cá. Álvaro và ctv., (2014) sử dụng bã đậu nành cao đạm đối với cá hanh giống (Tinca tinca L.). Sau 90 ngày thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy tỉ lệ thay thế bột cá có thể lên đến 45% mà không gây ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của cá. Trong nghiên cứu của Yang và ctv., (2009), cá vược trắng (Bidyanus bidyanus) được nuôi bằng bã đậu nành lên men trong 8 tuần, Nhóm tác giả nhận thấy tỉ lệ phối trộn 12% là thích hợp nhất khi các số liệu về cân nặng, tỉ lệ sống, tỉ lệ tăng trưởng không khác biệt so với mẫu đối chứng. Kim và ctv., (2009) thí nghiệm trên cá mó giống (Oplegnathus fasciatus) khi nuôi bằng bã đậu nành lên men theo các tỉ lệ khác nhau trong 8 tuần. Kết quả thu được về tăng trưởng, hiệu quả cho ăn, hiệu quả tiêu hóa protein không khác biệt đáng kể so với đối chứng, hoạt tính chống oxy hóa trong huyết thanh cá cao hơn mẫu đối chứng. Hấp thụ phosphorus lại tăng cao đáng kể so với đối chứng. Các sản phẩm từ hạt đậu nành và từ quá trình chế biến được phân loại như sau: khô dầu đậu nành trích ly, khô dầu đậu nành tách vỏ trích ly, bã đậu nành lên men (fermented soybean meal), bã đậu nành cao đạm (Soybean protein concentrates). Tuy nhiên, có nhiều điểm hạn chế của các nguồn protein từ đậu nành là: độ tiêu hóa thấp, thường chứa các chất kháng dinh dưỡng và độc tố như glycinin và β-conglycinin gây ức chế lợi khuẩn đường tiêu hóa đối với heo con và động vật nhai lại (Peisker, 2001). Đối với cá hồi thì làm giảm sự tăng trưởng (Francis và ctv., 2001), không cân đối về acid amin, thường thiếu các acid amin nhóm sulfur (cystine và methionin) (NRC, 1993) nếu sử dụng với số lượng lớn trong thức ăn chăn nuôi sẽ có tác dụng không tốt đến sự phát triển của thủy sản (Yueming, 2002). Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng sử dụng các nguồn nguyên liệu từ bã đậu nành trong thức ăn thủy sản, chất lượng nguyên liệu đậu nành nhập khẩu và định hướng nghiên cứu nâng cao, sử dụng sản phẩm từ bã đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp thức ăn nuôi thủy sản dẫn đến nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu protein ngày càng cao. Các nguyên liệu cung cấp protein có nguồn gốc đậu nành dùng trong sản xuất thức ăn nuôi thủy sản được xem như là giải pháp tối ưu trong việc giảm áp lực sử dụng nguyên liệu bột cá, giảm chi phí thức ăn và thân thiện với môi trường. Sử dụng nguyên liệu thay thế có nguồn gốc đậu nành gồm bánh dầu đậu nành, bã đậu nành lên men và bột đậu nành đậm đặc với ưu điểm nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, bột đậu nành vẫn có một số nhược điểm cần khắc phục về vấn đề thiếu hụt một số acid amin, yếu tố kháng dinh dưỡng.
Kết quả khảo sát cho thấy một số nguồn nguyên liệu có nguồn gốc bã nành nhiều tiềm năng dùng trong sản xuất thức ăn nuôi thủy sản như bã nành tách béo, bã nành lên men (Dabomp, soytide,..), bã đậu nành cao đạm (soy protein concentrate) có hàm lượng protein cao nhất (58,69-66,37%). Tỉ lệ sử dụng từ 5-30% trong khẩu phần thức ăn tôm, cá. Hàm lượng protein dao động từ 40-45%, lipid từ 0,88-2,22%, xơ từ 3,35-8,08%, tro từ 5,33-8,39%. Đặc biệt bã nành lên men có hàm lượng protein cao (49,81 -52,37%), hàm lượng béo khá thấp (0,86-1,08%). Diện di SDS-PAGE cho thấy vẫn chưa tách hết các chất kháng dinh dưỡng như β-conglycinin, glycinin. Kết quả khảo sát cho thấy sự đa dạng của các chủng loại, chất lượng của các nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc từ bã nành, trong đó đặc biệt chú ý một số các yếu tố kháng dinh dưỡng cần lưu ý loại bỏ trong sản xuất thức ăn nuôi tôm, cá.
Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017