SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của phân bón lên năng suất và thành phần hóa học của lá so đũa (Sesbania grandiflora)

[13/07/2023 15:55]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Lâm Phước Thành, Phạm Trường Thoại Kha, Mai Hoàn Tư, Dương Trần Tuyết Mai1, Phạm Văn Trọng Tính và Trần Thị Thuý Hằng thuộc Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ và Bộ môn Kỹ thuật Nông nghiệp, Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí khoa học Trường đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 2B (2023): 104-113.

Trong những năm gần đây, số lượng đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng nhanh đánh dấu bước ngoặt phát triển của ngành chăn nuôi ở nước ta. Trong đó, chăn nuôi gia súc nhai lại chiếm một vị trí quan trọng của ngành. Theo định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030, đàn bò sữa đạt khoảng 650 – 700 nghìn con; bò thịt 6,5 - 6,6 triệu con (tăng 4,8%/năm), đàn trâu ổn định với số lượng khoảng 2,4 - 2,6 triệu con; dê, cừu khoảng 4,0 - 4,5 triệu con (Chính Phủ, 2020). Tuy nhiên, nguồn thức ăn thô xanh ngày càng khan hiếm do ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường, diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp, vì thế việc tìm kiếm nguồn thức ăn mới đang là vấn đề cấp thiết nhất trong chăn nuôi gia súc nhai lại hiện nay.

Hình ảnh hoa so đũa

Cây so đũa được trồng phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc trồng lấy hoa cung cấp nguồn thực phẩm cho con người thì lá là nguồn thức ăn tốt cho gia súc vì có hàm lượng chất đạm thô (CP) cao 33,4% (Gohl, 1993). So đũa được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi dê vì cây có tốc độ sinh trưởng nhanh và khả năng chống chịu tốt. Có nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của lá so đũa lên quá trình sinh trưởng và phát triển của gia súc, đặc biệt là chăn nuôi dê (Nhan, 1998). Ở Việt Nam, lá so đũa bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc địa phương do tốc độ tăng trưởng vượt trội (+ 20%) so với chỉ ăn khẩu phần cỏ mồm (Nhan et al., 2009). Mức độ sử dụng so đũa để có tốc độ tăng trưởng hoặc năng suất sữa tối ưu chiếm khoảng 30% khẩu phần thay thế cho rơm rạ hay cỏ voi (Manaye et al., 2009; Mekoya et al., 2009; Taye, 2009).

Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về sự sinh trưởng và năng suất của cây so đũa, khi áp dụng các mức và loại phân bón khác nhau. Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón hữu cơ và vô cơ lên năng suất và thành phần hóa học của lá so đũa để làm thức ăn cho gia súc nhai lại.

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả thu được là kết hợp phân vô cơ và hữu cơ bón cho cây so đũa cho năng suất cao hơn nghiệm thức chỉ bón riêng phân vô cơ và hữu cơ. Năng suất chất xanh của lá và cọng so đũa đạt cao nhất khi bón phân hữu cơ 2,0 tấn/ha/năm + phân vô cơ 1,6 tấn/ha/năm và thấp nhất khi chỉ bón phân hữu cơ 2,0 tấn/ha/năm. Năng suất chất khô của lá và cọng so đũa khi cây được bón phân hữu cơ 2,0 tấn/ha/năm + phân vô cơ 1,6 tấn/ha/năm đạt cao nhất và thấp nhất khi cây chỉ được bón phân vô cơ 1,6 tấn/ha/năm. Hàm lượng vật chất khô của lá so đũa cao nhất ở cây được bón phân hữu cơ 2,0 tấn/ha/năm + phân vô cơ 1,6 tấn/ha/năm và thấp nhất ở cây chỉ được bón phân vô cơ 1,6 tấn/ha/năm. Từ đó cho thấy sử dụng mức phân phân hữu cơ 2,0 tấn/ha/năm + phân vô cơ 1,6 tấn/ha/năm trong trồng cây so đũa giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao hơn các mức phân khác.

Nghiên cứu sự phát triển và tính năng sản xuất của cây cần tiếp tục thực hiện ở lứa tiếp theo. Ngoài ra, cần có những nghiên cứu về cách trồng cũng như phối hợp phân bón trên nhiều vùng đất khác nhau.

Tạp chí khoa học Trường đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 2B (2023): 104-113.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ