Đánh giá diễn biến chất lượng nước và mầm bệnh trên tôm nuôi mô hình nuôi luân canh tôm lúa
Nghiên cứu: “Đánh giá diễn biến chất lượng nước và mầm bệnh trên tôm nuôi mô hình nuôi luân canh tôm lúa” do nhóm tác giả: Nguyễn Thanh Trúc, Lê Hồng Phước , Thới Ngọc Bảo, Đặng Ngọc Thùy- Trung tâm Quan trắc Môi trường & Bệnh thủy sản Nam Bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Ảnh minh họa
Trong thời gian qua vấn đề xâm nhập mặn đã tạo cơ hội cho người dân vùng nhiễm mặn tiếp cận mô hình nuôi tôm lúa vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mô hình nuôi tôm lúa đã được hình thành từ những năm 1970 ở những vùng chuyên canh lúa năng suất thấp tại các vùng ven biển ĐBSCL, người dân thu tôm giống tự nhiên chủ yếu là các loài tôm bạc, tôm đất,…. vào ruộng lúa từ các con nước thủy triều trong mùa khô. Từ đầu những năm 1990, tôm sú (Penaeus monodon) được nhân giống trong điều kiện nhân tạo được đưa vào nuôi trong mô hình này, sự chủ động về nguồn giống tôm thả nuôi đã thúc đẩy nuôi trồng thủy sản nói chung, mô hình nuôi luân canh tôm lúa nói riêng ở ĐBSCL phát triển. Trong mô hình tôm lúa, tôm nuôi được thả ở mật độ thấp trong ruộng lúa chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng (do ít dùng hóa chất, kháng sinh). Mô hình nuôi luân canh tôm lúa là hình thức canh tác hiệu quả không chỉ về kinh tế, mà còn là phương thức canh tác bền vững ở ĐBSCL. Do đó, Bộ NN&PTNT chủ trương phát triển mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình luân canh tôm lúa. Theo kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030, diện tích tôm lúa vùng ĐBSCL năm 2020 đạt 200.000 ha sản xuất 100.000 tấn tôm và năm 2030 đạt 250.000 ha sản xuất 125.000- 150.000 tấn tôm, với giá trị có thể đạt 25.000 -30.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 1 triệu lao động Cùng với sự thuận lợi về mặt thiên nhiên, mô hình nuôi này cũng đang gặp nhiều rủi ro. Nắng hạn bất thường, nhất là giai đoạn đầu vụ lúa làm chết lúa và mặn xâm nhập sớm cuối vụ làm giảm năng suất lúa. Dịch bệnh trên tôm, chất lượng nước xấu làm tôm chết hàng loạt làm giảm lợi nhuận của người dân. Vì vậy đánh giá chất lượng nước và dịch bệnh trên tôm nuôi vùng nuôi luân canh tôm lúa đã được thực hiện nhằm phục vụ cho công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất theo hướng bền vững và có hiệu quả.
Mô hình nuôi luân canh tôm lúa (tôm lúa) là hình thức canh tác hiệu quả không chỉ về kinh tế, mà còn là phương thức canh tác bền vững. Sau mỗi vụ nuôi tôm, các chất thải sinh ra chính là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây lúa. Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa sử dụng dinh dưỡng từ các sản phẩm thải từ nuôi tôm sẽ làm cho môi trường sạch hơn, khi lúa thu hoạch gốc rạ và hạt lúa sót lại cung cấp một phần nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi. Trong thời gian từ tháng 3-9/2016, 8 ao nuôi mô hình tôm lúa tại xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu được theo dõi chất lượng nước và dịch bệnh trên tôm nuôi kết quả như sau: Do đặc thù của mô hình nuôi luân canh tôm lúa được trao đổi nước thường xuyên nên chất lượng nước mô hình nuôi này phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nước của kênh cấp, đặc biệt là giá trị độ mặn. Các thông số chỉ thị ô nhiễm chưa ghi nhận sự tích lũy ô nhiễm trong quá trình nuôi. Trong các ao nuôi được theo dõi phát hiện mầm bệnh MBV trong hầu hết các cao nuôi (chiếm 100% ao nuôi). Tỷ lệ nhiễm bệnh đốm trắng trên các ao theo dõi không quá 2% quần đàn tôm, tuy nhiên đây vẫn là một trong những bệnh nguy hiểm đối với tôm nuôi mà chưa có giải pháp phòng triệt để. Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính vẫn còn là một trong những bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt tôm nuôi, trong quá trình giám sát tỷ lệ bệnh này chiếm 75% ao nuôi. Đối với phức hợp đầu vàng (YHCV) chưa phát hiện trường hợp nào trong nghiên cứu này.
Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017