Đánh giá tác động môi trườg kinh tế – xã hội do hoạt động khai thác đá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Phan Hồng Việt, Đỗ Ngọc Hoàn, Lê Thị Thu Hoa, Lê Quí Thảo thuộc Phòng Quản lý năng lượng và Kỹ thuật an toàn, Sở Công thương tỉnh Bình Dương; Nghiên cứu sinh, Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ – Địa chất; Giảng viên, Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ – Địa chất và Nhóm Nghiên cứu mạnh ISRM, Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khí tượng thủy văn,Tập 746, số 2 (2023): 56-69.
Tổ chức quốc tế về Đánh giá tác động môi trường (IAIA) khẳng định đánh giá tác động môi trường là việc làm hết sức cần thiết và bắt buộc để nhận biết các ảnh hưởng của một dự án đến môi trường xung quanh, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế–xã hội. Trong nghiên cứu này chỉ đề cập tới các tác động tới môi trường kinh tế xã hội của dự án khai thác khoáng sản. Trên thế giới, các đánh giá tác động môi trường xã hội của dự án thường được khảo sát và đánh giá thông qua các tác động tích cực và tiêu cực đối với dân cư sinh sống trên địa bàn [1–2]. Hoạt động khai thác có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương [3–4]. Ngoài ra, dự án sẽ tạo động lực phát triển thương mại địa phương, khả năng cho thuê nhà, việc gây sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương lại là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển đô thị [5–6].
Hình ảnh minh họa
Tuy nhiên, hoạt động này cũng gây ảnh hưởng tới môi trường sống đặc biệt là việc tạo ra bụi và khí thải độc hại do các công tác khai thác, chế biến và vận chuyển [7–8]. Bụi phát sinh trong quá trình khai thác thường có trọng lượng lớn nên không phát tán quá xa tuy nhiên nó vẫn ảnh hưởng tới người lao động và cư dân sinh sống gần khu vực khai trường, khu sàng tuyển và dọc theo hệ thống tuyến đường vận tải và có thể gây các bệnh nhiễm bụi phổi [5, 9– 10]. Sự kết hợp giữa các hoạt động khai thác và sự phân tán cơ học qua nước và gió đã khiến kim loại nặng di chuyển với quãng đường khá xa từ 2 đến 4 km [11]. Lực lượng lao động từ nơi khác tới đã tác động tiêu cực tới môi trường văn hóa, xã hội [3]. Các vấn đề về thị trường nhà ở, việc đáp ứng của cơ sở hạ tầng địa phương và tiện nghi sống của người dân bị tác động tiêu cực bởi dự án [12–13]. Cùng với đó việc tập trung lao động cũng gây tác động tiêu cực do làm gia tăng tội phạm và công lý xã hội [14–15].
Việc gia tăng dân số cơ học thường gây sức ép đến cơ sở hạ tầng khu vực, tạo môi trường đông đúc, gây sức ép đối với nhà ở và dịch vụ cũng như việc đáp ứng về lương thực, thực phẩm kéo theo việc gia tăng chi phí sinh hoạt. Điều này cũng làm giảm tính cố kết cộng đồng, gây xung đột văn hóa và kéo theo các tệ nạn xã hội và dịch bệnh (như HIV, bệnh lao,…) [16–18]. Một tác động tất yếu của dự án khai thác mỏ là việc gia tăng mật độ phương tiện giao thông vận tải đặc biệt là các phương tiện vận tải có tải trọng lớn gây ra những ảnh hưởng tới môi trường không khí [19–20], làm xuống cấp các tuyến đường, dễ gây tai nạn giao thông do tăng mật độ phương tiện vận tải, gây tâm lý lo ngại của người dân khi chịu tác động của khói bụi, và nguy cơ xảy ra tai nạn [21].
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khi khảo sát ý kiến của người dân địa phương nơi diễn ra dự án phần lớn họ cho rằng bị tác động tiêu cực bởi dự án. Tuy nhiên, đa số người được hỏi (61%) ủng hộ các dự án khai thác mới với lực lượng lao động từ nơi khác tới ở mức dưới 25% còn lại phải là lao động địa phương, và hầu hết (82%) phản đối việc phát triển khai thác mới dự án có kế hoạch tuyển dụng vượt quá 75% lực lượng lao động từ nơi khác tới [22]. Kết quả cho thấy việc gia tăng dân số cơ học đã tác động tới đời sống của người dân địa phương, người dân sẵn sàng ủng hộ phát triển khi lực lượng lao động phục vụ cho dự án chủ yếu là người dân địa phương [3, 23].
Các nước giàu tài nguyên thiên nhiên thường đưa ra hành lang pháp lý hấp dẫn để khai thác nguồn tài nguyên như: chính sách, thuế quan, môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện về nguồn vốn trong nước tuy nhiên điều này lại dẫn tới lạm phát kinh tế, suy giảm phát triển của các lĩnh vực khác và giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khái niệm này còn được gọi bằng “Căn bệnh Hà Lan” [24–25]. Do đó Kinh tế học về tài nguyên cho rằng tài nguyên thiên nhiên thường có xu hướng trở thành “lời nguyền tài nguyên” hơn là đem lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế [26–29].
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về tác động môi trường xã hội do hoạt động khai thác khoáng sản tới môi trường cũng chỉ ra rằng các tác động mang tính tích cực là tạo động lực phát triển kinh tế, thương mại và dịch vụ, tạo điều kiện giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân, kéo theo phát triển các dịch vụ thương mại, thúc đấy phát triển cơ sở hạ tầng và tạo nền tảng phát triển công nghiệp và xây dựng cho địa phương [30–31]. Ngoài các tác động tích cực thì dự án khai thác mỏ cũng mang lại các tác động tiêu cực đến môi trường xã hội như: gia tăng sự cố môi trường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng [32–33], gia tăng mật độ dân số gây áp lực lên hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng khu vực, gia tăng tệ nạn xã hội cũng như ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, bản sắc của người dân địa phương [31, 34]. Đối với các tác động môi trường xã hội thường ít được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt với hoạt động khai thác đá VLXD. Do vậy, nghiên cứu là một bước phát triển mới bổ sung vào lý luận và thực tiễn nghiên cứu về những tác động môi trường của dự án khai thác mỏ gây ra tại Bình Dương. Từ đó, có thể cân nhắc việc phát triển dự án cũng như có các biện pháp giảm thiểu tác động cũng như quy hoạch vùng giúp địa phương phát triển bền vững.
Công tác khai thác đá làm vật liệu xây dựng ở Bình Dương đang mang lại nguồn thu đóng góp vào ngân sách của tỉnh, tạo điều kiện công ăn việc làm cho nhân dân địa phương ngoài ta còn cung cấp nguyên liệu để phục vụ quá trình kiến thiết để đưa Bình Dương trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp và dịnh vụ. Tuy nhiên, song hành với đó các hoạt động khai khai thác mỏ cũng gây ra các áp lực không nhỏ tới phát triển nông nghiệp, gây sức ép tới cơ sở hạ tầng, giao thông, ảnh hưởng tới sinh hoạt và đời sống của người dân, kéo theo các tệ nạn xã hội và gây xung đột văn hóa, và đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Để có hướng phát triển đúng đắn trong trương lai thì Bình Dương đối với hoạt động khai thác khoáng sản thì việc nhận diện tác động môi trường kinh tế–xã hội là rất cần thiết.
Qua quá trình nghiên cứu, việc đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam thường tập trung chủ yếu vào việc đánh giá môi trường tự nhiên, các đánh giá về môi trường kinh tế xã hội còn chưa nhiều và chưa đầy đủ cho các lĩnh vực sản xuất. Trong nghiên cứu này, thông qua việc sử dụng đồng thời phân tích định tính và định lượng, đã chỉ ra những điểm tích cực và tiêu cực của các dự án khai thác đá VLXD đem lại cho môi trường kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương với kết quả như sau:
Thứ nhất, các yếu tố tích cực mà dự án mang lại bao gồm: tạo ra khối lượng sản phẩm phục vụ sản xuất và phát triển xây dựng, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ cho khu vực tỉnh Bình Dương.
Thứ hai, các hoạt động này cũng tác động ảnh hưởng tới phát triển Nông nghiệp, gây sức ép tới cơ sở hạ tầng, giao thông, ảnh hưởng tới sinh hoạt và đời sống của người dân, kéo theo các tệ nạn xã hội và gây xung đột văn hóa, và đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Thứ ba, Tổng hợp đánh giá tác động môi trường kinh tế, xã hội của hoạt động khai thác đá VLXD trên địa bàn tỉnh bình dương được đánh giá là +46 tức là hiệu quả tích cực chiếm tỷ trọng lớn hơn rất nhiều so với các tác động tiêu cực.
Cuối cùng, để đảm bảo ổn định và phát triển bền vững thì các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, các đơn vị khai thác cần xem xét đưa ra các chủ trương, chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề bảo vệ môi trường, chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chính sách DTTS và chính sách phát triển nông nghiệp bền vững.
Mặt khác, một số tác động và rủi ro tiêu cực về môi trường và xã hội cũng có thể xảy ra trong hoạt động khai thác mỏ. Tuy nhiên, những tác động này được dự đoán ở mức độ vừa phải và có thể quản lý được thông qua kế hoạch quản lý môi trường và xã hội được đề xuất trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác.
Khuyến nghị các mỏ khai thác đá VLXD trên địa bàn tỉnh Bình Dương cần có các biện pháp quy hoạch tổng thể để khai thác và cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác để giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. Thực hiện đóng thuế và đóng góp vào quá trình xã hội hóa đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao thông vận tải của khu vực, thực hiện tốt chính sách sàng lọc DTTS, đảm bảo thu nhập cho người lao động tận dụng nguồn lao động địa phương, và chế độ việc làm của người lao động khi thực hiện đóng cửa mỏ. Tích cực kết hợp với chính quyền sở tại đảm bảo điều kiện an ninh trật tự, bài trừ các tệ nạn xã hội, thúc đẩy an sinh xã hội.
Tạp chí Khí tượng thủy văn,Tập 746, số 2 (2023): 56-69