SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

[13/07/2023 16:30]

Nghiên cứu: “Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” do nhóm tác giả: Nguyễn Nguyễn Du, Vũ Vi An- Phòng Sinh thái Nghề cá và Tài nguyên Thủy sinh vật, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.

Ảnh minh họa

Sóc Trăng là một tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở phía Tây - Nam sông Hậu và giáp với biển Đông có nguồn tài nguyên đa dạng, lợi thế phát triển kinh tế ở cả 3 lĩnh vực (nông - lâm- ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ). Đa dạng khu hệ cá ở Sóc Trăng gồm khu vực rừng tràm Mỹ Phước với 25 loài cá trong mùa mưa và 19 loài trong mùa khô. Đối với rừng ngập mặn Cù Lao Dung: 51 loài trong mùa mưa và 26 loài trong mùa khô. Đặc biệt, 5 loài ngoại lai có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đa dạng sinh học cũng như đời sống của người dân. Để nắm bắt được thực trạng và làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý, việc điều tra và đánh giá tác động của các loài ngoại lai xâm hại đến nguồn lợi thủy sản nội địa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là rất cần thiết. Trước sự đe dọa của các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, đề tài “Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” được thực hiện. Nhiệm vụ tập trung điều tra sự phân bố, đánh giá tác động đề ra các giải pháp quản lý và tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng về tác động của các loài thuỷ sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng làm cơ sở để tỉnh có kế hoạch phát triển bền vững nhằm giảm thiểu các tác động gây ra đến hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học động vật thủy sản và thực hiện các công ước quốc tế về đa dạng sinh học mà Việt Nam đã tham gia.

Sinh vật ngoại lai được đánh giá là một trong những nguyên nhân tác động mạnh nhất đến tính đa dạng sinh học (đứng thứ hai sau yếu tố mất môi trường sống). Nghiên cứu về tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai ở địa bàn tỉnh Sóc Trăng được thực hiện từ tháng 10/2015đến tháng 7/2017 với các loại hình thủy vực được khảo sát là sông, kênh và ao tự nhiên tại 11 huyện, thị xã và thành phố Sóc Trăng. Kết quả chỉ ra rằng có 63 loài thủy sinh vật ngoại lai hiện diện rộng khắp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó có 28 loài xuất hiện ở tất cả các loại hình thủy vực tự nhiên bao gồm cả nước ngọt và nước lợ. Sử dụng mô hình đánh giá mối nguy (CEC, 2009; và Risk Assessment and management Committee, 1996) đã xác định được 5 loài (có mối nguy cao) như cá lau kiếng (Pterygoplichthys disjunctivus), cá chim trắng (Piaractus brachypomus), cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus), cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) và ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), 22 loài có mối nguy trung bình và 1 loài có mối nguy thấp. Bên cạnh đó, việc khảo sát điều tra tại 20 cơ sở kinh doanh và nuôi cá cảnh đã phát hiện có 35 loài thủy sinh vật ngoại lai đang được bày bán và nuôi tại các cơ sở kinh doanh chưa xuất hiện ngoài thủy vực tự nhiên. Sự hiện diện của loài cá chim trắng (Piaractus brachypomus) ngoài tự nhiên nên được đề xuất đưa vào danh mục loài ngoại lai xâm hại của Bộ NN&PTNT. Với sự xuất hiện một số lượng khá lớn loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chính quyền địa phương cần có những biện pháp hữu hiệu hay biện pháp giảm nhẹ tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại này để bảo vệ, duy trì và bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên của địa phương.

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ