Đánh giá hiện trạng và đề xuất biện pháp giảm tải lượng ô nhiễm nước thải từ các nguồn thải chính của tỉnh Vĩnh Long
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Võ Quốc Bảo, Nguyễn Văn Tuyến, Phạm Văn Toàn và Văn Phạm Đăng Trí thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Biến đổi Khi hậu, Trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khi hậu (2023): 54-64.
Kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến khối lượng nước thải phát sinh lớn gây ảnh hưởng đến môi trường nước mặt. Theo Đăng và Dương (2021) nước thải là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông. Trong đó, nguồn ô nhiễm phát sinh từ những hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản dẫn đến suy giảm chất lượng nước mặt khi các nguồn thải này phát thải ra các nguồn tiếp nhận như sông, rạch, ao, hồ mà không được quản lý và kiểm soát (Arheimer & Olsson, 2003; Thắng, 2015). Mặt khác, sự vận chuyển chất ô nhiễm bị tác động đáng kể bởi động thái thủy lực của dòng chảy, dẫn đến các chất ô nhiễm phân tán rộng rãi trong môi trường nước (Opdyke, 2008). Khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm chính là yếu tố gia tăng bệnh tật của người dân tại các tỉnh phía hạ lưu, đồng thời dẫn đến nguy cơ thiếu nước của người dân tại khu vực (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2018).
Hình ảnh minh họa
Quản lý ô nhiễm nguồn nước mặt, đặc biệt từ hoạt động nông nghiệp và thủy sản đang là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà còn các quốc gia trên thế giới (Mamun & Salleh, 2014; Cassou et al., 2017).Việc nghiên cứu tính toán tải lượng ô nhiễm đưa vào sông trên thế giới được thực hiện bằng các phương pháp với công thức tính khác nhau nhằm mục đích tính toán trực tiếp tải lượng ô nhiễm hoặc dự báo tải lượng ô nhiễm tiềm năng (Masanobu et al., 2006; Han et al., 2011). Việc tính toán tải lượng ô nhiễm ở Việt Nam hầu hết được thực hiện theo các dạng nguồn thải khác nhau (Lâm, 2013; Tổng cục Môi trường, 2019).
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh (tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 4,6%/năm), nhiều cơ sở sản xuất được thành lập, kết hợp với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt đã tạo ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và cơ sở sản xuất xả vào các tuyến sông chính như sông Tiền, sông Hậu và sông Măng Thít làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt, dẫn đến chất lượng nước mặt tại các sông, rạch chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ô nhiễm chủ yếu được thể hiện thông qua 4 thông số: Tổng chất rắn lơ lửng, Phosphat, Amoni và BOD5, đặc biệt là các tuyến sông nội đồng (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, 2021). Từ những vấn đề cấp thiết trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm tính toán tải lượng thải ô nhiễm phát sinh từ các nguồn thải chính gồm: nguồn phân tán (nước thải sinh hoạt, nuôi thủy sản lồng bè, nước mưa chảy tràn và nguồn điểm (nuôi thủy sản trong ao, giết mổ, chăn nuôi gia súc, làng nghề). Qua khảo sát thực tế trong năm 2021, các nguồn thải này có quy mô sản xuất nhỏ và chưa có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) và nằm đan xen lẫn khu dân cư (KDC) gây khó khăn cho việc kiểm soát. Kết quả nghiên cứu góp phần phục vụ cho công tác quản lý nguồn thải của tỉnh. Đồng thời, các kết quả tính toán tải lượng trong nghiên cứu có thể dùng làm cơ sở để tính toán khả năng tự làm sạch của các thủy vực. Để đạt mục tiêu trên, nghiên cứu thực hiện các nội dung sau: (i) Đánh giá hiện trạng ô nhiễm nước thải của các nguồn thải chính, (ii) Đánh giá tải lượng ô nhiễm nước thải từ các nguồn thải và (iii) Đề xuất biện pháp giảm tải lượng ô nhiễm nước thải cho các nguồn thải chính.
Qua quá trình nghiên cứu, Kết quả đánh giá hiện trạng thu được là ô nhiễm từ các nguồn thải chính ở tỉnh Vĩnh Long cho thấy nước thải sau xử lý của loại hình nước thải lò giết mổ sau khi qua HTXLNT vẫn còn có thông số T-P, T-N và N-NH4+ vượt QCVN 40 lần lượt là 1,85 lần, 4,5 lần và 6,7 lần. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để đề xuất biện pháp giảm tải lượng ô nhiễm đối với nguồn thải từ hoạt động giết mổ.
Tải lượng T-N và T-P từ các nguồn thải chảy tràn từ nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng tải lượng T-N và T-P trong các nguồn thải phát sinh vào kênh rạch tương ứng 15.925 tấn (chiếm khoảng 82% tổng tải lượng). Tải lượng ô nhiễm từ hầu hết các nguồn được ước tính khả năng tăng lên như nguồn sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi.
Nghiên cứu đã đề xuất giải pháp kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm, giảm tải lượng ô nhiễm thải ra sông rạch cho loại hình giết mổ nhằm giảm tải lượng thải vào môi trường góp phần bảo vệ môi trường nước mặt tỉnh Vĩnh Long.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trườg và Biến đổi khi hậu (2023): 54-64.