Sử dụng chỉ số phân bố động vật đáy đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước kênh E, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Võ Châu Ngân, Nguyễn Công Thuận, Lê Như Ý và Kim Lavane thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khi hậu (2023): 54-64.
Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và có nền kinh tế phát triển dựa trên nền sản xuất đa dạng, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những hoạt động sản xuất này ít nhiều đã và đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt (SWIRP, 2007). Để đánh giá chất lượng nguồn nước mặt, phương pháp đánh giá các chỉ tiêu lý hóa được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, phương pháp này có một số hạn chế do chỉ phản ánh tình trạng thủy vực ngay tại thời điểm lấy mẫu, khó có thể dự báo chính xác về các tác động lâu dài của chúng đến khu hệ sinh vật nước. Bên cạnh đó, việc quan trắc phải được thực hiện liên tục với tần suất lớn gây nhiều tốn kém do đó một số phương pháp quan trắc thay thế đã được nghiên cứu.
Hình ảnh minh họa
Quan trắc sinh học là quan trắc chất lượng nước mặt với ba nhóm thủy sinh vật gồm các loài động vật không xương sống (ĐVKXS) cỡ lớn (Benthic macroinvertebrates) sống ở nền đáy sông, động vật nổi (Zooplankton) và thực vật nổi (Phytoplankton) (Thọ & Đăng, 2013). Trong đó, quan trắc bằng ĐVKXS cỡ lớn thường được ứng dụng vì có nhiều ưu điểm hơn các nhóm sinh vật khác như: thành phần loài phong phú và phân bố rộng khắp hệ thống sông; sống cố định ở đáy nên chỉ thị tốt cho sự thay đổi chất lượng nước; dễ thu mẫu và tương đối dễ định danh; có đời sống dài (> 6 tháng) nên không cần thu mẫu thường xuyên; phản ánh các ảnh hưởng trong thủy vực và nhạy cảm với ô nhiễm; số lượng loài trong một lần thu mẫu khá cao nên có ít nhất vài loài sẽ bị tác động của thay đổi chất lượng nước (Đức, 2014). Việc đánh giá chất lượng nước dựa vào động vật đáy (ĐVĐ) có nhiều ưu điểm như tốn ít chi phí, không gây ô nhiễm môi trường, không đòi hỏi khả năng phân tích mà chỉ cần phân loại ĐVĐ rồi dựa vào bảng cho điểm để tính toán rồi kết luận về chất lượng nước, phản ánh trực tiếp những ảnh hưởng của môi trường đến hệ sinh thái thủy sinh (Cảnh & Anh, 2007). Ở nước ta, một số nghiên cứu sử dụng ĐVĐ và các bảng cho điểm đã được thực hiện để đánh giá chất lượng nước trên 4 hệ thống kênh chính tại Thành phố Hồ Chí Minh (Cảnh & Anh, 2007), tại một số suối ở tỉnh Yên Bái (Hiếu & Tùng, 2017). Riêng ở ĐBSCL, ĐVĐ cũng được sử dụng để đánh giá chất lượng nguồn nước mặt tại tỉnh An Giang (Thuận và ctv., 2010; Dũng và ctv., 2011; Quyền và ctv., 2011), tỉnh Long An (Thọ & Đăng, 2013), thành phố Cần Thơ (Liên và ctv., 2014), tỉnh Hậu Giang (Nhân và ctv., 2016).
Kênh E thuộc xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp của cư dân địa phương. Đây là kênh cung cấp nước tưới nhưng cũng là nơi tiếp nhận nước thải từ các hoạt động canh tác và sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng nước. Nghiên cứu được thực hiện nhằm sử dụng ĐVĐ làm thông số chỉ thị để đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước kênh E, đồng thời khảo sát mối tương quan giữa các chỉ số đa dạng sinh học (tính toán từ thành phần loài và số lượng ĐVĐ thu thập tại kênh E) và chỉ số chất lượng nước (tính toán từ kết quả phân tích hóa – lý mẫu nước).
Qua quá trình nghiên cứu, có thế thu được Kết quả phân tích như sau: các thông số lý - hóa - sinh của nguồn nước kênh E trong hai đợt khảo sát ghi nhận nguồn nước bị ô nhiễm ở mức độ trung bình. ĐVĐ thu được ở kênh E nghèo về thành phần loài, số lượng ĐVĐ quyết định chủ yếu do nhóm Giun ít tơ (Oligochaeta) và khối lượng ĐVĐ quyết định do sự đóng góp của lớp Chân bụng (Gastropoda).
So sánh kết quả đánh giá chất lượng nước bằng chỉ số sinh học H’, ASPT và RBP III cho thấy mức độ ô nhiễm nguồn nước khá tương đồng với nhau, ở mức rất ô nhiễm. Hai chỉ số sinh học ASPT và RBP III có tương quan cao với chỉ số chất lượng nước VN_WQI theo từng đợt thu mẫu. Như vậy, trong trường hợp muốn tiết kiệm chi phí phân tích hóa – lý - sinh của mẫu nước quan trắc, có thể thông qua việc xác định thành phần loài ĐVĐ và tính toán các chỉ số ASPT và RBP III để đánh giá chất lượng của mẫu nước.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khi hậu (2023): 54-64.