Đánh giá sự phát thải khí nhà kính tại thành phố cần thơ trường hợp nghiên cứu tại ba quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng Điệp, Phan Kiều Diễm, Nguyễn Kiều Diễm, Phạm Thị Bích Thảo, Hồ Ngọc Linh, Nguyễn Minh Nghĩa và Nguyễn Trọng Nguyễn thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Công nghệ King Mongkut’s, Bangkok, Thái Lan; Họ viên Cao học ngành Quản lý đất đai K26 và K28, Trường Đại học Cần Thơ và Sinh viên ngành Quản lý đất đai K45, Trường Đại học Cần Thơ.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là mối đe dọa nghiêm trọng đối với con người, được gây ra bởi sự gia tăng nồng độ khí nhà kính (KNK) trong khí quyển (Gupta et al., 2021). Một phần nhỏ lượng phát thải KNK xảy ra trong quá trình tự nhiên, trong khi phần lớn lượng phát thải bắt nguồn từ các hoạt động của con người. Theo đó, báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) năm 2014 cho thấy, nồng độ các chất gây ô nhiễm KNK chính như CO2, N2O và CH4 đã tăng mạnh lần lượt là 40%, 20% và 150% kể từ thời kỳ tiền công nghiệp (IPCC, 2014) và dần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây (Sahu et al., 2021; Roman et al., 2021). Theo kết quả thống kê và ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), đến năm 2030, lượng phát thải KNK ở ba lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và các hoạt động công nghiệp chiếm gần 95,3% tổng lượng phát thải KNK tại Việt Nam. Đối với lĩnh vực năng lượng, lượng phát thải KNK được tính toán theo việc đốt nhiên liệu từ 4 nguồn phát thải chính bao gồm công nghiệp sản xuất và xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp năng lượng, gia dụng, nông nghiệp và dịch vụ thương mại (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020). Trong nỗ lực giảm thiểu phát thải KNK, ngành công thương đã thực hiện nhiều chính sách về thúc đẩy các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điển hình nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó đối tượng hộ gia đình cá nhân được đặc biệt quan tâm thông qua các đề án về tuyên truyền, nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng, mô hình “Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình” lần đầu tiên được triển khai và thu được nhiều kết quả khả quan (Bộ Công thương, 2006).
Hình ảnh minh họa
Lĩnh vực công nghiệp cung cấp hàng hóa và nguyên liệu thô, là những sản phẩm thiết yếu trong đời sống sinh hoạt và phát triển của con người. Phát thải KNK từ ngành công nghiệp chủ yếu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch để lấy năng lượng, cũng như phát thải KNK từ một số phản ứng hóa học cần thiết để sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu thô (EPA, 2020). Trong quy trình sản xuất công nghiệp, nhiều chất ô nhiễm là nguyên nhân phát thải KNK đã được tạo ra, bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs và PFCs (Lan, 2020). Theo ước tính đến năm 2030, lượng phát thải KNK trong quá trình công nghiệp chiếm 14,8% tổng lượng phát thải KNK (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020).
Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng và chịu trách nhiệm về an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến BĐKH bằng cách phát thải KNK. Trong đó, hoạt động canh tác lúa được đánh giá là một trong những mối đe dọa đối với nền nông nghiệp bền vững khi trực tiếp làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm như CH4 và N2O. Cụ thể, hoạt động canh tác lúa chiếm gần 30% lượng CH4 và 11% lượng N2O trên tổng số lượng phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu (Hussain et al., 2015). Việc đốt phụ phẩm nông nghiệp đã trở thành một đặc điểm hàng năm ở các vùng nông nghiệp đông dân cư của Đông Nam Á (Oanh et al., 2018) và được công nhận là một nguồn phát thải KNK chính trong lĩnh vực nông nghiệp gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người (Gurjar et al., 2010; Chen et al., 2020).
Quận Cái Răng nằm ở phía Đông Nam Thành phố Cần Thơ. Toàn quận có tổng diện tích tự nhiên là 6.681,7 ha với dân số trung bình là 105.547 người. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15%/năm (Cục thống kê Thành phố Cần Thơ, 2019). Cơ cấu kinh tế của quận đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản.
Quận Bình Thủy có 7.173,3 ha diện tích tự nhiên với dân số đạt 142.309 người (Cục thống kê Thành phố Cần Thơ, 2019). Quận Bình Thủy là quận có quy mô kinh tế quan trọng của Thành phố Cần Thơ gồm cảng lớn, khu công nghiệp (KCN) và sân bay quốc tế Cần Thơ. Định hướng phát triển đến năm 2020, quận tiếp tục xây dựng và phát triển theo hướng công nghiệp – thương mại – dịch vụ – nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh thực hiện các chính sách an ninh xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, khoa học công nghệ, cải cách chính sách.
Quận Ninh Kiều là quận trung tâm của Thành phố Cần Thơ – Thành phố trực thuộc trung ương với tổng diện tích tự nhiên là 2.923,0 ha và dân số đạt 280.792 người. Đây là nơi tập trung của hầu hết các sở ban ngành của Thành phố Cần Thơ, các cơ quan trung ương đặt trên địa bàn thành phố, cơ sở y tế - giáo dục cấp vùng. Trong những năm qua, sự phát triển kinh tế quận Ninh Kiều theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa đã làm cho nhu cầu sử dụng đất của các ngành kinh tế, đặc biệt là cho xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở của nhân dân ngày càng tăng nhanh (Cục thống kê Thành phố Cần Thơ, 2019).
Nhìn chung, Quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy là ba quận tập trung dân cư đông đúc với những hoạt động kinh doanh, buôn bán đồng nghĩa với việc nhu cầu về năng lượng cũng như chất đốt của ba quận rất cao, đây chính là những nguồn phát thải KNK gây nên BĐKH, làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân.
Nhận thấy nguy cơ của việc phát thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là môi trường đô thị và sự cần thiết trong việc xác định nguồn phát thải, nghiên cứu được tiến hành nhằm ước tính phát thải KNK trong ba loại hình phát thải: hoạt động dân sinh, hoạt động công nghiệp và hoạt động đốt rơm rạ với các KNK được chọn lọc phân tích bao gồm cacbon dioxide (CO2), nito oxit (N2O) và metan (CH4) tại ba quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng của Thành phố Cần Thơ.
Qua quá trình nghiên cứu, lượng phát KNK trong ba lĩnh vực đã được ước tính: hoạt động dân sinh, KCN và hoạt động đốt rơm rạ trong canh tác lúa. Qua kết quả, nguồn phát thải trực tiếp được xác định từ các hoạt động đốt cháy nhiên liệu như than, trấu, dầu DO, dầu FO và nguồn phát thải gián tiếp từ sử dụng điện, rác thải. Qua việc đánh giá, so sánh lượng phát thải KNK trên toàn khu vực, quận Bình Thủy phát thải cao nhất, và quận Cái Răng phát thải ít nhất. Chênh lệch lượng khí phát thải giữa ba quận là do ảnh hưởng từ đặc điểm của loại hình KCN, số lượng KCN phân bố và mức độ dân cư (số hộ gia đình) phân bố tại các khu đô thị trên địa bàn từng quận.
Một số giải pháp giảm thiểu KNK cho hoạt động dân sinh, hoạt động công nghiệp và hoạt động đốt rơm rạ được chọn lọc, tổng hợp cho phù hợp với khu vực nghiên cứu. Các giải pháp được đề xuất trên cơ sở từ thông tin đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm nhẹ phát thải KNK của Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu, cơ quan quản lý môi trường có thêm cơ sở để quản lý, thúc đẩy bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu hiện tại được giới hạn trong phạm vi các nguồn phát thải chính từ hoạt động dân sinh, KCN, canh tác nông nghiệp từ dữ liệu khảo sát. Do vậy, trong các nghiên cứu tiếp theo, nội dung nghiên cứu có thể đề xuất kế thừa và phát triển mở rộng đánh giá phát thải cho các hoạt động sản xuất công nghiệp không thuộc phạm vi KCN.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khi hậu (2023): 21-30.