SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sàng lọc vi khuẩn Lactic có khả năng kháng vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh xuất huyết trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

[14/07/2023 09:27]

Nghiên cứu: “Sàng lọc vi khuẩn Lactic có khả năng kháng vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh xuất huyết trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)” do nhóm tác giả: Trần Thị Ngọc Phương, Đặng Thị Hoàng Oanh- Khoa Thủy Sản, Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh minh họa

Với khoảng 600.000 ha diện tích mặt nước ngọt, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có tiềm năng to lớn cho sự phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh các đối tượng nuôi như tôm thẻ chân trắng, tôm sú,… cá tra cũng được xem là đối tượng nuôi chủ lực, đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi và góp phần vào giá trị xuất khẩu của cả nước. Theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2015 diện tích nuôi thả mới tại ĐBSCL là 1.959 ha (tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2014), sản lượng đạt 516.140 tấn (tăng 1,22% so với cùng kỳ), tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến 31/5/2015 đạt hơn 616 triệu USD. Tuy nhiên, trong hiện trạng thâm canh hóa mô hình nuôi cá tra như hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và khó kiểm soát gây ra thiệt hại lớn cho người nuôi cá tra, trong đó, bệnh xuất huyết (tác nhân gây bệnh là A. hydrophila) là một trong những bệnh nguy hiểm với tần suất xuất hiện khoảng 88% đối với bệnh xuất huyết trong các hộ nuôi được khảo sát so với các bệnh khác và gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trước tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng như hiện tượng kháng thuốc ở vi khuẩn gây bệnh, hay dư lượng thuốc kháng sinh trong vật nuôi có thể gây hại đến sức khỏe con người. Đặc biệt, đối với vi khuẩn gây bệnh A. hydrophila, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh diễn ra ngày càng phức tạp, Quách Văn Cao Thi và ctv., (2014) đã chỉ ra rằng hầu hết các chủng A. hydrophila kháng hoàn toàn với kháng sinh nhóm penicillin, cefalexin và trimetroprim/ sunfamethoxazol. Nên, việc nghiên cứu để tìm những giải pháp thay thế tốt hơn cho phòng và trị bệnh là việc cần thiết. Trong số những giải pháp tìm được, chế phẩm sinh học được xem như một giải pháp thay thế tiềm năng vì vi khuẩn hữu ích có khả năng bám dính cao trong biểu mô ruột và còn nâng cao hệ miễn dịch của động vật. Trong đó, vi khuẩn lactic được chứng minh có chức năng như probiotics, có lợi với sức khỏe vật chủ khi được bổ sung đủ số lượng trong đường ruột (Nirunya et al., 2008), vi khuẩn lactic có thể được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau như các sản phẩm lên men, đường ruột gia súc, đường ruột các loài thủy sản,… Vi khuẩn lactic là vi khuẩn Gram dương, tế bào hình cầu hoặc hình que, catalase âm tính, không sinh bào tử. Ngoài ra, vi khuẩn lactic còn tạo ra acid lactic, ethanol, hợp chất thơm và bacteriocin (Chen và Hoover, 2003). Tuy việc sàng lọc vi khuẩn lactic từ ruột cá không còn là chủ đề mới, và những chủng vi khuẩn có khả năng sử dụng làm probiotic đã được tìm thấy trước đây bao gồm Lactobacillus acidophilus, L. johnsonii, L. casei, L. gasseri, L. plantarum, L. rhamnosus, Bifidobacterium longum, B. breve, B. bifidum, B. infantis, Enterococcus faecalis và Enterococcus faecium. Nhưng hầu hết những nghiên cứu trước đây vẫn chưa thực hiện nhiều trên cá da trơn nước ngọt thu từ tự nhiên. Do vậy nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập và sàng lọc các chủng vi khuẩn lactic từ đường ruột cá da trơn tự nhiên có khả năng kháng với vi khuẩn A.hydrophila gây bệnh xuất huyết trên cá tra, có tiềm năng sử dụng làm probiotics, tạo bộ sưu tập vi khuẩn cho những nghiên cứu sâu hơn về vi sinh hữu ích từ các loài cá tự nhiên hoặc cho các thí nghiệm trong điều kiện in vivo để phòng bệnh xuất huyết trên cá tra.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập vi khuẩn lactic từ đường ruột cá da trơn tự nhiên và sàng lọc các chủng có khả năng kháng với vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh xuất huyết trên cá tra.

Kết quả cho thấy, 96 chủng vi khuẩn lactic có khả năng đối kháng với vi khuẩn chỉ thị Escherichia coli được chọn, với 29 chủng phân lập từ cá tra (Pangasianodon hypophthalmus (Sauvage, 1878)), 24 chủng từ cá lăng (Mystus nemurus (Valenciennes, 1839)), 21 chủng từ cá vồ đém (Pangasius larnaudii (Bocourt, 1866)), 12 chủng từ cá trê (Clarias macrocephalus (Gunther, 1864)) và 8 chủng từ cá hú (Pangasius larnaudii (Bocourt, 1866)). Kết quả nhuộm Gram và kiểm tra sinh hóa cho thấy hầu hết các chủng vi khuẩn lactic được chọn đều là vi khuẩn Gram dương, không sinh bào tử, hình cầu, hình oval, que ngắn hay que dài, oxidase và catalase âm tính. Kết quả xác định tính đối kháng và khả năng sinh bacteriocin, thu được 46 chủng thể hiện tính đối kháng và 3 chủng vi khuẩn thể hiện khả năng kháng khuẩn (sinh bacteriocin thô).

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 9/2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ