SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát đặc điểm giải phẩu và phân tích sơ bộ thành phần hóa học của cây lưỡi mèo tai chuột pyrrosia lanceolata(L.) farw

[14/07/2023 14:44]

Nghiên cứu nhằm khảo sát về hành thái thực vật, đặc điểm vi học của loài Lưỡi mèo tai chuột P. lanceolata nhằm cung cấp thêm các kiến thức trong việc định danh, phân biệt với các loài thuộc chi Pyrrosia.

Họ Dương xỉ còn được gọi là họ Ráng, là một họ lớn, gồm 61 chi, phân bố rộng khắp thế giới, từ vùng nhiệt đới tới ôn đới, trong đó đa dạng nhất là ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là châu Á . Việt Nam có 29 chi, mọc hoang là chủ yếu. Phân bố ở độ cao 1000 - 3500 m. Thường sống trên cạn hoặc phụ sinh trên cây khác (epiphytic), đôi khi là trên bề mặt đá (epilithic), kích thước nhỏ đến trung bình. Hình dạng phiến lá thay đổi nhiều. Túi bào tử lứa tuổi khác nhau ở cùng một ổ túi. Vòng thẳng đứng, không đầy đủ, xếp theo đường kinh tuyến, đi qua chân của túi bào tử và mở bởi kẽ nứt ngang. Ổ túi có hình dạng khác nhau, hình tròn hoặc hình thận, có khi nối liền với nhau thành một vạch dài (quần túi), hoặc phủ tất cả mặt dưới phiến lá. Có áo túi hoặc không có. Pyrrosia là một chi có hình thái rất đơn giản trong họ Polypodiaceae. Chi Pyrrosia đặc trưng bởi có lá lược đơn giản và lông hình sao đặc biệt thường thưa thớt ở mặt trên và dày hơn ở mặt dưới lá. Có 4 loại lông hình sao thường gặp trong chi Pyrrosia: lông hình sao với cánh hình mũi mác, cánh hình kim, cả hai loại hình kim và mũi mác, dạng sợi xoắn. Cây sống trên cạn, phụ sinh trên cây khác hoặc trên bề mặt đá thành các cụm. Thân rễ mọc leo và hầu như luôn có vảy, vảy được bao phủ bởi lông mịn ở toàn bộ vảy hoặc mọc thành chùm ở đầu nhọn của vảy. Lá tồn tại trên cây có thể có 1 hoặc 2 dạng lá, gần như không có cuống, thường mọng nước. Hệ gân lá hình mạng và thường không hiện rõ. Lá mọc cách xa nhau, có hai loại lá: lá bất thụ và lá hữu thụ mang nhiều ổ túi ở mặt dưới lá. Chi Pyrrosia có khoảng 100 loài, chủ yếu là ở châu Á, với một vài nơi tại Úc, New Zealand, Châu Đại Dương và Châu Phi. Trong chi này ở Việt Nam có loài Pyrrosisa lanceolata, tuy là nguồn dược liệu sẵn có nhưng trong nước hiện chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu. Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu: Khảo sát về hành thái thực vật, đặc điểm vi học của loài Lưỡi mèo tai chuột P.lanceolata nhằm cung cấp thêm các kiến thức trong việc định danh, phân biệt với các loài thuộc chi Pyrrosia và định hướng nghiên cứu chuyên sâu về thành phần hóa học của loài này.

Đối tượng thực hiện nghiên cứu:

- là toàn cây Lưỡi mèo tai chuột (P. lanceolata (L.) Farw.) được thu hái vào tháng 01/2019, tại công viên Tao Đàn (Tp. Hồ Chí Minh). Dược liệu được phơi khô rồi xay thành bột thô (2,4 kg). Mẫu nghiên cứu (mã số PL012019.HCM) được lưu giữ tại bộ môn Dược liệu–khoa Dược, ĐH Y Dược Tp. HCM

Phương pháp nghiên cứu:

- Khảo sát đặc điểm giải phẫu thực vật Các mẫu tươi được bóc tách biểu bì, cạo vảy để soi dưới kính hiển vi quang học. Thân rễ, phiến lá được cắt ngang thành những lát mỏng bằng dao lam. Các mẫu vi phẫu được tẩy trắng bằng nước javel và nhuộm vi phẫu bằng phương pháp nhuộm kép Carmin

- Lục iod. Những lát cắt sau khi nhuộm được rửa với nước nhiều lần và bảo quản trong glycerol 10%. Các lát cắt được quan sát dưới kính hiển vi quang học (Olympus, CH20, Japan), chụp ảnh và ghi lại các đặc điểm của vi phẫu.

 - Khảo sát đặc điểm bột Nguyên liệu sau khi thu hái được rửa sạch, sấy khô ở 50 oC, nghiền thành bột và rây qua rây 32 để thu được bột có độ mịn đồng nhất. Nhận xét cảm quan bột dược liệu dưới ánh sáng thường. Bột được soi bằng kính hiển vi và chụp ảnh các cấu tử bằng kính hiển vi quang học (Olympus, CH20, Japan).

 - Phân tích sơ bộ thành phần hóa thực vật Thực hiện trên 20 g dược liệu, lần lượt chiết kiệt các hoạt chất với các dung môi có độ phân cực tăng dần (ether ethylic, cồn 95% và nước) thu được các dịch chiết tương ứng. Xác định các nhóm hoạt chất trong từng dịch chiết bằng các phản ứng hoá học đặc trưng theo phương pháp phân tích hóa thực vật cải tiến của bộ môn Dược liệu, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu cây Lưỡi mèo tai chuột được định danh dựa trên hình thái xác định tên khoa học là P. lanceolata (L.) Farw., kèm dữ liệu giải phẫu, vi học, bột dược liệu và thành phần hóa học (bao gồm: tinh dầu, flavonoid, proanthocyanidin, tannin, acid hữu cơ và hợp chất khử, triterpenoid).

Các đặc điểm thực vật học, vi phẫu, bột dược liệu cung cấp thêm các thông tin chi tiết giúp định danh, phân biệt các loài thuộc chi Pyrrosia. Kết quả khảo sát ban đầu đã xác định được thành phần hoá học chủ yếu trong cây Lưỡi mèo tai chuột P. lanceolata (L.) Farw. (Polypodiaceae) chủ yếu là các hợp chất polyphenol làm tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn về hoá học và tác dụng dược lý sau này.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, số 60/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ