Khảo sát tình trạng bệnh lý bàng quang trên mèo tại Thành phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Hồ Văn Quân, Đặng Văn Minh, Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Thị Thương công tác tại Công Ty TNHH MTV Dịch Vụ Thú Y An Việt, Khoa Chăn Nuôi Thú y, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Bệnh Viện Thú Y, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh: Internet
Bệnh lý trên hệ tiết niệu là một trong những bệnh lý thường gặp và đứng thứ 2 trong 6 vấn đề về sức khỏe thường gặp nhất ở loài mèo (Tran,2015). Theo Lew-Kojrys & ctv. (2017) khảo sát trên 385 con mèo bệnh hệ tiết niệu, kết quả cho thấy 60,70% mèo viêm bàng quang, 13,00% sỏiống dẫn tiểu và 17,4% tắc ống thoát tiểu. Ngoài ra, bệnh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố giới tính, tuổi tác, môi trường sống và chế độ ăn uống. Bệnh lý bàng quang tương đối phổ biến trên hệ tiết niệu ở mèo, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ở Việt Nam, số ca bệnh trên hệ tiết niệu ở mèo ngày càng tăng cao nhưng số liệu và những khảo sát, báo cáo về bệnh lý trên bàng quang ở mèo vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu khảo sát và đánh giá tình trạng mèo mắc các bệnh lý bàng quang tại TP. Hồ Chí Minh và khảo sát các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu liên quan trong bệnh lý bàng quang trên mèo.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh với 3 địa điểm gồm Bệnh viện Thú y Petcare (Phường Thảo Điền, Quận 2), Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị bệnh Động vật (Phường 6, Quận 11) và Bệnh viện Thú y Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh (Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức). Nội dung nghiên cứu gồm: (1) Đánh giá tình trạng bệnh lý bàng quang trên mèo tại TP. Hồ Chí Minh theo các chỉ tiêu khảo sát; (2) Khảo sát các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu trên mèo mắc các bệnh lý bàng quang.
Kết quả cho thấy tình trạng bệnh lý bàng quang trên mèo có tỉ lệ cao trên mèo đực 81,71% (mèo cái 19,29%), giống nội 63,41% (giống ngoại 35,59%), mèo đã triệt sản 64,02% (mèo chưa triệt sản 35,98%), chế độ ăn chỉ cho ăn thức ăn công nghiệp 61,59% (chế độ ăn hỗn hợp 38,41%) và nuôi thả rong 54,88% (nuôi nhốt 45,12%). Tỉ lệ mèo mắc bệnh theo các nhóm tuổi (< 2 tuổi, 2-5 tuổi, > 5tuổi) ở các chỉ tiêu khảo sát triệt sản, áp dụng phương pháp điều trị can thiệp có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Phương pháp chẩn đoán X-quang hiệu quả trong các bệnh lý bàng quang. Các chỉ tiêu sinh lý và sinh hóa máu đặc trưng liên quan trên mèo mắc các bệnh lý bàng quang gồm tăng chỉ số bạch cầu (29,06 K/μL), tăng tế bào bạch cầu đơn nhân (4,62 K/μL), tăng hemoglobin (27,86 g/dL), giảm tiểu cầu (36,16 K/μL), tăng aspartate transaminase (73,42 U/L), tăng creatinine (298,53μmol/L), tăng ure nitrogen máu (20,57μmol/L). Đây là các chỉ tiêu góp phần quan trọng trong đánh giá tình trạng suy giảm chức năng gan, thận trong bệnh lý bàng quang trên mèo.
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 5 (2022)