Một số biện pháp khắc phục hiện tượng cây cóc bị đục lỗ, héo chồi
Hiện tượng cây cóc bị đục lỗ, héo chồi do loài xén tóc (hay còn gọi là bù xòe) gây ra. Có hai loại xén tóc là xén tóc lớn và xén tóc nhỏ.
- Xén tóc lớn: Trưởng thành có thân mình cứng, màu nâu sậm, dài khoảng 30 - 35 mm. Chân và râu màu nâu đỏ, râu cứng và dài hơn cơ thể. Con cái đẻ trứng vào các vết nứt của cây hoặc ngay cháng cây. Ấu trùng màu trắng, dài khoảng 50 - 60 mm. Khi nở ra, ấu trùng chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm trong thân cây, cành cây, ăn phá ở đó. Giai đoạn ấu trùng kéo dài sức phá hại của chúng rất lớn. Ấu trùng đủ lớn chui ra làm nhộng ngay ở dưới vỏ cây. Nhộng được bao bọc bởi một kén trắng to, có cấu tạo bằng canxi rất cứng. Trong một cây có thể có nhiều con gây hại cùng một lúc.
Rất khó để phát hiện triệu chứng gây hại vì loài này trong quá trình ăn không thải phân ra ngoài, thường chỉ phát hiện khi ấu trùng đã vũ hóa và qua sự hiện diện của các lỗ đục. Trên cành bị đục có nhiều lỗ nhỏ, từ đó mủ chảy ra, làm chết nhánh hoặc suy yếu cả cây.
- Xén tóc nhỏ: Trưởng thành có thân mình dài khoảng 20 mm, màu nâu đen. Loài này thường đẻ trứng vào đầu mùa nắng trên các đọt vừa già, chuẩn bị ra bông hoặc lá non. Con trưởng thành dùng hàm cắn vòng quanh đầu cành, cách chồi khoảng 40 - 50 mm rồi đẻ trứng vào đó. Ấu trùng có màu trắng, đầu tròn. Sâu non đục vào đầu cành làm đoạn cành này rụng lá và khô chết.
Triệu chứng để nhận biết sự phá hoại của loài này là chồi non của cành bị đục khô héo và có đường đục ở bên trong. Loài sâu này thường gây hại trên cây còn tơ.
Biện pháp phòng trị:
Hỗn hợp gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu là thuốc thảo mộc thì chỉ trị được một số sâu hại như rệp, rầy, sâu ăn lá nhưng hiệu quả trừ với xén tóc rất thấp…Vì vậy, bạn có thể áp dụng phòng trị xén tóc bằng một số cách sau:
- Không nên chặt hoặc lột vỏ gốc cây để kích thích cây ra trái vì đó là điều kiện cho xén tóc đẻ trứng.
- Xén tóc rất thích ánh đèn vì thế có thể dùng bẫy đèn để bắt trưởng thành vào đầu mùa mưa.
- Chăm sóc thường xuyên, phát hiện kịp thời, cắt bỏ cành bị hại hoặc tỉa bớt cành, nhất là sau khi thu hoạch trái.
- Dùng dao nhỏ khoét ngay lỗ đục sẽ thấy sâu nằm bên trong, bắt sâu hoặc tiêu diệt nhộng.
- Khi phát hiện lỗ đục trong cành, thân cây có thể dùng dây kẽm soi lỗ đục, dùng bông gòn thấm thuốc nhét vào lỗ đục. Dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi như: Pegasus 500SC, Actara 25 WG, Padan 95SP…
Sau khi nhét bông thuốc vào lỗ đục trên cành thì bịt lỗ bằng đất sét để diệt sâu non. Cũng có thể quét thuốc gốc đồng lên thân cây để phòng các loại bệnh tấn công qua lỗ đục.
Ngoài ra, cây cóc cũng có thể bị một số loài sâu bệnh gây hại như:
+ Rầy xanh tiết dịch gây bệnh làm cây kém phát triển. Lúc đó bạn dùng Basa 50 EC, Trebon 2,5 EC để trị.
+ Ruồi đục quả: ruồi đục vào quả lúc vỏ quả già, đẻ trứng dưới lớp vỏ, sâu non ăn thịt quả gây thối, rụng quả. Dùng Sherpa 25 EC, Lục Sơn 0,26 DD, Padan 95 SP để trị.