SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của mật độ lên sinh trưởng, tỉ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn của cá chình hoa giai đoạn giống ương trong hệ thống tuần hoàn kín cung cấp oxy nguyên chất

[18/07/2023 20:26]

Cá chình hoa (Anguilla marmorata) là loài có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon. Ở một số nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản… có nghề nuôi cá chình phát triển mạnh. Tuy nhiên, do kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chình chưa có nhiều tiến bộ nên nguồn cá giống hiện nay vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào cá chình bột vớt ngoài tự nhiên.

Ương nuôi cá chình công nghiệp đã chứng tỏ tính ưu việt là có khả năng nuôi với mật độ cao, năng suất lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi mang lại nhiều lợi ích to lớn cho quá trình sản xuất.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu chỉ dừng lại với việc xây dựng quy trình ương giống trong hệ thống hở, sục khí bằng máy thổi khí, thay nước hằng ngày, mật độ ương thấp (2.500 con/m3). Cá chình giống sau quá trình ương thường không đồng đều, tỷ lệ sống thấp và thời gian ương kéo dài. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của mật độ ương cá chình đến sinh trưởng, tỷ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn và hiệu quả kinh tế.

Nội dung nghiên cứu: Ảnh hưởng của mật độ ương lên sinh trưởng, tỉ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn của cá chình giống (cấp I, II) ương trong hệ thống nước tuần hoàn. Từ đó đưa ra đánh giá về hiệu quả kinh tế của quá trình ương giống cá chình.

Cá chình giống cấp I (0,15 g/con) bố trí với 3 nghiệm thức  2.500, 5.000 và 7.500 con/m3 trong các bể 3 m3, ương 150 ngày; giống cấp II (5 g/con) bố trí với 3 nghiệm thức 1.000, 1.500 và 2.000 con/m3 trong các bể 5 m3, ương 180 ngày.

Bể ương cá được làm bằng composite, đường kính 2,2m, cao 0,9m có đáy dốc về lỗ thoát nước đặt ở giữa, được lắp đặt thêm thiết bị thu gom chất thải rắn có dạng hình trụ tròn  đường kính 30 cm, cao 15 cm tại vị trí chính giữa.

Hệ thống lọc sinh học bao gồm 3 bể composite, mỗi bể được thiết kế thành bộ lọc liên hoàn 05 ngăn có độ cao khác nhau, nước sẽ đi lần lượt từ trên xuống và từ dưới lên. Phần giữa bể được thiết kể như một bể chứa. Giá thể lọc được làm bằng lưới nylon 2a = 1 cm, được cắt theo kích thước các ngăn của bộ lọc, xếp chồng lên nhau đến độ cao 0,5 m và được vệ sinh trước khi sử dụng.

Hệ thống lọc cơ học thiết kế mô phỏng theo Losordo và cộng tác viên. Bể lọc cơ học gồm hai phần: bể chứa các vật liệu lọc và bể chứa nước sau lọc. Phần chứa vật liệu lọc được thiết kế hình trụ tròn đường kính 1,04 m, cao 0,8 m. Giá thể lọc được làm bằng lưới nylon có mắt lưới 2a = 1cm, xếp chồng lên nhau cao 0,5 m.

Nguồn oxy: máy sản xuất oxy nguyên chất công suất 8 m3/giờ do Đan Mạch sản xuất, dùng bình trộn tam giác đã được phát triển bởi Richard Speece. Hệ thống dự phòng gồm máy phát điện dự phòng, nguồn oxy dự phòng.

Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần, duy trì hàm lượng oxy trên 7 mg/L. Thu thập số liệu xác định mối quan hệ giữa mật độ với các chỉ số: tăng trưởng tuyệt đối (DGR), tăng trưởng đặc trưng (SGR), hệ số chuyển hoá thức ăn (FCR), tỷ lệ sống (TLS) và hiệu quả kinh tế. Mật độ cá ương không ảnh hưởng lên sinh trưởng, tỉ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn của cá chình hoa ở giai đoạn ương giống cấp I. Hiệu quả kinh tế cao nhất ở 7.500 con/m3 (285,5 triệu đồng). Mật độ cá ương ảnh hưởng lên tốc độ sinh trưởng chiều dài, khối lượng (DGRL, SGRL, DGRW, SGRW, FCR) của cá chình hoa ở giai đoạn ương giống cấp II đạt cao nhất ở mật độ 1.000 con/m3 và thấp nhất ở mật độ 2.000 con/m3. Hiệu quả kinh tế cao nhất ở 2.000 con/m3 (656,4 triệu đồng).

Tạp chi Khoa học - Công nghệ Thủy sản
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ