SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sự phát triển noãn sào trong mùa sinh sản của cá chẽm mõm nhọn - Psammoperca waigiensis

[18/07/2023 20:29]

Cá chẽm mõm nhọn (Psammoperca waigiensis), giống như một số loài cá biển khác đang được nuôi phổ biến ở nước ta như cá mú (Epinephelus spp), cá giò (Rachycentron canadum), cá hồng (Lutjanus erythropterus), cá đù mỹ (Scyaenops ocellatus) và cá chẽm (Lates calcarifer), là loài cá biển nhiệt đới, đẻ nhiều lần trong năm. Ở nước ta, các nghiên cứu về tổ chức học noãn sào cá xương ở các giai đoạn phát triển khác nhau chưa có sự thống nhất trong việc sử dụng bậc thang phát triển và chưa được chú trọng đúng mức. Nghiên cứu này nhằm mô tả sự thay đổi về mặt tổ chức học của noãn sào trong chu kỳ sinh sản, đặc điểm phát triển của noãn bào và noãn sào của cá chẽm mõm nhọn.

Dựa vào sự biến đổi tổ chức học, tuyến sinh dục cái ở cá xương được chia thành 3 kiểu bao gồm kiểu đồng bộ (synchronous), kiểu đồng bộ theo nhóm (group- synchronous) và kiểu không đồng bộ (asynchronous).

Noãn sào thuộc kiểu không đồng bộ bao gồm noãn bào ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau trong cùng thời điểm và thường bắt gặp ở các loài cá nhiệt đới. Cả nghiên cứu sinh học sinh sản lẫn hoạt động sản xuất giống nhân tạo cá xương đều đòi hỏi sự hiểu biết về quá trình phát triển của tuyến sinh dục trên từng cá thể, đặc biệt là cá thể cái do sự phức tạp trong tổ chức học cũng như khó khăn trong việc kích thích sinh sản. Có rất nhiều tác giả đưa ra các bậc thang phát triển noãn sào cho các loài cá có tập tính sinh sản khác nhau phụ thuộc vào kiểu noãn sào của chúng.

Nhìn chung, các bậc thang đều được xây dựng dựa trên sự thay đổi về hình thái bên ngoài và đặc biệt là tổ chức bên trong liên quan đến sự xuất hiện và phát triển của noãn bào. Sự phát triển noãn sào trải qua các giai đoạn bao gồm giai đoạn chưa thành thục, phát triển, thành thục, tham gia sinh sản, và sau khi tham gia sinh sản. Hiểu biết về những thay đổi trong sự phát triển của noãn bào, sự thay đổi trong tổ chức học của noãn sào có ý nghĩa quan trọng trong dự báo trạng thái thành thục của cá cái, phục vụ cho hoạt động quản lý đàn cá bố mẹ.

Các kết quả này sẽ bổ sung và làm phong phú dữ liệu về tổ chức học tuyến sinh dục trên các loài cá nhiệt đới có noãn sào kiểu không đồng bộ. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cũng góp phần vào việc nâng  cao  hiệu  quả  quản  lý  đàn  cá  bố  mẹ, kích thích sinh sản cá chẽm mõm nhọn trong điều kiện nhân tạo thông qua việc nắm rõ qui luật phát triển tuyến sinh dục của loài cá này.

1. Đàn cá thí nghiệm

Đàn cá bố mẹ tuổi 3+, có chiều dài toàn thân dao động 20-34 cm và khối lượng 70-580 g/con, được nuôi trong giai, đặt trong ao đất, tại khu vực Đồng Bò, Nha Trang từ tháng 1 – 12 năm 2008. Nhiệt độ nước trong ao nuôi dao động 28-320C; độ mặn: 26-34‰; pH: 7,8-8,6 và oxy hòa tan (DO): 3,5-4,6 mg/l. Mật độ nuôi trung bình 3 kg/m 3(20 con/m3) với tỷ lệ đực cái ước tính 1:1. Cá bố mẹ được cho ăn “cá tạp” (cá nục hoặc cá cơm) hàng ngày với khẩu phần bằng 3-5% khối lượng thân. Hàng tháng, khoảng 10 cá cái được bắt ngẫu nhiên để  thu  mẫu  noãn  sào  và  mẫu  được  cố  định trong dung dịch Bouin dùng cho phân tích tổ chức học.

2. Phương pháp phân tích mẫu

Tiêu bản tổ chức học của noãn sào cá Chẽm mõm nhọn được làm theo qui trình. Tiêu bản tổ chức học của noãn sào được quan sát trên kính hiển vi Zeiss Axioskop 2-Plus light và chụp hình bằng máy Nikon Camera Head DS-5M và Nikon Camera Control Unit DS-L1. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng bậc thang phát triển tuyến sinh dục ở cá xương Nikolskii và Sakun và Butskaya để xác định sự phát triển noãn sào cá chẽm mõm nhọn.

3. Kết quả nghiên cứu

Sự xuất hiện noãn sào ở giai đoạn tích lũy noãn hoàng (III), thành thục (IV), tham gia đẻ trứng (V), và giai đoạn sau khi cá đẻ (VI) từ tháng 3 đến tháng 10 cho thấy đây là mùa vụ sinh sản của cá chẽm mõm nhọn trong điều kiện nuôi nhốt.

Noãn bào trải qua các pha phát triển khác nhau và tổ chức học của noãn sào thay đổi qua các giai đoạn phát triển trong chu kỳ sinh sản cho thấy đây là loài đẻ nhiều lần trong năm. Sự xuất hiện đồng thời các noãn bào có các pha phát triển khác nhau trong noãn sào cho thấy đây là loài có buồng trứng kiểu không đồng bộ.

Nghiên cứu cho thấy noãn bào trải các thời kỳ sinh trưởng nguyên sinh chất, tích lũy noãn hoàng, thành thục và được chia thành 6 pha. Sự phát triển noãn sào được chia thành 6 giai đoạn dựa vào sự xuất hiện của các noãn bào ở các pha phát triển. Trong noãn sào xuất hiện nhiều noãn bào ở các pha khác nhau chứng tỏ đây loài có noãn sào kiểu không đồng bộ và đẻ nhiều lần trong năm. Sự xuất hiện noãn sào ở giai đoạn tích lũy noãn hoàng, thành thục, và tham gia đẻ trứng cho thấy mùa sinh sản của loài cá này kéo dài từ tháng 3 đến 10 trong điều kiện nuôi nhốt.

Tạp chi Khoa học - Công nghệ Thủy sản
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài