Khả năng ăn mồi và ảnh hưởng của 4 loại thuốc Mapy, Karate, Exin và Radiant đến bọ rùa 6 vạch (Cheilomenes Sexmaculatus) trong điều kiện phòng thí nghiệm
Cây rau họ thập tự là một trong những nhóm rau quan trọng, có giá trị kinh tế, dinh dưỡng rất cao. Sản xuất cây rau họ thập tự gặp khó khăn vì đây là loại rau có nhiều loài sâu bệnh gây hại làm giảm năng suất và giảm giá trị thương phẩm. Các loại sâu hại trên cây rau họ thập tự: sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ, rầy mềm, sâu ăn đọt. Thành phần sâu hại rau khá phong phú, trong đó rầy mềm là nhóm sâu hại nguy hiểm vì chúng không chỉ chích hút làm cây rau khô héo, giảm năng suất phẩm chất, mà còn là vector truyền bệnh cho rau.
Biện pháp quản lý rầy mềm rất khó, chủ yếu là dùng thuốc hóa học. Tuy nhiên, sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp để phòng trừ dịch hại này đã đem lại những mặt trái của nó, gây ô nhiễm môi trường, để lại dư lượng trong nông sản, mất cân bằng sinh thái, suy giảm nghiêm trọng nguồn thiên địch tự nhiên, xuất hiện một số loài dịch hại mới, sâu hại trở nên khó kiểm soát hơn đã gây thiệt hại to lớn cả về sản lượng lẫn chất lượng thực phẩm.
Trong hệ sinh thái ruộng rau, rầy mềm thường bị nhiều loài thiên địch như Bọ rùa, ruồi ăn rệp, ong ký sinh khống chế số lượng. Trong nhóm thiên địch của rầy mềm thì bọ rùa 6 vạch là loài thiên địch chủ yếu, cả trưởng thành và ấu trùng Bọ rùa đều ăn rầy mềm.
Để góp phần tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng biện pháp sinh học phòng trừ rầy mềm hiệu quả, đề tài: “Đánh giá khả năng ăn mồi và ảnh hưởng của 4 loại thuốc Mapy 48 EC, Karate 2.5 EC, Exin 2.0 EC, Radiant 60 SC đến Bọ rùa 6 vạch (Cheilomenes sexmaculatus) trong điều kiện phòng thí nghiệm” đã được thực hiện.
Bọ rùa C. sexmaculatus, rầy mềm B. brassicae, Sâu tơ P. xylostella, Sâu khoang S. litura, Sâu xanh da láng S. exigua, Sâu cuốn lá lúa C. medinalis, Sâu ăn đọt cải H. Undalis.
Dụng cụ và vật liệu: vợt, kéo và hộp nhựa có nắp đậy bằng lưới, hộp nhựa, kính lúp cầm tay, máy ảnh kỹ thuật số, thuốc bảo vệ thực vật: Mapy 48 EC, Karate 2.5 EC, Exin 2.0 EC, Radiant 60 SC và vật liệu khác.
Phương pháp nhân nuôi Bọ rùa C. sexmaculus
Thu thập Bọ rùa trên các vườn rau cải thả vào lồng lưới có kích thước (50 x 50 x 70 cm), bên trong mỗi lồng lưới có trồng cải có sẵn nguồn sâu hại làm thức ăn cho Bọ rùa. Trong quátrình nhân nuôi, bổ sung thức ăn cho Bọ rùa thường xuyên. Khi Bọ rùa đẻ trứng, thu trứng tách riêng, tiếp tục nhân nuôi đến đủ số lượng.
Phương pháp thu nhân nuôi vật mồi
Nguồn sâu tơ, sâu khoang, rầy mềm, sâu xanh da láng, sâu ăn đọt cải, sâu cuốn lá lúa được thu thập ngoài đồng ruộng, mang về phòng thí nghiệm nhân nuôi trên cải cho đến khi đủ số lượng thí nghiệm.
Bọ rùa là loài bắt mồi đa thực, phổ mồi của Bọ rùa là sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh da láng, sâu ăn đọt cải, rầy mềm, sâu cuốn lá lúa. Trung bình 1 Bọ rùa trong vòng 1 ngày có thể ăn 35,1 ± 1,7 rầy mềm hoặc 2,1 ± 0,4 con sâu tơ hoặc 1,8 ± 0,4 sâu cuốn lá lúa hoặc 1,2 ± 0,5 sâu khoang hoặc 1,5 ± 0,6 sâu ăn đọt cải hoặc 1,4 ± 0,2 sâu xanh da láng.
Trong điều kiện phòng thí nghiệm trung bình 1 con Bọ rùa tuổi 1 ăn được 17,5 ± 4,8 rầy mềm/tuổi, Bọ rùa tuổi 2 ăn được 27,8 ± 8,5 rầy mềm/tuổi, Bọ rùa tuổi 3 ăn được 35,7 ± 10,9 rầy mềm/tuổi, Bọ rùa tuổi 4 ăn được 67,6 ± 14,7 rầy mềm/tuổi. Trung bình một Bọ rùa trưởng thành đực ăn 35,1 rầy mềm/ngày, Bọ rùa cái ăn 50,5 rầy mềm/ngày.
Trong điều kiện phòng thí nghiệm thì thuốc Mapy 48 EC, Karate 2.5 EC, Exin 2.0 SC, Radiant 60 SC đều làm giảm mật số của Bọ rùa.
Tạp chí Khoa học & Kinh tế Phát triển ĐH Nam Cần Thơ