SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bước đầu ứng dụng công nghệ Enzyme để trích ly các hoạt chất thứ cấp từ rễ cây đảng sâm (Codonopsic javanica)

[19/07/2023 14:21]

Đảng sâm Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. phân bố chủ yếu ở vùng núi Tây nguyên, tập trung nhiều nhất là Kontum. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng Viscozyme (Novozyme) để tiến hành trích ly và xác định hàm lượng saponin triterpenoid từ Đảng sâm. Saponin triterpenoid là một trong những thành phần dược liệu tập trung chủ yếu ở rễ củ.

Đảng sâm là một loại cây thân thảo sống lâu năm, mọc bò hay leo bằng thân quấn. Thânmàu tím sẫm, dài 2-3m, phân nhánh nhiều. Rễ củ, hình trụ dài 10-12 cm, đường kính có thể đạt 1-1,7cm. Đầu rễ phình to, trên có nhiều vết sẹo lồi của thân củ, phía dưới có phân nhánh và có rễ con dạng tua nhỏ, mặt ngoài màu vàng nhạt, khi khô màu vàng xám, có nếp nhăn dọc và ngang, phần lõi màu trắng ngà.

Rễ Đảng sâm còn tươi có chứa đường, saponin, acid amin và chất béo. Hàm lượng saponin trong Đảng sâm là cao nhất 3,12. Rễ Đảng sâm có vị ngọt, cay, tính mát; có công dụng thanh nhiệt (hạ sốt), lợi tiểu, giải độc. Thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa đau răng, đau bụng, cảm mạo, bệnh gan, cao huyết áp, tiểu đường, rong kinh, băng huyết,... và sử dụng làm thuốc bổ giúp bồi bổ sức khỏe.

Đông y coi Đảng sâm có thể dùng thay thế nhân sâm trong các bệnh thiếu máu, vàng da, bệnh bạch huyết, viêm thượng thận, nước tiểu có albumin, chân phù đau. Còn dùng làm thuốc bổ dạ dày, chữa ho, tiêu đờm, lợi tiểu. Người ta còn gọi Đảng sâm là nhân sâm của người nghèo vì có mọi công dụng của nhân sâm mà lại rẻ tiền hơn.

Saponin hay saponosid là một nhóm các glycoside có phần sapongenin có cấu trúc triterpen hay steroid 27 carbon gặp rộng rãi trong thực vật, cũng được tìm thấy rộng rãi trong động vật thân mềm như Hải sâm, Sao biển. Công dụng của saponin được tạo ra từ khả năng hoạt động của chúng, chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus. Một số có tác dụng trong điều trị viêm loét dạ dày và viêm da, chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng Viscozyme để tiến hành trích ly saponin triterpenoid từ Đảng sâm.

Phương pháp nghiên cứu

- Định lượng saponin dựa vào phương pháp quang phổ: vanilin và acid vô cơ mạnh kế hợp với genin cho sản phẩm màu hấp thụ cực đại ở bước sóng ánh sáng trong khoảng 510 – 620 nm. Một phản ứng tách nước có thể xảy ra tạo thành nhóm methylene chưa no gây nên màu tím hoa cà cho sản phẩm với aldehyde.

- Xác định hàm lượng triterpenoid:

Dựng đường chuẩn bằng acid oleanolic: Dung dịch acid oleanolic được pha với nồng độ khác nhau, bổ sung vào các chất vanillin - acetic acid (5%), acid pechoric (72%), acid acetic băng, đun ở nhiệt độ 600C trong thời gian 15 phút, cho đến khi dung dịch chuyển sang màu tím hoa cà. Đo độ hấp thu ở bước sóng 548 nm.

Quy trình trích ly và xác định hàm lượng saponin triterpenoid từ Đảng sâm: Sau khi Đảng sâm được xử lý bằng enzyme sẽ trích ly bằng ethanol 70o, trong 1 giờ. Dịch trích ly được lọc ly tâm. Sau đó sẽ được cô khan ethanol thu cao Đảng sâm. Thủy phân cao chiết Đảng sâm bằng H2SO4 5% ở nhiệt độ 1000C, trong 2 giờ. Dịch thu được sẽ được lắc với nhexane theo tỷ lệ 1:1 (v/v) đến khi không còn màu, bốc hơi n-hexane ở nhiệt độ 500C, thu cắn. Hòa tan cắn bằng methanol và định mức thành 10ml. Tiến hành lấy dịch và phân tích hàm lượng saponin triterpenoid.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng khi tiến hành trích ly bằng Viscozyme ở nhiệt độ 300C trong thời gian 1 giờ, nồng độ enzyme là 0,4%, tỷ lệ nguyên liệu:enzyme là 1:7 (g:ml) thì hàm lượng saponin triterpenoid thu được là 88,7±5,2 mg/100g cao hơn 1,5 lần khi không sử dụng enzyme ở cùng điều kiện. Từ những khảo sát nghiên cứu điều kiện trích ly Đảng sâm bằng enzyme sẽ tạo tiền đề cho các ứng dụng sản phẩm Đảng sâm có giá trị cao về chất lượng.

Tạp chí Khoa học & Kinh tế Phát triển ĐH Nam Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ