Tỷ lệ và kết quả điều trị hạ kali máu ở Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối thẩm phân phúc mạc chu kỳ tại bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ hạ kali máu cùng một số yếu tố liên quan. Đánh giá kết quả điều trị hạ kali máu và hạ kali máu dai dẳng ở bệnh nhân suy thận mạn thẩm phân phúc mạc chu kỳ.
Lợi thế của thẩm phân phúc mạc (TPPM) hơn so với những phương pháp điều trị thay thế ở bệnh nhân suy thận mạn (STM) khác là tính di động và liên tục giúp loại bỏ các chất hòa tan và nước tốt hơn, cho phép bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống ít hạn chế hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân TPPM phải đối diện với nhiều nguy cơ như viêm phúc mạc, mất protein, rối loạn nhịp tim, hạ thân nhiệt, rối loạn điện giải… Trong đó, hạ kali máu là một biến chứng nguy hiểm và chiếm tỷ lệ khoảng 7-36% . Nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng lên tim mạch (loạn nhịp tim, suy tim), thần kinh (chuột rút, yếu cơ, sa sút trí tuệ), thận niệu (nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân), tiêu hóa (liệt ruột), hô hấp (suy hô hấp). Phân tích của Simon J. Davies năm 2021 đã cho thấy nguy cơ tử vong tăng đáng kể ở những bệnh nhân TPPM có hạ kali máu. Trong nước, Nguyễn Hùng thực hiện trên 51 bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy tỷ lệ hạ kali máu ở bệnh nhân suy thận mạn (STM) TPPM là 42% . Một nghiên cứu khác tại bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ năm 2017 thực hiện trên 77 bệnh nhân STM TPPM ghi nhận tỷ lệ hạ kali máu là 48%. Tuy nhiên, những nghiên cứu này có cỡ mẫu nhỏ và chưa nghiên cứu về điều trị hạ kali máu trên bệnh nhân STM TPPM. Chính vì thế, chúng tôi thực hiện đề tài với hai mục tiêu nghiên cứu xác định tỷ lệ hạ kali máu và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân STM TPPM chu kỳ. Đánh giá kết quả điều trị hạ kali máu và hạ kali máu dai dẳng ở bệnh nhân STM TPPM chu kỳ.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng:
Bệnh nhân STM TPPM chu kỳ đang được theo dõi điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ từ 25/6/2021 đến 25/6/2022.
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang tiến cứu
- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện: tất cả bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn lựa chọn được chọn vào nghiên cứu.
- Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được nhập và phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0. Khi p<0,05 sự khác biệt có được xem là có ý nghĩa thống kê.
Kết quả sau khi nghiên cứu có 27,3% bệnh nhân hạ kali máu. Sau 1 tháng điều trị với kali clorua, 44,4% bệnh nhân đạt được mục tiêu với trung bình khác biệt trước và sau điều trị là -0,41 mmol/L. Trung bình khác biệt trước và sau điều trị 1 tháng ở bệnh nhân hạ kali máu dai dẳng với spironolacton là -0,21 ± 0,40 mmol/L nhưng chưa có ý nghĩa thống kê với p = 0,204.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, nồng độ kali máu trung bình của bệnh nhân là 3,93 ± 0,82 mmol/L và tỷ lệ hạ kali máu là 27,3%. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ hạ kali máu như giới tính nữ, và nồng độ ure máu cao. Sau 1 tháng điều trị với kali clorua, 44,4% bệnh nhân đạt mục tiêu điều trị với trung bình khác biệt là -0,41 mmol/L có ý nghĩa thống kê với p = 0,007. Sau 3 tháng điều trị với kali clorua, 7 bệnh nhân hạ kali máu dai dẳng được điều trị với spironolacton trong tháng thứ 4, nồng độ kali máu của nhóm bệnh nhân này đã được cải thiện mặc dù chưa có ý nghĩa thống kê với p = 0,204.
Tạp chí y dược học Cần Thơ, số 60/2023