Thực trạng sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân chấn thương cơ quan vận động điều trị tại bệnh viện đa khao Trung tâm An Giang 2020-2021
Nghiên cứu nhằm mô tả thực trạng sơ cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện của các bệnh nhân chấn thương cơ quan vận động điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang năm 2020-2021.
Trên thế giới, tỷ lệ mắc và tử vong liên quan đến chấn thương ngày càng gia tăng không ngừng, hàng ngày có khoảng 16 nghìn người chết do chấn thương . Trong đó, chấn thương các loại của cơ quan vận động ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn. Sau chấn thương, cơ quan vận động xảy ra các tình trạng đau, sưng nề, mất cơ năng... Nếu xử trí ban đầu không đúng, sơ cứu không kịp thời có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng và có nhiều nguy cơ xảy ra các biến chứng làm ảnh hưởng đến sự sống của chi, ảnh hưởng đến chức năng vận động thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Điều này không những chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội do phải tốn chi phí chăm sóc, điều trị, khắc phục hậu quả sau chấn thương. Sơ cứu là bước chăm sóc ban đầu, có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai, nhằm mục đích duy trì sự sống, giảm bớt đau đớn, ngăn bệnh tật hoặc thương tích thêm trầm trọng và thúc đẩy phục hồi. Những người đầu tiên đến hiện trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh hậu quả nặng hơn bằng cách gọi cấp cứu, dự phòng các va chạm tiếp theo, vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện... Nếu những người này được đào tạo về sơ cấp cứu sẽ tránh được các trường hợp tử vong do sốc chấn thương, tổn thương gây mất máu. Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều có các trung tâm phòng ngừa tai nạn và thương tích. Tại tỉnh An Giang, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khía cạnh dự phòng tai nạn thương tích, dự phòng chấn thương cơ quan vận động mới được chú ý. Để có những thông tin cơ bản, hệ thống và đầy đủ về thực trạng sơ cứu nạn nhân chấn thương cơ quan vận động chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu: “Thực trạng sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân chấn thương cơ quan vận động điều trị tại bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang 2020-2021” với hai mục tiêu: Mô tả thực trạng sơ cấp cứu các bệnh nhân chấn thương cơ quan vận động điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang năm 2020-2021. Mô tả thực trạng vận chuyển đến bệnh viện của các bệnh nhân chấn thương cơ quan vận động điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang năm 2020-2021.
Đối tượng nghiên cứu:
- Tất cả bệnh nhân chấn thương cơ quan vận động đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang từ 5/2020 - 5/2021.
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả có phân tích.
- Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu theo công thức: n = Z2 1-α/2 x P x (1 –P)/d2 n: cỡ mẫu; z: hệ số tin cậy, với α = 0,05 à z = 1,96; d (sai số cho phép) = 0,05 Theo nghiên cứu của Trần Minh Hào năm 2021 tại Thái Bình, tỷ lệ nạn nhân bị tai nạn giao thông được sơ cấp cứu trước khi vào viện là 44,7%, do đó chọn P = 0,447. Vậy n = 380, trong thực tế nghiên cứu lấy n = 497 mẫu. Chọn mẫu thuận tiện: tất cả các bệnh nhân chấn thương cơ quan vận động vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang 01/5/2020 cho đến khi đủ mẫu. Chẩn đoán bằng phối hợp: bệnh sử chấn thương, khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh học.
Kết quả nghiên cứu có 81,7% được sơ cấp cứu tại hiện trường. Thời điểm xảy ra chấn thương trong ngày được sơ cấp cứu nhiều nhất là 13h - <18h (84,5%), thấp nhất là 0h -<6h (71,4%). 51,1% được sơ cấp cứu tại chỗ, 50,9% được người dân là người đầu tiên tham gia cấp cứu. Thời gian từ khi bị chấn thương đến khi được cấp cứu ban đầu đa phần ≤ 5 phút (49,9%). Băng bó là biện pháp sơ cấp cứu phổ biến nhất (51,6%), giảm đau là biện pháp ít phổ biến nhất (5,7%). 54,1% được đưa đến bệnh viện bằng xe máy, 50,1% được đưa đến bệnh viện trong khoảng thời gian<60 phút.
81,7% đối tượng nghiên cứu được thực hiện sơ cấp cứu tại hiện trường. Khung giờ được thực hiện sơ cấp cứu nhiều nhất là 13h -<18h (84,5%), thấp nhất là 0h -<6h (71,4%). 51,1% được thực hiện sơ cấp cứu tại chỗ, 50,9% được người dân là người đầu tiên tham gia.
Tạp chí y dược học Cần Thơ, số 60/2023