SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Điều tra các loài cây cảnh họ cau dừa đang được trồng tại một số loại công trình ở Thành phố Hồ Chí Minh và ứng dụng trong thiết kế cảnh quan

[21/07/2023 09:13]

Nghiên cứu do nhóm tác Phạm Thị Yến Nhi, Vũ Thị Miên, Dương Thị Bích Loan, Lương Ngọc Diểm và Dương Thị Mỹ Tiên thuộc Khoa Môi Trường và Tài Nguyên, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh: Internet

Không gian xanh đô thị ngày càng được xem là “cơ sở hạ tầng xanh” thiết yếu vì chúng cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội và môi trường đa dạng, từ cải thiện sức khỏe đến giảm các đảo nhiệt đô thị (Richard & Frank, 2008; Rizwan & ctv., 2008). Công viên, cây xanh đường phố, bảo tồn thiên nhiên đô thị và các không gian xanh đô thị khác có tầm quan trọng lớn đối với khả năng sinh sống và chất lượng cuộc sống ở các thành phố (Boulton & ctv., 2018). Chúng không những cải thiện được sức khỏe con người mà còn là nơi giải quyết những cảm xúc, tâm lý tiêu cực của con người (Poortinga, 2021;Marcela & ctv., 2022). Vì vậy, cần phải có sự cân bằng giữa kiến trúc và không gian xanh trong các thành phố (Alessio & Giuseppe, 2018). Cau dừa là loài cây phổ biến có giá trị làm cảnh và giá trị kinh tế cao, được trồng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Cây họ Cau dừa có thể bứng, di dời và trồng lại cây ở địa điểm khác mà vẫn nhanh chóng tạo ra cảnh quan (Lyn-Kristin& Andreas, 2016). Họ Cau dừa (Arecaceae hayPalmae) bao gồm khoảng 2.600 loài trong 181 chi phân bố chủ yếu ở nhiệt đới và cận nhiệt đới các khu vực trên toàn thế giới (Thaise & ctv., 2019) ,là một họ trong thực vật có hoa, thuộc về lớp thực vật một lá mầm và nằm trong bộ Cau (Arecales).Các loài thuộc họ Cau dừa (Arecaceae) có thể khác nhau về cả hình thái và chức năng (Henrik& ctv., 2016; Thaise & ctv., 2019) gồm những cây thân cột không phân nhánh hoặc dây leo, phân bố rất rộng ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới (Simpson, 2010). Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới nên số lượng các loài, chi trong họ Cau rất phong phú và đa dạng. Đề tài “Điều tra các loài cây cảnh họ Cau dừa (họ Arecaceae) đang được trồng tại một số dạng công trình tại TP. Hồ Chí Minh và ứng dụng trong thiết kế cảnh quan” là nghiên cứu nối tiếp của nghiên cứu về điều tra các loài cây cảnh họ Cau dừa ở các vựa kiểng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh của Tran & ctv. (2021) với mục tiêu lập nên một dữ liệu tổng quan về thực trạng sử dụng họ Cau dừa trong thiết kế cảnh quan nhằm đánh giá tình hình và xu hướng sử dụng các loài cây họ Cau dừa (Arecaceae), đồng thời đưa ra khuyến nghị cần thiết cho họ này trong cảnh quan thực tế.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 04 năm 2022 tại một số công viên công cộng, khu dân cư trong đô thị, các tuyến đường lớn và các quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài được thực hiện bằng phương pháp điều tra với các phiếu khảo sát, chụp ảnh, thu mẫu, định danh bằng cách so sánh hình thái, tổng hợp, phân tích dữ liệu và ứng dụng thiết kế bằng các phần mềm thiết kế chuyên ngành cảnh quan. Đề tài đã điều tra và định danh được 23 loài thuộc 20 chi của họ Cau dừa (Arecaceae). Tại các công viên công cộng có 22/23 loài trong khi đó công viên khu dân cư có 17/23 loài, tại các quán cà phê có 8/23 loài, các tuyến đường phố có 4/23 loài. Cây họ cau dừa có thân mọc đơn độc có 16 loài (69,5%), cây có thân mọc cụm thành dạng bụi có 7 loài (30,5%); 16 loài có dạng lá kép lông chim (69,5%) và 7 loài có dạng lá xẻ thùy chân vịt (30,5%). Sử dụng các phần mềm Sketchup, Lumion và Photoshop để thiết kế các mẫu phối kết cây cảnh họ Cau dừa ứng dụng trong cảnh quan.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Số 5 (2022)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ