SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm gây bệnh và tính kháng sinh của pseudomonas aeruginosa tại Bệnh viện Đà Nẵng NGhiên cứu nhằm khảo sát đặc điểm gây bệnh và kháng kháng sinh của P.aeruginosa tại Bệnh viện Đà Nẵng.

[21/07/2023 10:18]

Nghiên cứu nhằm khảo sát đặc điểm gây bệnh và kháng kháng sinh của P.aeruginosa tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Pseudomonas aeruginosa là một trong những căn nguyên gây nhiễm trùng bệnh viện. Bệnh cảnh nhiễm trùng do vi khuẩn này thường đa dạng như viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm trùng tiêu hóa... và vi khuẩn có xu hướng đề kháng với nhiều dòng kháng sinh khác nhau đã gây ra không ít khó khăn trong điều trị. Trong nghiên cứu của Hà Thị Bích Ngọc (2019) về tính kháng thuốc của vi khuẩn Gram âm thường gặp phân lập tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Pseudomonas aeruginosa có tỷ lệ kháng trên 50% với các kháng sinh thử nghiệm và hầu như không thay đổi trong suốt nghiên cứu. Đã có nhiều báo cáo trên thế giới cho thấy mức độ đa kháng kháng sinh và gây ra hậu quả nặng nề do Pseudomonas aeruginosa. Những nhiễm khuẩn nặng gây ra do Pseudomonas aeruginosa thường có tỷ lệ tử vong khá cao không chỉ do cơ chế sinh bệnh phức tạp mà còn do khó chọn được kháng sinh thích hợp ngay từ ban đầu vì khả năng đề kháng hầu hết các loại kháng sinh kể cả các kháng sinh mới có hoạt tính và phổ tác dụng rộng. Thực trạng nhiễm khuẩn do Pseudomonas aeruginosa đa kháng kháng sinh đã trở thành vấn đề toàn cầu và thực sự là gánh nặng cho lâm sàng và tài chính. Vì vậy việc thường xuyên giám sát về mức độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn giúp cho bác sĩ lâm sàng điều trị nhiễm trùng tốt hơn, tiết kiệm chi phí và đồng thời có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của chúng. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm gây bệnh các chủng Pseudomonas aeruginosa tại Bệnh viện Đà Nẵng.  Tình hình kháng kháng sinh của các chủng Pseudomonas aeruginosa phân lập được tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Đối tượng nghiên cứu:

- Các chủng Pseudomonas aeruginosa phân lập được tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Đà Nẵng.

Phương pháp nghiên cứu:

- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

 - Cỡ mẫu: Tất cả 43 chủng Pseudomonas aeruginosa phân lập được từ các bệnh phẩm có chỉ định cấy và kháng sinh đồ tại khoa Vi sinh từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021.

- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu toàn bộ.

Kết quả nghiên cứu tỷ lệ P.aeruginosa gây nhiễm trùng ở nam: 62,8%, ở nữ: 32,7%. Nhiễm khuẩn P.aeruginosa chủ yếu ở bệnh nhân trên 60 tuổi (83,7%). Các chủng P.aeruginosa phân lập được nhiều nhất tại khoa Hồi sức tích cực chống độc (41,9%), Nội hô hấp (18,6%), Nội lão (13,9%), Ngoại tổng hợp (9,3%), Ngoại chấn thương-thần kinh (9,3%) và Nội thận (7%). Hình thái nhiễm trùng lâm sàng do P.aeruginosa thường gặp nhất là nhiễm trùng hô hấp (60,5%), nhiễm trùng tiết niệu (16,3%), nhiễm trùng vết thương (9,3%), nhiễm trùng vết mổ (2,3%), nhiễm trùng vết loét (9,3%) và nhiễm trùng máu (2,3%). P.aeruginosa phân lập được từ đàm (51,2%), mủ (20,9%), nước tiểu (16,3%), dịch phế quản (9,3%) và máu (2,3%). P.aeruginosa đề kháng thấp với Colistin, Piperacillin/Tazobactam, Amikacin lần lượt là 16,3%; 11,6%; 32,6%, đề kháng dao động từ 40-60% với các kháng sinh: Torbramycin và Gentamycin (44,2%), Cefepime (46,5%), Ciprofloxacin (53,5%), Meropenem (44,2%), Imipenem (41,9%), Levofloxacin (55,8%), Ofloxacin (58,1%). Có 23,3% P.aeruginosa MDR, 30,2% XDR và không có PDR.

Đối với P.aeruginosa gây nhiễm trùng chủ yếu ở người lớn tuổi và nhiều nhất ở đường hô hấp. Bệnh phẩm phân lập được P.aeruginosa nhiều nhất là đàm, tiếp theo là mủ, nước tiểu. Vi khuẩn đề kháng tương đối từ 40-60% với các kháng sinh Ciprofloxacin, Meropenem, Imipenem, Levofloxacin, Ofloxacin. Có 23,3% chủng P.aeruginosa đa kháng, 30,2% kháng mở rộng và không có chủng toàn kháng.

Tạp chí y dược học Cần Thơ số 58/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ