SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát nồng độ anti thyroglobulin huyết tương trong theo dỗi người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có phẫu thuật kết hợp điều trị I-131 tại bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng

[21/07/2023 10:35]

Nghiên cứu nhằm khảo sát nồng độ anti thyroglobulin huyết tương trong theo dỗi người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có phẫu thuật kết hợp điều trị I-131 tại bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng.

Ung thư tuyến giáp (UTTG) là bệnh ác tính nội tiết phổ biến nhất và chiếm 3,1% tỷ lệ mắc ung thư toàn cầu . Theo GLOBOCAN năm 2018 ghi nhận 567.233 ca mới mắc và 41.071 ca tử vong ở 185 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao, đứng hàng thứ 9 trong các bệnh ung thư với 5418 ca mới mắc và 528 ca tử vong. Điều trị phẫu thuật giúp loại bỏ hoàn toàn khối u nhưng sau phẫu thuật vẫn còn sót tế bào ung thư. Vì vậy, điều trị Iod phóng xạ được cho là mang lại hiệu quả cao trong việc tiêu diệt những tế bào còn sót sau phẫu thuật. Hiện nay trên lâm sàng có nhiều phương pháp tìm tế bào còn sót sau phẫu thuật trong đó Thyroglobulin là dấu ấn sinh học nhạy cảm nhất của ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và điều trị Iod phóng xạ. Tuy nhiên độ chính xác của kết quả định lượng Thyroglobulin lại chịu ảnh hưởng bởi Anti Thyroglobulin, sự có mặt của Anti Thyroglobulin làm sai lệch hoặc làm tăng nồng độ Thyroglobulin trong huyết thanh. Do đó, hướng dẫn quản lý ung thư hiện nay yêu cầu xét nghiệm Thyroglobulin phải luôn thực hiện đồng thời với xét nghiệm Anti Thyrogobulin. Anti Thyroglobulin sau phẫu thuật có thể đóng vai trò là dấu ấn sinh học cho mô tuyến giáp còn sót lại, trong khi TSH, FT4 chỉ đánh giá rối loạn chức năng tuyến giáp [1]. Anti Thyroglobulin được tìm thấy thường xuyên hơn trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, được sử dụng để theo dõi sự tái phát hoặc tồn tại của ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.

Đối tượng nghiên cứu: Người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa đã được phẫu thuật cắt tuyến giáp hoàn toàn kết hợp điều trị I-131 đợt đầu tại Khoa Y học Hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Phương pháp nghiên cứu

- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

- Cỡ mẫu nghiên cứu và kỹ thuật chọn mẫu:

+ Cỡ mẫu: 115 người bệnh thõa mãn tiêu chí chọn mẫu trong thời gian nghiên cứu từ tháng 01/2020 đến tháng 04/2020.

+ Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu toàn bộ.

- Xử lý số liệu: Nhập và xử lý số liệu bằng phần mềm MS.Excel 2016 và phần mềm SPSS 20. Đánh giá mối liên quan giữa hai biến định tính: Kiểm định Chi bình phương về tính độc lập. Các kiểm định có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

 - Đánh giá mức độ tương quan giữa hai biến định lượng: Nếu dữ liệu của 2 biến có phân phối chuẩn sử dụng phân tích tương quan Pearson. Nếu dữ liệu của 2 biến không có phân phối chuẩn sử dụng phân tích tương quan Spearman.

Kết quả nghiên cứu nồng độ Anti Tg trên người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau điều trị giảm có ý nghĩa thống kê so với trước điều trị. Anti Tg với Tg trước điều trị có mối tương quan nghịch, sau điều trị có mối tương quan thuận.

Nồng độ Anti Tg trên người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau điều trị (Trung vị = 45 IU/mL) giảm có ý nghĩa thống kê so với trước điều trị (Trung vị = 108 IU/mL) bằng Iod phóng xạ. Mối tương quan giữa nồng độ Anti Tg với các yếu tố: Anti Tg với Tg trước điều trị có mối tương quan nghịch, sau điều trị có mối tương quan thuận. Anti Tg với TSH trước điều trị không có mối tương quan, sau điều trị có mối tương quan thuận. Anti Tg với FT4 trước điều trị có mối tương quan thuận, sau điều trị không có mối tương quan.

Tạp chí y dược học cần Thơ số 58/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ