Khảo sát tỷ lệ đái tháo đường thai kì ở thai phụ đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản –Nhi Đà nẵng
Nghiên cứu nhằm khảo sát tỷ lệ đái tháo đường thai kì ở thai phụ đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản –Nhi Đà nẵng.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Đây là một trong các bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp trong thai kỳ, không có triệu chứng điển hình và hầu hết được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm sàng lọc trong suốt quá trình mang thai. Đái tháo đường thai kỳ xuất hiện vào khoảng tuần thứ 24-28 của thai kỳ, khi nhau thai bắt đầu sản xuất một lượng lớn các hormon gây kháng insulin và sẽ biến mất sau khi sinh 6 tuần. Cho tới nay đái tháo đường thai kỳ đang là một vấn đề đáng quan tâm của y tế vì tỷ lệ mắc bệnh cao, gia tăng nhanh và nếu không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều tai biến nặng nề cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai, trong và sau khi sinh như sẩy thai, tiền sản giật, thai chết lưu, hội chứng suy hô hấp cấp, tử vong chu sinh, thai to gây đẻ khó. Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ tăng huyết áp, đặc biệt có nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2 thực sự, sau này có khả năng tái phát mắc đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo. Trẻ sơ sinh của những bà mẹ có đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ hạ glucose máu, hạ canxi máu, vàng da, khi trẻ lớn hơn sẽ có nguy cơ béo phì và đái tháo đường typ 2. Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng có thể điều trị được và người mẹ có kiểm soát glucose máu tốt có thể giảm rõ những nguy cơ nói trên.
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một thể của đái tháo đường và ngày càng gia tăng do tuổi sinh đẻ tăng, phụ nữ ngày càng thừa cân, béo phì và ít vận động, nhất là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ thay đổi từ 1-14% ở các phụ nữ có thai. Ở Việt Nam, đái tháo đường thai kỳ chiếm tỷ lệ từ 3,6-39,0%. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Lệ Hằng và cộng sự (2016) cho kết quả thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ chiếm tỷ lệ 13,5% .Năm 2019, Bùi Thị Phương Nga và cộng sự nghiên cứu về tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ và một số yếu tố liên quan của đái tháo đường thai kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Long An cho kết quả tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ chiếm 15,35 %.
Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên 600 thai phụ có tuổi thai từ 24 đến 28 tuần
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
- Cỡ mẫu nghiên cứu và kỹ thuật chọn mẫu:
+ Cỡ mẫu: 600 thai phụ có tuổi thai từ 24-28 tuần đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi từ tháng 11/2019 đến tháng 05/2020.
+ Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu toàn bộ.
+ Chọn thai phụ đủ tiêu chuẩn chọn bệnh, ghi nhận tiền sử (tuổi, BMI, tiền sử sản khoa) có thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 75g, ghi các thời điểm xét nghiệm glucose máu: G0, G1, G2.
- Xử lý số liệu: Nhập và xử lý số liệu bằng phần mềm MS.Excel 2010 và phầm mềm SPSS 20. Để mô tả biến số định lượng theo luật phân phối chuẩn: ¯X ± SD. Mô tả biến số định tính: tần số và tỷ lệ %. Đánh giá mối liên quan: test Chi square và test Fischer.
Kết quả nghiên cứu tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ có thai là 15,8%. Có mối liên quan giữa ĐTĐ thai kỳ với tuổi thai, BMI của thai phụ trước khi mang thai, phụ nữ có tiền sử sẩy thai, thai chết lưu và cân nặng của trẻ trong các lần sinh trước (p < 0,05).
Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ có thai là 15,8%. Có mối liên quan giữa ĐTĐ thai kỳ với tuổi thai, BMI của thai phụ trước khi mang thai, phụ nữ có tiền sử sẩy thai, thai chết lưu và cân nặng của trẻ trong các lần sinh trước (p < 0,05). Do đó nên tiến hành khám tầm soát đái tháo đường thai kỳ cho tất cả thai phụ 24-28 tuần tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ.
Tạp chí y dược học Cần Thơ số 58/2023