SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhận diện một số loài nấm độc thuộc chi nấm Russula được thu thập tại vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk dựa trên các đặc điểm hình thái

[21/07/2023 10:49]

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả mô tả chi tiết các đặc điểm hình thái của một số loài nấm độc thuộc chi Russula tại Vườn quốc gia Yok Đôn, Tỉnh Đắk Lắk.

Ảnh minh họa: Internet

Russula là một chi nấm trong họ Russulaceae với khoảng 750 loài (Trịnh Tam Kiệt, 2011). Chi Russula có đặc điểm gồm: Nấm mọc hoại sinh trên đất, có màu sắc đa dạng và phong phú như: mũ nấm có màu trắng, màu nâu, vàng, cam, đỏ, xanh lục, đen hoặc tím… Mũ nấm chất thịt, dạng chuông hay dạng cầu dẹp, bào tầng dạng phiến Lê Bá Dũng (2003). Trong chi Russula có nhiều loài nấm có giá trị thực phẩm như: Russula delica; Russula cyanoxantha; Russula virescens. Một số công trình nghiên cứu về nấm của các tác giả Lê Bá Dũng (2003), Trịnh Tam Kiệt (2011, 2012) cho thấy nhiều loài thuộc chi Russula là nấm có độc tố như: Russula emetica; Russula foetens. Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Trong Vườn có nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau, nhưng kiểu hệ sinh thái chính là hệ sinh thái Rừng khộp gồm chủ yếu những cây lá rộng rụng lá mùa khô (Nguyễn Kim Đào, 2003). Sự đa dạng của hệ thực vật và động vật, cùng với đặc điểm về đất đai của khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài nấm lớn sống hoại sinh trên đất dưới tán rừng, trong đó có chi nấm Russula.

Đắk Lắk nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, điều kiện xã hội còn chưa được phát triển, người dân có thói quen hái nấm mọc tự nhiên ở trong rừng về chế biến để làm thực phẩm sử dụng cho nên rất dễ nhầm lẫn giữa nấm độc và nấm không độc. Do vậy, việc cung cấp các tri thức về đặc điểm hình thái các loài nấm độc là rất cần thiết nhằm nâng cao kiến thức cho người dân và hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn nấm độc gây ra.

Sau khi tiến hành điều tra, thu thập các mẫu nấm thuộc chi nấm Russula tại 05 sinh cảnh khác nhau ở Vườn quốc gia Yok Đôn, Tỉnh Đắk Lắk, nhóm tác giả đã ghi nhận có 04 loài nấm độc gồm 25 mẫu nấm trong chi nấm này. Dựa trên các loài nấm thu thập được nhóm tác giả đã liệt kê ra một số sinh cảnh mà các loài nấm độc này phân bố. Trong đó sinh cảnh thường xuất hiện các loài nấm độc thuộc chi nấm này tại Vườn quốc gia Yok Đôn, Tỉnh Đắk Lắk là sinh cảnh rừng khộp.

Trong thời gian nghiên cứu ở Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk nhóm tác giả đã thu thập được 25 mẫu nấm và đã định loại ra 04 loài nấm độc thuộc chi nấm Russula bao gồm: Russula cf. emetica (Schaeff.) Pers. 1796; Russula cf. foetens Pers. 1796; Russula cf. queletii Fr. 1872; Russula cf. subnigricans Hongo 1955. Các loài này đã được mô tả đặc điểm sinh học một cách tỷ mỉ từ hình thể đến màu sắc, nơi mọc của từng loại nấm cụ thể và đây sẽ là tài liệu tranh, ảnh phục vụ trong công tác phòng chống ngộ độc nấm. Những loài nấm độc có những đặc điểm hình thái như màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm sống hoại sinh trên đất và phân bố ở các sinh cảnh khác nhau. Kết quả nghiên cứu của các loài nấm độc thuộc chi Russula góp phần bổ sung thêm vào danh mục các loài nấm của Vườn quốc gia Yok Đôn nói chung và nấm lớn Việt Nam nói riêng, phục vụ cho nghiên cứu đa dạng sinh học cũng như những nghiên cứu về hoạt tính độc của các loài nấm này. Bên cạnh đó cũng góp phần giúp người dân nhận diện một số loài nấm độc.

Tạp chí trường Đại học Tây Nguyên, Số 57, tháng 12-2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ