Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng bệnh vảy nến mủ tại bệnh viện Daa liễu Thành phố Cần Thơ năm 2021
Nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng trên bệnh nhân vảy nến mủ.
Vảy nến mủ toàn thân là dạng thường gặp và nguy hiểm nhất trong tất cả thể lâm sàng của vảy nến mủ. Có thể thấy các đặc điểm lâm sàng như viêm kết mạc, bất thường về gan, phù chân, vàng da, và khởi phát thường kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt và tăng bạch cầu. Trong giai đoạn cấp tính này, tình trạng sốt và tăng bạch cầu có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm là nhiễm trùng toàn thân, đôi khi dẫn đến việc ngừng điều trị ức chế miễn dịch phản tác dụng [8]. Vảy nến mủ là một thể hiếm gặp của bệnh vảy nến, tuy nhiên đây là một thể bệnh nặng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống và tính mạng của bệnh nhân. Do chưa có những kiến thức chắc chắn về cơ chế bệnh sinh của vảy nến mủ nên việc điều trị còn gặp rất nhiều khó khăn, không triệt để. Trước tình hình đó, việc thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan để làm cơ sở để hiểu rõ hơn về cơ chế bệnh sinh cũng như điều trị hiệu quả bệnh là vô cùng cấp thiết. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến bệnh vảy nến, tuy nhiên nghiên cứu chuyên sâu về vảy nến mủ rất ít được quan tâm. Nhằm cung cấp dữ liệu khoa học về đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của vảy nến mủ, từ đó làm cơ sở trong thực hành chẩn đoán lâm sàng cũng như áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả.
Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân vảy nến mủ đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Cần Thơ từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022.
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca. - Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện không xác suất, liên tiếp theo trình tự thời gian, không phân biệt tuổi, giới tính khi nhập viện của người bệnh.
- Phương pháp thu thập số liệu: Phỏng vấn trực tiếp. Hỏi kỹ tiền sử, bệnh sử và triệu chứng cơ năng. Thăm khám lâm sàng: tổng trạng, tổn thương da, tổn thương móng. Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm: tổng phân tích tế bào máu, hóa sinh máu, xét nghiệm CRP huyết thanh. Ghi nhận các thông tin trên vào phiếu thu thập mẫu nghiên cứu.
- Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu thu thập được nhập, mã hóa và phân tích bằng phần mềm SPSS 23.0 theo các phép thống kê y học thông thường. Các biến số định tính được trình bày dưới dạng tần số, tỉ lệ phần trăm.
Kết quả nghiên cứu có 31 ca vảy nến mủ được nghiên cứu, bao gồm 31 ca (100%) vảy nến mủ toàn thân. Tuổi trung bình là 36,16 ± 18,11. Tỷ lệ nữ/nam là 2,44/1. Triệu chứng cơ năng thường gặp nhất là ngứa (100%), tiếp đến là lạnh run (12,9%) và đau khớp (6,45%). Triệu chứng thực thể thường gặp là mụn mủ trên da (100%), tổn thương móng (58,1%), sốt (32,2%), lưỡi bản đồ (6,45%). Các đặc điểm cận lâm sàng ở bệnh nhân vảy nến mủ là bạch cầu tăng (80,65%), thiếu máu (45,16%), tăng tốc độ máu lắng (100%), albumin huyết thanh giảm (35,48%), men gan tăng (32,23%), giảm canxi máu (61,29%), tăng CRP huyết thanh (90,32%).
Bệnh nhân nam chiếm 29,03%, nữ chiếm 70,97%, tuổi khởi bệnh trung bình là 32,35 ± 16,23 tuổi, đa số bệnh nhân vảy nến mủ có yếu tố khởi phát bệnh là không rõ nguyên nhân (70,97%), bệnh nhân thường có triệu chứng ngứa (100%), mụn mủ (100%), tổn thương móng (58,1%), sốt (32,2%), biểu hiện cận lâm sàng thường gặp là bạch cầu tăng (80,65%), tăng tốc độ máu lắng (100%), tăng CRP huyết thanh (90,32%), albumin huyết thanh giảm (35,48%), men gan tăng (32,23%), giảm canxi máu (61,29%).
Tạp chí y dược học cần Thơ số 57/2023