Đánh giá thực trạng kiến thức về sử dụng kháng sinh và các yếu tố liên quan cảu người bán thuốc ở các cơ sở bán lẻ thuốc tại Thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng kiến thức của NBT về kháng sinh và sử dụng kháng sinh và xác định các yếu tố có liên quan đến thực trạng kiến thức của người bán thuốc về kháng sinh.
Hiện nay, vấn đề kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng và đáng báo động. Các dược sĩ phải nắm kỹ những triệu chứng về bệnh và hướng dẫn những thông tin quan trọng của thuốc cho người bệnh hiểu để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc. Cần Thơ là thành phố phát triển với nhiều nhà/quầy thuốc phân bố ở các quận, huyện để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh. Từ khi có và áp dụng tiêu chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc-GPP đến nay, hầu hết các CSBLT vẫn chưa đáp ứng tốt, đặc biệt là công tác tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh cho người bệnh. Để làm được điều này, kiến thức về kháng sinh cũng như sử dụng kháng sinh của người bán thuốc là rất quan trọng. Nghiên cứu này sẽ tạo nên một mảnh ghép nhỏ cho những nghiên cứu lớn hơn để hướng đến mục đích nâng cao chất lượng chuyên môn tại các cơ sở bán lẻ thuốc, góp phần trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung. Mục tiêu của nghiên cứu là “Đánh giá thực trạng kiến thức của người bán thuốc về kháng sinh và sử dụng kháng sinh đồng thời xác định các yếu tố có liên quan đến thực trạng này”.
Đối tượng nghiên cứu:
Người bán thuốc (NBT) tại các cơ sở bán lẻ thuốc đạt chuẩn GPP, đang hoạt động tại thành phố Cần Thơ và tự nguyện tham gia nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Thiết kế mô tả cắt ngang. Số liệu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp người bán thuốc theo bảng câu hỏi được chuẩn bị sẵn về kiến thức bán kháng sinh không đơn.
- Phương pháp chọn mẫu: Kết hợp giữa chọn mẫu xác suất và không xác suất, bao gồm chọn mẫu phân tầng 180 NBT tại 180 nhà thuốc/quầy thuốc theo nguyên tắc mẫu tỷ lệ cho 9 quận/huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ và chọn mẫu thuận tiện theo số lượng mẫu đã tính theo nguyên tắc mẫu tỷ lệ ở mỗi quận huyện và tiến hành thu thập số liệu.
Kết quả nghiên cứu người bán thuốc là nữ giới chiếm đa số với tỷ lệ 65%. Đa số người bán thuốc có trình độ chuyên môn là đại học (59,4%), trung cấp (27,8%) và cao đẳng (12,8%). 92,2% người bán thuốc biết việc cấp phát thuốc kháng sinh khi không có đơn thuốc sẽ làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Tỷ lệ người bán thuốc có mức điểm kiến thức tốt là 86,0%. Các đối tượng người bán thuốc có điểm trung vị kiến thức cao hơn các đối tượng còn lại (p<0,05), bao gồm: người trình độ đại học, người có thu nhập từ 3 triệu đến dưới 10 triệu, người bán thuốc ở cơ sở bán lẻ thuốc thuộc loại hình tư nhân và người bán thuốc ở thành thị.
Nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng về kiến thức sử dụng kháng sinh của NBT và xác định một số yếu tố có liên quan đến thực trạng kiến thức của NBT về kháng sinh trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Kết quả cho thấy đa số NBT có kiến thức tốt về kháng sinh. Tuy nhiên, thực trạng kiến thức này có liên quan đến tình trạng bán thuốc kháng sinh không đơn hay không cần phải được nghiên cứu tiếp. Từ đó mới có thể đưa ra các biện pháp can thiệp để góp phần giảm thiểu tình trạng đề kháng kháng sinh của thành phố Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tạp chí y dược học Cần Thơ số 57/2023