SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tìm hiểu sự đậu trái ở cây dừa dứa(Cocos nucifera L.) trong mùa mưa

[21/07/2023 12:27]

Dừa là loài cây công nghiệp có giá trị cao, từ thân, trái đến tất cả các bộ phận của cây đều được sử dụng. Hơn nữa, dừa còn là một trong số ít cây thích nghi tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt. Do đó, ngoài các giá trị kinh tế dừa còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo khí hậu ổn định, chống xói mòn và có vai trò quan trọng trong du lịch sinh thái.

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với hơn 72 ngàn ha được trồng tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách và Thành phố Bến Tre. Trong đó, huyện Giồng Trôm là huyện có diện tích trồng dừa tập trung lớn nhất của tỉnh với 17.360 ha với các giống dừa cao như dừa Ta, dừa dâu, nhóm dừa lùn có dừa Xiêm, dừa Dứa.

Trong các giống dừa uống nước, dừa Dứa, giống dừa được nhập từ Thái lan, đang có nhiều triển vọng phát triển do có nhiều chất dinh dưỡng cùng vị ngọt, mùi thơm đặc trưng của nước và cơm dừa rất tốt cho sức khỏe. Hiện nay, trên thị trường, giá dừa Dứa tươi cao hơn so với các giống dừa khác. Hơn nữa, dừa Dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao vì dễ trồng, thích nghi rộng trên nhiều vùng đất và thời gian ra hoa sớm. Ngoài ra, việc trồng dừa Dứa tạo sinh cảnh và phục vụ du khách ở các khu du lịch sinh thái đang được quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, năng suất vườn dừa Dứa hiện còn rất thấp. Đặc biệt khả năng đậu trái thấp trong mùa mưa là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của cây dừa Dứa. Do đó, việc tìm hiểu sự đậu trái của cây dừa Dứa trong mùa mưa nhằm đề xuất các biện pháp làm tăng khả năng đậu trái góp phần làm tăng năng suất trên cây dừa này là cần thiết.

1. Vật liệu

- Cây dừa Dứa Thái Lan 6 năm tuổi, đã ra hoa 3 năm, đang cho trái ổn định được trồng ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Các cây dừa này được trồng trên liếp đôi, khoảng cách giữa các cây là 6 m. Các cây thí nghiệm được chọn theo các tiêu chí như cây có cùng độ tuổi, chiều cao, chu vi gốc, số lá trên cây tương đối đồng đều và có cùng chế độ chăm sóc. Vườn dừa thí nghiệm được bón phân hỗn hợp NPK (16 - 5 - 20) với liều lượng 1 kg/1 gốc định kì 2 tháng một lần. Phân được bón bằng cách đào rãnh quanh tán cây cách gốc khoảng 1,5 m sâu 10 cm, rộng 40 cm, bón phân vào rãnh rồi lấp đất lại.

- Trái dừa Dứa từ 0 - 4 tháng tuổi.

2. Phương pháp

a. Khảo sát sự nở hoa của cây dừa Dứa

Phân tích hoa, theo dõi thời gian mở mo của các phát hoa kế tiếp nhau trên cây dừa Dứa bằng cách theo dõi thời gian mở mo của phát hoa thứ n và phát hoa thứ (n + 1).

Xác định pha cái và pha đực trên cùng một phát hoa và các phát hoa kế tiếp nhau trên cùng cây. Trong đó, pha cái được tính từ khi hoa cái đầu tiên nở cho đến hoa cái cuối cùng nở, pha đực được tính từ khi hoa đực đầu tiên nở cho đến hoa đực cuối cùng nở. Thí nghiệm được thực hiện trên 10 cây dừa Dứa.

b. Theo dõi sự đậu trái và rụng trái non của cây dừa Dứa

Sự đậu trái được khảo sát sau khi hoa cái nở hoàn toàn tương ứng với sự tăng trưởng của bầu noãn. Số hoa cái và số trái còn trên buồng (tỉ lệ nghịch với sự rụng trái non) được đếm trước và sau thụ phấn 7 ngày. Thí nghiệm được thực hiện trên 10 cây dừa Dứa.

Sự rụng trái non ở dừa Dứa được theo dõi từ khi hoa cái nở hoàn toàn đến giai đoạn trái 4 tháng tuổi.

Trong đó, tổng số hoa cái được xác định vào thời điểm hoa cái nở hoàn toàn, số trái trên buồng được xác định vào thời điểm theo dõi. Thí nghiệm được thực hiện trên 10 cây dừa Dứa.

c. Khảo sát sự thay đổi hàm lượng glucose, tinh bột trong lá và trái dừa Dứa

Trên cây dừa thí nghiệm, đánh dấu lá và buồng trái theo thứ tự từ ngọn xuống. Lá mang phát hoa có hoa cái đang nở được tính là lá mang buồng trái 0 tháng tuổi. Tương tự, phát hoa giai đoạn này cũng được tính là buồng trái 0 tháng tuổi. Từ buồng trái 0 tháng tuổi trở xuống, đánh dấu tiếp các lá mang buồng trái 1- 4 tháng tuổi. Thu trái ở vị trí giữa buồng và lá chét ở đoạn giữa của lá mang trái giai đoạn 0 - 4 tháng tuổi để đo hàm lượng glucose và tinh bột. Ở mỗi độ tuổi của trái, thu 3 trái mỗi cây, thu trên 9 cây. Trái được thu vào cuối mùa mưa (tháng 11) tức trái được hình thành trong mùa mưa (tháng 7). Từ lá và trái ở các độ tuổi thu được, lấy 2 g phần thịt lá ở đoạn giữa của lá chét hoặc phần trái chẻ dọc và nước dừa (trái 3 - 4 tháng tuổi) dùng để phân tích hàm lượng glucose, tinh bột. Lặp lại 3 lần đối với mỗi mẫu. Glucose trong lá hoặc trái dừa được chiết trong ethanol nóng theo tỉ lệ 10 cồn: 1 mẫu. Nhuộm dung dịch glucose bằng phenol 5% và H2SO4 đậm đặc. Đo mật độ quang ở bước sóng 490 nm và so sánh với đường chuẩn glucose để xác định hàm lượng glucose. Phần bã sau khi trích glucose được sấy khô, đun cách thủy với nước cất và thủy giải tinh bột với HClO4 9,2 N để xác định lượng tinh bột thông qua lượng glucose được thủy giải. Hàm lượng tinh bột trong lá hoặc trái được xác định gián tiếp thông qua hiệu số lượng glucose giữa có thủy giải và không thủy giải tinh bột bởi HClO4 9,2 N.

d. Khảo sát sự thay đổi hoạt tính các chất điều hòa sinh trưởng thực vật ở trái dừa Dứa

Cách thu mẫu để đo hoạt tính chất điều hòa sinh trưởng thực vật trong trái dừa Dứa giống như cách thu mẫu phân tích hàm lượng glucose và tinh bột. Lấy 2 g phần cắt dọc trái dừa ở các độ tuổi hay nước dừa (đối với trái 3 - 4 tháng tuổi) để đo hoạt tính chất điều hòa sinh trưởng thực vật. Lặp lại 3 lần đối với mỗi mẫu. Các chất điều hòa sinh trưởng thực vật có trong trái dừa Dứa được li trích bằng cách dùng các dung môi thích hợp (methanol 80%, ether), cô lập dựa vào sự thay đổi pH và thực hiện sắc kí bản mỏng silicagel. Vị trí của các hormone sinh trưởng thực vật được phát hiện nhờ quan sát trực tiếp dưới tia ultraviolet. Các hormone khác nhau được thử hoạt tính bằng cách làm sinh trắc nghiệm với diệp tiêu lúa (Oryza sativa L.) cho auxin và acid abcisic, tử diệp dưa leo (Cucumis sativus L.) cho cytokinin và cây mầm xà lách (Lactuca sativa L.) cho gibberellin.

 e. Xử lý số liệu

Các số liệu thu được từ thí nghiệm được xử lí bằng phần mềm IBM SPSS Statistics phiên bản 22.0. Sự khác biệt có ý nghĩa ở mức xác suất p=0,05 được biểu hiện bằng mẫu tự theo sau giá trị trung bình và sai số chuẩn.

3. Kết luận

Sự đậu trái của dừa Dứa trong mùa mưa thấp hơn so với mùa khô do: - Số lượng hoa cái trên buồng của cây dừa Dứa trong mùa mưa thấp. - Tỉ lệ đậu trái của cây dừa Dứa trong mùa mưa thấp do thời tiết không thuận lợi cho sự thụ phấn và thụ tinh. - Sự rụng trái non ở cây dừa Dứa trong mùa mưa cao hơn mùa khô và xảy ra từ sau đậu trái đến giai đoạn trái 4 tháng tuổi đặc biệt khá cao trong giai đoạn trái 0 - 1 tháng tuổi. Sự rụng trái non giai đoạn này cao không do sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa các trái trong một buồng mà do sự mất cân bằng hormone chủ yếu là do sự tác động của ABA gây rụng trái.

Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ