SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát đặc điểm hình thái, sinh học, ký chủ và khả năng ăn mồi của Bọ rùa (Coccinella transversalis) trên rau màu

[21/07/2023 13:25]

Rau quả rất cần thiết cho cuộc sống cũng như các bữa ăn hàng ngày của con người, là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng, vi lượng, chất xơ và một số chất khác cho cơ thể con người không thể thay thế được. Không giống như cây lúa, rau quả được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn, để bảo vệ và tăng năng suất cây trồng dẫn đến việc lạm dụng thuốc hóa học ngày càng nhiều hơn. Do đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm do thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên nông sản ngày càng tăng, hơn thế nữa thuốc còn xâm nhập vào đất, nước, tồn dư trên cây trồng gây ra những ảnh hưởng lâu dài, phá vỡ cân bằng sinh thái và tiêu diệt nhiều loài côn trùng có ích trên đồng ruộng.

Nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cây trồng và đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn tăng cao, hiện nay con người đã biết chủ động bảo vệ, duy trì sự đa dạng và nhân nuôi nhiều loài thiên địch có ích để kìm hãm số lượng sâu hại, bảo vệ cây trồng.

Trong các nhóm thiên địch ăn mồi thì họ bọ rùa (Coccinellidae) thuộc bộ cánh cứng là nhóm có phổ thức ăn rộng, khả năng ăn mồi cao, chu kì sinh trưởng ngắn, vì thế có nhiều loài đã được nghiên cứu và ứng dụng rất thành công trong công tác BVTV tại nhiều nước trên thế giới. Được biết đến như là loại thiên địch quan trọng, bọ rùa chữ nhân Coccinella transversalis được xem là loài có triển vọng cao trong công tác phòng trừ sinh học.

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về một số đặc điểm sinh vật học có liên quan đến sự phát triển và khả năng ăn mồi của bọ rùa C. transversalis nhằm tăng hiệu quả sử dụng chúng trong công tác phòng trừ sâu hại đồng thời hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng nói chung, rau màu nói riêng.

1. Khảo sát đặc điểm hình thái, sinh học có liên quan đến sự phát triển của bọ rùa

Các giai đoạn phát triển của bọ rùa Coccinella transversalis được thu thập ngoài đồng, đem về nhân mật số và cho vũ hóa trong điều kiện phòng thí nghiệm, thức ăn là rầy mềm. Trong quá trình nuôi thức ăn được cung cấp hằng ngày vào buổi sáng. Sau khi vũ hóa cho thành trùng bắt cặp trong hộp nhựa tròn, nắp hộp có khoét lỗ hình chữ nhật có kích thước 4x5 cm rồi dán vải mùng lại, trong hộp có để cục bông gòn nhỏ tẩm đủ nước nhằm tạo độ thoáng khí, ẩm độ thích hợp trong hộp. Sau đó, lựa chọn ngẫu nhiên 10 cặp theo dõi đặc điểm hình thái, sinh học. Mỗi cặp thành trùng được nuôi riêng trong từng hộp, khi có trứng tách trứng nuôi trong hộp nhựa khác, quan sát ghi nhận các chỉ tiêu về kích thước, màu sắc, hình dạng, số tuổi của ấu trùng, khả năng đẻ trứng, tỉ lệ trứng nở, tỉ lệ chết, tỉ lệ sống, tỉ lệ ăn thịt lẫn nhau, vòng đời và thời gian phát triển từng giai đoạn.

2. Xác định ký chủ Xác định cây ký chủ qua khả năng ăn rầy mềm trên một số họ cây trồng khác nhau (cây họ đậu, cà ớt, bầu bí dưa, rau cải) ở giai đoạn thành trùng (đực, cái). Thả rầy mềm lên các họ cây trồng đã chuẩn bị rồi dùng hộp nhựa đậy lại, sau đó nối thông với hộp bọ rùa (30 con) đặt giữa bằng ống nhựa (φ = 10 mm). Ghi nhận số bọ rùa Coccinella transversalis (con/cây) sau 30, 60, 120 và 180 phút.

3. Khả năng ăn mồi

Khả năng ăn mồi được khảo sát trên 2 loại rầy mềm (Aphis craccivora và Aphis glycines). Bọ rùa được để đói 24 giờ trước khi tiến hành thí nghiệm. Khả năng ăn mồi được khảo sát ở 5 giai đoạn phát triển của bọ rùa (ấu trùng tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4, thành trùng đực và cái). Thí nghiệm được thực hiện trên con mồi ở tất cả các giai đoạn với 4 lần lặp lại. Ghi nhận số lượng rầy mềm bị ăn trong các khoảng thời gian 5, 10, 15, 30 và 60 phút.

Phân tích số liệu: Số liệu được tính toán thống kê theo phần mềm thống kê SPSS, phân tích ANOVA và các giá trị trung bình được kiểm định theo Duncan.

4. Kết luận

Trong điều kiện phòng thí nghiệm (To: 28- 320C, H%: 70-80%), kết quả khảo sát ghi nhận chu kì sinh trưởng của Coccinella transversalis biến động từ 25-66 ngày, thời gian ủ trứng là 3,69 ngày, giai đoạn ấu trùng là 11,6 ngày (có 4 tuổi), thời gian làm nhộng là 3,27 ngày. Tuổi thọ của thành trùng đực và thành trùng cái lần lượt là 18,1 ngày và 29 ngày với thời gian tiền đẻ trứng là 3-5 ngày. Con cái đẻ trứng trung bình là 212 trứng, với tỉ lệ trứng nở khá cao (80,12%). Tần số xuất hiện của bọ rùa C. transversalis trên cây bầu và cây ớt nhiều nhất. Bọ rùa C. transversalis có khả năng ăn rầy mềm (Aphis craccivora và Aphis glycines) ở cả 4 giai đoạn ấu trùng và thành trùng. Bọ rùa C. transversalis tỏ ra có triển vọng trong công tác phòng trừ sinh học rầy mềm.

Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ